Trong những cây bút thuộc thế hệ sau 1975 ở TPHCM, có khá nhiều cây bút xuất thân từ nhà giáo: Lý Lan, Lưu Thị Lương, Hồ Thi Ca, Nguyễn Thái Dương, Đoàn Vị Thượng, Từ Nguyên Thạch... Về phương diện sáng tác, Lưu Thị Lương bên văn xuôi và Đoàn Vị Thượng bên thơ gợi đến nghề giáo nhiều nhất. Lưu Thị Lương chọn con đường sáng tác cho thiếu nhi, có khá nhiều tác phẩm viết về học trò của mình. Đoàn Vị Thượng viết về nghề giáo không nhiều, nhưng bài thơ Bụi phấn của anh là tác phẩm được rất nhiều người thuộc.
Nguyễn Thái Dương cũng viết về nghề dạy học, nhưng ấn tượng anh để lại trong người đọc là những bài thơ viết về cha mẹ. Có lẽ anh là nhà thơ xưng “con” nhiều nhất trong các sáng tác của mình: Lâu rồi không nhận thư nhà/ Cuối năm con cứ vào ra bồn chồn (Thư nhà), Má khọm xuống đời con/ Cái vầng lưng khuyết mãi (Giấc mơ giao thừa), Nên chi bây giờ giữa bữa ăn trưa/ Nâng bát cơm lên, con thấy mình bất hiếu (Đất và Hoa)...
Đặc biệt hình ảnh người cha xuất hiện khá thường xuyên trong thơ anh. Thơ về mẹ, xưa nay các thi sĩ, nhạc sĩ viết khá nhiều. Nhưng về người cha thì quá ít. Rõ ràng tình cảm đối với người cha nghiêm khắc, khó gần thường không dễ giãi bày trong thơ như tình cảm dành cho người mẹ hiền hậu, giàu âu yếm. Tùy bút Một bông hồng cho cha của nhà văn Võ Hồng vì vậy trở thành một trong những áng văn lấp lánh hiếm hoi dành cho người cha trong văn học.
Tôi tin Nguyễn Thái Dương luôn nghĩ về cha mình, có lẽ chính tình cảm sâu nặng đó đã giúp anh vượt qua cái khó của đề tài để những vần thơ viết về người cha của anh ngân lên một cách tự nhiên, dễ dàng: Con về không kịp ba mươi/ Ngõ nhà thắc thỏm đứng ngồi dáng cha (Giao thừa của hai người), Vậy mà cha vẫn ung dung/ Vấn điếu thuốc rê giữa đồng chiều lộng gió/ Những sợi tóc gợn hình con sóng nhỏ/ Sóng bạc trên đầu, sóng mạ dưới chân cha (Mẹ và cha). Anh còn dành nguyên bài thơ Bầu trời thơ hạt bụi thơ để trải lòng với đấng sinh thành: “Cứ mỗi chiều nhìn mây trắng bâng khuâng/ Đưa tay với, chẳng cách gì với nổi/ Cha là bầu trời thơ, thơ con là hạt bụi/ Con lẫn vào cha từ bé đến muôn đời”.
Nếu thời trẻ, Nguyễn Thái Dương là nhà thơ xưng “con” nhiều nhất trong thơ thì khi bước vào tuổi trung niên, anh lại là người xưng “ba” (“cha”) nhiều nhất trong thơ. Ngẫm ra thấy rất lô gích: đó là chiều thứ hai của tình phụ tử.
Ngay từ khi đứa con còn nằm trong bụng mẹ, anh đã có thơ: Như con ngựa đứng bồn chồn/ Ba đang đợi phút mẹ tròn con vuông (Thơ viết đợi phút con chào đời). Thơ lúc đặt tên con: Mà sinh con giữa Sài Gòn/ Đặt tên, ba vẫn chọn dòng sông quê (Thạch Yển, dòng sông quê). Khi con đầy tháng: Đến là lạ, phải không/ Nay con vừa giáp tháng/ Bạn bè ba rất đông/ Mà bạn con thiếu vắng (Khi con vừa giáp tháng). Rồi khi con thôi nôi, con tròn bảy tuổi hay tròn mười bảy tuổi anh đều có thơ Khi con vừa giáp năm, Thương gửi chàng kỵ mã bé bỏng, Hotboy... Khi con gái đi lấy chồng, anh có thơ tiễn, tâm trạng vừa vui vừa hồi hộp: Cái phút giây con đi về nhà khác/ Nơi không ba, không má, không em mình (Nhà khác). Thậm chí khi con trai lập gia đình, anh cũng lo lắng: Bây giờ con dẫu nên đôi/ Thì con vẫn chiếc diều trôi thuở nào (Ngọn gió). Có lẽ vì vậy anh làm thơ “nịnh” con dâu cho chắc ăn: Căn nhà ấy cứ làm sao/ Chiều kia con đến làm dâu, rụt rè... (Nhà mình).
Đọc thơ Nguyễn Thái Dương, có cảm giác anh như người chép sử của con mình. Thật ra đó là tâm trạng của người cha dành cho con cái, tràn đầy yêu thương và đau đáu nhìn con mỗi ngày một lớn lên, một trưởng thành.
Con cái nên bề gia thất, ngòi bút yêu thương của Nguyễn Thái Dương vẫn không chịu... nghỉ hưu. Anh tiếp tục làm thơ cho cháu. Các bài Bóng cả, Nhón gót với ước mơ là để tặng hai cháu ngoại Kiwi và Bòn Bon. Trong các thi sĩ cùng thế hệ, ít thấy người nào bộc lộ sự gắn bó với gia đình trong thơ như anh.
Tôi nghĩ thực ra Nguyễn Thái Dương không cố ý chọn đề tài. Chính tâm hồn anh, cách sống của anh dễ rung động trước những cung bậc tình cảm thiêng liêng gần gũi.
Ngoài đời, Nguyễn Thái Dương là con người điềm đạm, nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn, ngay cả khi ngồi trong bàn rượu. Tôi quen Nguyễn Thái Dương hơn 30 năm, chưa bao giờ thấy anh lớn tiếng với ai. Trong thơ, anh càng thủ thỉ. Ờ, mà thơ nói cùng cha, cùng mẹ, cùng con, cùng cháu, hẳn phải là giọng tâm tình.
Cái giọng đó, thỉnh thoảng Nguyễn Thái Dương cũng dùng để tỉ tê với tình yêu: Thuyền xuôi/ Chưa kịp ngược về/ Bến bờ đã.../ Biết nói gì, sông ơi?/ Con thuyền khác cập/Thế rồi.../Thẫn thờ/ Dòng nước nằm trôi một mình... (Trôi).
Nhưng tỉ tê với cái bến đang dang tay đón một con thuyền khác thì... thôi rồi!
Con người hiền lành ấy, cái giọng thơ thì thầm ấy, hẳn chịu nhiều thua thiệt khi ra khỏi mái nhà thơ ấm áp của mình để va vấp với những sóng gió tình trường.
Trở về với mái nhà thân thuộc của ta thôi, Nguyễn Thái Dương ơi!
NGUYỄN NHẬT ÁNH