
“Quanh tôi còn quá nhiều cảnh đời bất hạnh, làm bao nhiêu đó với tôi vẫn còn quá ít, tôi chỉ mong tuổi già chậm tới để tôi còn có thể đi nhiều, nhiều hơn nữa”. Lời tâm sự rất đỗi chân tình của một con người suốt cuộc đời chỉ bận tâm mỗi một việc, đó là làm từ thiện. Làm thiện nguyện với cô không có điểm dừng, chỉ dừng khi đôi chân không còn nhấc nổi nữa mà thôi!
Duyên với trẻ lang thang

Siêu thị Đại Chúng do cô Ba Hiền Sỹ lập.
Cô bắt đầu đi làm từ thiện từ thời buổi đất nước còn khó khăn, người dân còn nghèo khổ. Với cô, cả cuộc đời để dành tình yêu thương cho bao số phận bất hạnh trên khắp mọi nẻo đường đất nước. Cô là Nguyễn Hiền Sỹ (tên thật Lâm Thị Hía, sinh năm 1945, ngụ tại đường Điện Biên Phủ quận 3 TPHCM), mọi người vẫn quen gọi cô một cách gần gũi là cô Ba Hiền Sỹ.
Từ năm 1980 cho đến giờ, ở đâu có người nghèo, có bệnh tật là có bước chân của cô đặt đến, từ Nam chí Bắc, ở đâu cần giúp đỡ là cô đi không ngần ngại. Nhớ lại buổi đầu đi làm thiện nguyện, còn lắm khó khăn, nhưng cô vạch kế hoạch cụ thể để thuyết phục người thân, bạn bè cùng tham gia. Ban đầu, có nhiều người cho rằng đó là ý tưởng điên rồ, nhưng cô đã khiến cho mọi người phải nghĩ lại bằng những công việc thiện nguyện rất thực tế và ý nghĩa.
Bản thân cô lúc đầu muốn làm việc tốt cho đời mà bán cả vòng vàng, nữ trang… những thứ gì có thể bán được là cô bán cả. Và cô Ba khăn gói đi gõ cửa các chùa, nhà thờ, những người quen để xin tiền làm việc thiện. Năm 1982, đến chùa Hưng Phước (đường Cách Mạng Tháng Tám quận 3 TPHCM), thấy gian bếp của chùa rộng rãi, có thể mở được lớp dạy chữ xóa mù cho trẻ lang thang, cô xin ý kiến của sư trụ trì là Thầy Thích Hiển Pháp.
Được thầy đồng ý, cô bắt đầu đi vận động bạn bè góp tiền của để mua bàn ghế, sách vở, làm một lớp học nhỏ, đi vận động những đứa trẻ lang thang, gia đình nghèo cho con đến lớp học, gian khổ vô cùng... Lớp mở ra, lúc đầu có ít trẻ đến học, nhưng càng về sau càng đông, thấy được hiệu quả, bạn bè, người thân ủng hộ cho cô thêm niềm tin để mở tiếp lớp học cho trẻ vạn đò vùng sông nước ở miền Nam và Bắc. Lớp học được mở ngay trên sông, cô Ba mua nguyên một con thuyền thật to, đóng mặt thuyền bằng phẳng, kê bàn ghế và thuê giáo viên ban đêm đến dạy cho các em. Lúc đầu, mở lớp trên bờ nhưng các em mãi phụ giúp cha mẹ không chịu đi học nên lớp học phải chuyển xuống thuyền. Thế mà kết quả rất đáng khích lệ, có em nhờ học hành nên có cuộc sống ổn định, viết thư cảm ơn cô, khiến cô rất vui.
Đến với người bệnh tật, bất hạnh

Cô Ba Hiền Sỹ (hàng đầu, thứ 2 từ phải sang) trong buổi giao lưu trò chuyện với học viên sau cai nghiện tại Công ty Minh Châu (Cụm công nghiệp - dân cư Nhị Xuân). Ảnh: LÂM HỮU
Năm 1988, thấy còn nhiều trẻ em ở TPHCM bị bệnh đao (Down) mà không có điều kiện chữa trị do nhà nghèo. Qua quận 4, cô thấy Linh Quang Tịnh xá (91 Nguyễn Khoái) có không gian rộng rãi, thoáng đãng, cô đánh liều xin thầy Thượng tọa Thích Từ Giang cho mở trường nuôi dạy trẻ bị bệnh đao, trẻ em nghèo phải ngủ ở chợ, gầm cầu... Được thầy đồng ý, cô lại đi vận động kinh phí, nhân lực để mở trường.
Cô nhờ bác sĩ Nguyễn Văn Khuê, là người nhiều lần đi làm từ thiện cùng cô, bác sĩ khám bệnh cho các cháu để nhận nuôi, phật tử phát tâm mỗi tháng 1.000 đồng/người, cô nói với thầy trụ trì: “Phật tử cho như thế, thiếu bao nhiêu thì con sẽ lo”. Mỗi tháng cô hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng để lo ăn uống, thuốc men cho các em.
Bà con khắp nơi nghe tin đến đóng góp gạo, củi, rau… để nuôi các em. Lúc đầu nhận được 23 cháu, sau đó tiếng lành đồn xa, số lượng cứ tăng lên dần. Thấy hiệu quả, năm sau có đến 16 trường khác trên địa bàn TPHCM mở theo mô hình này. Cô nhớ lại: “Hồi đó mà làm hiệu quả như thế là mừng lắm, ai cũng phấn khởi vì thấy lợi ích thiết thực. Đó cũng nhờ có sự đóng góp của nhiều người, có sự đồng tình của xã hội”.
Bắt đầu từ năm 1985, cô cùng với những người bạn tổ chức những chuyến đi thăm bệnh nhân phong ở khắp mọi miền đất nước. Những làng phong ở Đồng Nai, TPHCM, Sóc Trăng, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nghệ Tĩnh, Tây Nguyên, Lai Châu, Sơn La… đều in dấu chân của đoàn thiện nguyện do cô dẫn đầu đến thăm.
Những làng nằm sâu trong rừng, xa xôi, hẻo lánh nhất được cô Ba chọn để đến thăm, không quản ngại đường sá khó khăn, đoàn đi sâu đến nơi có những con người bị phong thời đó bị hắt hủi, xa lánh. Đôi tay, đôi chân không còn nguyên vẹn, lấy vải che thân thay áo, ở trong những cái chòi xiêu vẹo… Nhìn họ đứng co ro, run rẩy, khép nép vào nhau như để che đi thân thể tật nguyền mà đoàn thiện nguyện lòng đau như cắt. Mỗi bệnh nhân được tặng một bộ đồ cũ, một ít tiền, những món quà nhỏ… họ sung sướng đưa những đôi tay không đủ ngón, run rẩy đón nhận và nhìn đoàn bằng ánh mắt biết ơn.
Có người đến thăm là còn có hy vọng nhìn thấy ánh sáng của tương lai, không chỉ cho họ mà còn cho con cái của họ. Hiểu được tâm tư của bệnh nhân, khi về Sài Gòn, cô vận động mở trường dạy sơ cấp y cho con em những bệnh nhân phong ở Quy Hòa (Quy Nhơn) do bác sĩ Trần Hữu Ngoạn dạy, bác sĩ đã dành hết tâm sức cho bệnh nhân phong, cùng cô Ba Hiền Sỹ đi khắp các trại phong. Khi học xong, các em ở lại trại để chăm sóc cho bệnh nhân, nhiều em còn xung phong lên những trại ở Tây Nguyên để nhận nhiệm vụ. Từ năm 1995 đến nay, cô không trực tiếp đi đến những trại phong nữa nhưng năm nào cô Ba cũng gửi tiền, quà cho các trại để lo cho bệnh nhân.
Gia đình, chồng con của cô đều định cư ở nước ngoài, cô không chịu qua bên đó mà chỉ muốn ở lại quê hương để làm từ thiện. Năm 1995, cô cùng với bác sĩ Huỳnh Văn Nẫm (Hội Chữ thập đỏ TPHCM) vận động mọi người đi hiến máu để cứu những em nhỏ bị sốt xuất huyết. Rồi cô lại dành dụm tiền của để tặng cho các trại dưỡng lão, trại tâm thần, tặng cho các chương trình mổ mắt miễn phí của các tỉnh...
Tấm lòng dành cho người nghèo
Vào tháng 12-2007, cô lập siêu thị Đại Chúng (Bình Chánh- TPHCM) bán hàng giá rẻ dành cho người có thu nhập thấp, đồng thời nguồn thu từ siêu thị dành để lập quỹ cho những người nghèo ở vùng sâu, vùng xa vay phát triển sản xuất mà không phải thế chấp, tạo công ăn việc làm cho con em người nghèo. Noi gương cha của mình, cô về những vùng quê nghèo ở miền Tây xây cầu bê tông thay cầu khỉ, giúp các em nhỏ đến trường, để cha mẹ các em không phải nơm nớp lo âu khi các em đi học trên những con đò chòng chành. Có 4 cây cầu ở Tiền Giang do cô tài trợ xây đã khánh thành, hiện cô đang tài trợ chính để xây cầu qua kênh Thạnh Mỹ, ở xã Ngọc Tố huyện Mỹ Xuyên tỉnh Sóc Trăng, xã vừa có vụ chìm đò làm chết 5 học sinh và 1 phụ nữ.
Người đồng tình với cô không thiếu, nhưng người nghi ngờ tấm lòng của cô cũng nhiều, cô tâm sự: “Chỉ có một điều buồn là người ta nói mình háo danh nên mới làm vậy. Có người còn nghi ngờ tui sống trên số tiền xin được, nhưng bận tâm đến miệng đời thì không làm được điều gì, miễn sao mình làm đúng lương tâm là tối ngủ ngon!”. Đã ngoài 60 tuổi nhưng cô Ba vẫn còn ấp ủ nhiều dự định về những chuyến đi thiện nguyện, tới những vùng còn nghèo khó của đất nước để giúp đỡ bà con nghèo. Cả cuộc đời cô Ba là một chuyến đi dài, mà còn sức thì cô còn đi…
Diễm Lệ