Có một thời Nguyễn Ngọc Ký

Có một thời Nguyễn Ngọc Ký

Nguyễn Ngọc Ký (ảnh) là Nhà giáo ưu tú, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương sáng, là huyền thoại sống của nhiều thế hệ thiếu niên, học sinh Việt Nam.

Có một thời Nguyễn Ngọc Ký ảnh 1

Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947, tại Hải Hậu, Nam Định. Năm 4 tuổi, anh bị bệnh và liệt cả hai tay. Không đầu hàng số phận, anh gượng dậy, đứng lên trên đôi chân của mình trong sự quan tâm của mọi người.

Chúng tôi cùng học chung một lớp của Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 1966-1970). Nguyễn Ngọc Ký nổi tiếng từ hồi nhỏ, vào đại học, anh càng nổi tiếng hơn. Thủ tướng Phạm Văn Đồng lên thăm trường, thăm hỏi đời sống sinh viên và Nguyễn Ngọc Ký. Sau đó, sinh viên được tăng phần lương thực, từ 12 kg/tháng lên 14 - 16 kg/tháng. Anh Phan Xê, sinh viên khóa trước dẫn một đoàn nhà báo, nhà văn từ thủ đô Hà Nội lên viết sách về Nguyễn Ngọc Ký…

Thời chống Mỹ ác liệt, Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán về Đại Từ (Thái Nguyên). Cánh sinh viên trở thành những chàng tiều phu ham học. Sống gần nhau với nhiều bộn bề lo toan trong cuộc sống, người ta ít nhận ra những điều cao đẹp, phi thường… gần mình. Ai cũng có hoàn cảnh và ai cũng cố gắng khắc phục vượt qua, vươn lên. Hơn nữa, dồn sức cho tiền tuyến, bao nhiêu gương sáng, các biểu tượng sống từ chiến trường miền Nam thôi thúc, hun đúc chúng tôi. Tiễn các anh chị, bạn bè sinh viên Khoa Ngữ văn ra chiến trường, chúng tôi nóng lòng… chờ đến lượt mình. Nguyễn Ngọc Ký hòa cùng hoàn cảnh sinh viên nên những điều cao đẹp, phi thường ở Ký, chúng tôi… có lúc quên.

Tôi cùng tuổi với Ký. Nếu tính tháng, Ký còn hơn tôi 3 tháng. Vậy mà cùng với cánh nữ sinh viên, Ký gọi tôi bằng anh, xưng em… ngon lành. Cũng chẳng có gì lạ, vì hồi đó cùng với Phách, Hưng, Nuôi và tôi được chỉ định phụ trách khu tập thể sinh viên, đặc biệt giúp đỡ Ký trong sinh hoạt. Trường sơ tán, sinh viên ăn ở chia hai nơi - ở trong nhà dân và khu tập thể. Năm thứ nhất, cả khoa có một bếp ăn Lục Ba, cách chỗ ở gần 2km. Trưa, chiều, sau khi học xong, nhìn anh chị em gồng gánh xoong chảo đi lãnh cơm, vui nôn nao. Mùa mưa bão, máy bay Mỹ gầm rú qua dãy Tam Đảo, đường sống trâu trơn, gánh cơm canh đổ hết xuống ruộng, ôm bụng nhịn đói.

Chiến tranh ác liệt, đời sống khó khăn, một tuần mới có bữa nghe mùi mỡ, thịt, cá, trứng. Lá mua, lá sim rửa chén bát là sạch hết chê. Sau này tình hình giặc Mỹ thả bom dữ đội hơn, bữa ăn chỉ còn là bắp răng ngựa hầm. Khi ăn, người thì thìa, người thì đũa, chụm nhau xúc bắp răng ngựa hầm ăn ngon lành, nhăn nhở cười. Chúng tôi gọi cách ăn chung ấy là ngắm chụm. Riêng Ký, có phần ăn riêng. Ký vui vẻ, học chăm, chơi và ăn khỏe. Nhiều bữa, thấy anh em đi rừng lấy củi, đói mệt, Ký nhường phần ăn. Chúng tôi nói rằng, tiêu chuẩn, Ký cứ thoải mái. Tối đến, lội suối Đôi, qua Ký Phú mua sắn (củ mì) về nấu nhừ với hành là, chén no bụng.

Ký bao giờ cũng là cổ động viên của các cuộc tranh tài như đấu vật, leo núi… Anh còn tham gia đá bóng bưởi. Khi đá bóng bưởi không ai nhịn được cười. Ký là một cầu thủ vô cùng thú vị. Trận đấu nào Ký cũng tham gia và có Ký tham gia là trận đấu thu hút người xem rất đông, từ sinh viên đến bà con xóm Tràng Dương, nhất là nữ sinh viên và thôn nữ…

Thời sinh viên, lớp chúng tôi đã có Nguyễn Viết Bình, Bế Kiến Quốc, Nguyễn Văn Long, Xuân Tiếu, Đỗ Sơn Cao, Nguyễn Hiếu, Đạt Tử Đan… làm thơ, viết văn hay và nổi tiếng.

Tốt nghiệp đại học, mỗi người một ngả, người làm báo, làm văn, người ra chiến trường, người ở hậu phương. Nguyễn Ngọc Ký theo lời khuyên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, về quê nhà Hải Hậu, Nam Định dạy học. Làm nghề dạy học, nhớ lại và suy nghĩ, Nguyễn Ngọc Ký trở thành nhà văn.

Nguyễn Ngọc Ký đã xuất bản “Những năm tháng không quên” (1970) “Chú nhện chơi đu” (thơ - 1992), “Quả bí kỳ lạ” (truyện thơ - 1995), “Ngôi nhà hoa” (thơ - 1997), “Câu đố vui” (thơ đố - 1998), “Rau gì trồng ở đầu ao” (thơ - 2005).

Thơ, văn Nguyễn Ngọc Ký là những sáng tác cho tuổi thơ, cho các em. Thơ anh chân thật, hồn hậu và lạc quan yêu đời. Anh giành được nhiều giải thường văn học thiếu nhi.

Từ năm 1994 đến nay, Nguyễn Ngọc Ký vào TPHCM sinh sống.

Tuần qua, nhà văn Lê Quang Trang tổ chức cuộc họp lớp để chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ra trường. Nhớ lại những ngày ấy, Nguyễn Ngọc Ký là một trong những kỷ niệm đẹp. Hình ảnh của anh bao giờ cũng sôi nổi cười vui, có lúc anh cũng bùi ngùi, như bài thơ anh mới viết:

“Bao năm về lại Thăng Long

Làng xưa hóa phố người mong khó tìm

Phố xưa bước nổi bước chìm

Hồ xanh đỉnh tháp, sương tim tím chiều”…

Vũ Ân Thy

Tin cùng chuyên mục