Cô giáo Khmer già và lớp học tình thương

Cô giáo Khmer già và lớp học tình thương

Cô giáo người Khmer Trần Thị Kính (thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đã bước sang cái tuổi “thất thập”, đôi tay cầm phấn đã run run nhưng vẫn ngày ngày đến lớp đưa con chữ cho những học trò nghèo không có điều kiện đến trường.

  • Nặng nợ với học trò nghèo
Cô giáo Khmer già và lớp học tình thương ảnh 1
Dù sức đã yếu nhưng cô Kính vẫn miệt mài bên những trang vở của học trò.

Đến thị trấn Kế Sách hỏi thăm lớp học tình thương của cô giáo Kính, hầu như ai cũng biết, vì cô là người ơn của nhiều người ở huyện này.

Năm 1977, phong trào xóa nạn mù chữ cho những người dưới 35 tuổi được phát động tại huyện Kế Sách, cô Kính khi ấy đang là hiệu phó trường tiểu học tại huyện đã tình nguyện tham gia vào tổ xóa mù chữ dù biết tiền thù lao không bao nhiêu.

Thị trấn Kế Sách là thị trấn nghèo, người dân đa phần là nông dân ngày ngày làm lụng quần quật kiếm cái ăn không đủ, nên việc đi học là cả một vấn đề.

Sợ mọi người không đi học, cô Kính cùng với các thầy cô trong tổ đến từng nhà vận động. “Gian nan lắm mới vận động được một người đến lớp, nhưng chỉ vài hôm họ lại nghỉ vì không đủ sức vừa làm vừa học. Phải kiên trì lắm mới giữ được học sinh” - cô Kính nhớ lại.

Không ngại cực khổ, năm 1990 cô lại xung phong tham gia phong trào phổ cập giáo dục tiểu học, dù khi ấy cô đã gần đến tuổi nghỉ hưu.

Mọi người lo ngại cô không đủ sức, cô tâm sự: “Nhìn cảnh người lớn thất học quá đông, rồi trẻ con cũng thế. Nghèo nàn đi đôi với thất học, nghĩ thế tôi thấy mình cần làm hết sức để giúp đỡ họ. Với lại sức còn bao nhiêu thì cống hiến bấy nhiêu”.

Cứ như thế, ngày ngày cô đến lớp. Sáng dạy bọn trẻ, tối dạy người lớn và thời gian rảnh thì đi vận động người lớn, trẻ con đến trường.

Chúng tôi hỏi cơ duyên nào cô lại gắn bó với trẻ em, người nghèo? Cô trả lời rất đơn giản: “Cứ nghĩ đến những đứa trẻ nhà nghèo không có điều kiện đến trường, ngày ngày chúng phải đi bán vé số, mò cua, bắt ốc, cắt lúa mướn… tương lai mù mịt, tôi lại thấy xót xa. Gia tài của tôi không có gì ngoài những con chữ. Tôi tặng chúng gia tài của mình, còn chúng học hành chăm ngoan thì xem như đã tặng lại tôi niềm vui lúc tuổi già”.

Theo cô, nếu cho bọn trẻ tiền bạc rồi chúng cũng sẽ xài hết, nhưng có cái chữ, chúng sẽ dùng được suốt cả cuộc đời.

  • Những ước mơ bình dị

Hôm đến thăm lớp học, chúng tôi bắt gặp những cái đầu khét lẹt mùi nắng lấp ló gần cửa lớp. Thạch Thị Hường (14 tuổi, đang học lớp 5) cho biết, em vừa đi bán vé số xong, trễ giờ vào lớp nên đứng ngoài nghe cô giảng bài.

Để được theo học với cô Kính, ngày ngày Hường tranh thủ đi bán vé số từ rất sớm. Hôm nào bán ế, đi học trễ, Hường không dám vào lớp vì sợ làm cô buồn lòng.

Đa phần học trò của cô là những đứa trẻ Khmer nghèo, phải làm lụng vất vả phụ giúp cha mẹ kiếm cái ăn. Lý Thị Thanh là con lớn trong một gia đình có 6 anh chị em, cha mẹ làm thuê làm mướn.

 Lúc nhỏ thì giữ em, lớn lên theo mẹ đi cắt lúa mướn, 10 tuổi “một chữ bẻ đôi” cũng không biết. Nhờ cô Kính, năm nay Thanh đã học gần xong lớp 5.

Với gần 50 năm gắn bó với nghề giáo, trong đó hơn 30 năm gắn với lớp học tình thương, không chỉ dạy bọn trẻ biết chữ, khi thấy em nào đủ điều kiện về học lực, cô lại làm đơn xin cho em vào học ở trường phổ thông với học phí miễn giảm, ưu đãi.

Vì không đủ người dạy nên cô phải kèm tụi nhỏ từ lớp 1 đến lớp 5. Tính đến nay đã có hơn 900 người lớn, 400 trẻ em được cô bồi dưỡng hết cấp 1, nhiều em theo học hết cấp 2 ở trường phổ thông, một số học hết lớp 12 và có việc làm ổn định.

Cô giáo Khmer già và lớp học tình thương ảnh 2

Niềm vui của cô và trò bên lớp học mới.

Lớp học của cô giáo Kính thực chất là nhà chờ ở lò thiêu nằm giữa ruộng của ấp Tập Rèn.

Gọi là nhà, chứ thực ra nơi đó chỉ có mái, xung quanh trống lóc. Một cái bảng đen, vài chiếc bàn vậy là thành lớp học.

Những ngày mưa, học trò và cô giáo trùm trên người tấm nhựa lội sình đến lớp, đang học mà gặp mưa thì sách vở của cô trò đều bị ướt.

Vậy mà không ai nghỉ học. Thấy bọn trẻ đi học trong điều kiện quá khó khăn, cô vận động các mạnh thường quân xây được một lớp học khang trang với tên gọi: Lớp học tình thương điểm Cầu Trắng.

Ngày cô và trò bước chân vào lớp học mới, ai cũng mừng đến rơi nước mắt vì đã có một nơi đàng hoàng để học.

Cả cuộc đời cô làm việc vì bọn trẻ Khmer nghèo mà không bao giờ nghĩ đến bản thân. Vậy mà giờ đây cô vẫn còn một nỗi lo rất lớn: Lo một ngày khi không còn sức lên lớp nữa, sẽ không có ai thay cô đưa con chữ đến cho đám trẻ nghèo này.

Vào giờ ra chơi, chúng tôi vô tình nghe được câu chuyện cảm động: Còn lâu lắm mới đến ngày 20-11 nhưng những học trò nghèo của cô Kính đã bàn nhau để dành tiền, hùn lại mua cho cô giáo của mình một món quà. Đứa thì bảo mua cho cô khúc vải may áo bà ba, đứa thì tính mua cho cô đôi dép… Cái gì cũng cần thiết vì những vật dụng sinh hoạt của cô đã cũ mèm.

Một đứa nói lí nhí: “Chiếc xe đạp của cô đã quá cũ mà lại cứ hư hoài, tụi mình có mua được cho cô chiếc xe đạp mới không?”.

Cả nhóm nhìn ra bờ sông cạnh trường buồn rười rượi. Ước mơ bình dị nhưng quá lớn mà chúng biết không bao giờ làm được…

Thái Phương

Tin cùng chuyên mục