
Để có thể giúp độc giả hình dung được phần nào về nội dung cuốn sách, xin trích giới thiệu một vài đoạn trong lời nói đầu của “What Happened: Inside the Bush White House and Washington’s Culture of Deception”.
Nhân vật hàng đầu trong câu chuyện

Cuốn sách này chỉ là một số nét sơ lược về những gì tôi đã chứng kiến trong những năm làm việc tại Nhà Trắng, về những con người dù có ý định tốt nhưng không hoàn thiện - trong đó có cả tôi - những người đã góp phần định hình nên câu chuyện này. Tôi viết ra nó không phải để lập ra những kỷ lục nào đó hay để nâng cao vai trò của mình.
Đơn giản đó là những gì tôi đã ghi nhận được, đã biết và đã học được… Khi chấp nhận vai trò phát ngôn viên Nhà Trắng ở tuổi 35 và bắt đầu thu thập những kinh nghiệm ít ỏi về trò chơi quyền lực tại Washington, tôi vẫn chưa hiểu rõ mình đã thực sự dấn thân vào cái gì. Giờ đây, tôi đã hiểu về nó rõ ràng hơn.
Cuốn sách này ghi nhận cả một quá trình gian nan mà tôi có thể đạt được sự hiểu biết này.
Trên cương vị phát ngôn viên, tôi đã từng dành ra rất nhiều thời gian để bảo vệ cho chính quyền từ trên bục phát ngôn của phòng họp báo. Mặc dù phần nhiều những điều tôi nói khi đó là thành thật, tôi dần dần vẫn nhận ra có một số thông tin đã cố tình bị làm sai lệch… Bạn bè tôi và những đồng nghiệp cũ, những người đã hoặc đang làm việc bên trong cái mớ bòng bong đó rất có thể không hài lòng với quan điểm của tôi trong cuốn sách này.
Tôi dám chắc nhiều người trong số họ vẫn tin rằng, chính quyền Bush về cơ bản là đúng đắn trong phần lớn những phán quyết chính trị gây tranh cãi nhiều nhất. Chỉ có thời gian sẽ trả lời cho tất cả. Riêng tôi đã tin tưởng theo một ý nghĩa khác.
Các độc giả của cuốn sách sẽ tò mò tìm hiểu qua nội dung của nó về nhân vật hàng đầu trong câu chuyện của tôi - Tổng thống George W.Bush. Các bạn sẽ biết rõ về mối quan hệ của tôi với Bush, về những kinh nghiệm đã trải qua của tôi với vai trò một bộ phận trong hàng ngũ của ông ấy. Cho tới giờ, tôi vẫn nhận thấy rằng, phần lớn những gì công luận được biết về Bush đều là sự thật.
Ông ấy là một con người dễ mến, thông minh và có rất nhiều kỹ năng chính trị. Giống như nhiều người khác, tôi đã bị cuốn hút đi theo Bush bởi một nhân cách dễ mến, bởi uy tín của một thống đốc đã làm được nhiều việc tốt cho người dân. Tất cả chúng tôi đều đã hy vọng và tin rằng, ông ấy có thể làm những điều tương tự cho cả dân tộc…
Chắc chắn là có những “hạt giống tốt” từng được cho là đã hiện diện trong chính quyền Bush. Mặc dù Bush chỉ bước được chân vào Nhà Trắng sau một cuộc đua quyết liệt vào năm 2000 nhưng ông đã bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình với một thiện ý rõ ràng. Ông ấy đã điều hành một giai đoạn hiếm hoi trong lịch sử, khi cả dân tộc gần như đoàn kết và thống nhất sau sự kiện 11-9-2001. Trên lý thuyết, bộ sậu ban đầu của Tổng thống Bush là rất ấn tượng.
Phó Tổng thống Dick Cheney là một quan chức kỳ cựu và đáng gờm hàng đầu của chính phủ. Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld đã từng có thời gian thành công trước đó tại Lầu Năm Góc, cùng một loạt những thành tựu trong kinh doanh và điều hành.
Ngoại trưởng Colin Powell là một chỉ huy quân sự có năng lực và uy tín rộng rãi, từng được nhìn nhận rất có khả năng trở thành một tổng thống gốc Phi đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.
Ngay cả cố vấn chính trị hàng đầu của Bush là Karl Rove đã có được uy tín rất cao trên vai trò một chiến lược gia xuất sắc, giúp xây dựng lên một đội ngũ chính trị gia vĩ đại nhất của đảng Cộng hòa.
Đi theo lối mòn
Tôi đã từng tin vào khả năng lãnh đạo và chương trình hành động của George Bush dành cho nước Mỹ; tin vào tính thành thực, chính trực và khả năng suy xét của ông ấy. Nhưng hiện giờ, những hy vọng từng được gửi gắm từ những ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của Bush đã sụp đổ. Rumsfeld và Powell đã ra đi sau nhiều bất đồng và thất vọng.
Vai trò của Phó Tổng thống Dick Cheney phần nhiều được nhìn nhận như một tai họa hay sự phá hoại đối với di sản của tổng thống. Còn uy tín về một thiên tài chính trị của Rove giờ đây lại phù hợp hơn với khả năng đặt lợi ích chính trị đối đầu với quyền lợi quốc gia.
Trải qua tất cả những biến động trên, Tổng thống Bush về cơ bản vẫn như xưa. Ông ấy vẫn tự tin, khôn khéo, thực tế và không thể lay chuyển - những phẩm chất phần nhiều các thủ lĩnh đều cần tới.
Cũng như nhiều người tiền nhiệm trước đây, Bush đã chọn cách điều hành trò chơi chính trị tại Washington theo lối mòn cũ, hơn là thay đổi nó theo cách đã từng hô hào trong chiến dịch tranh cử tổng thống.
Tương tự như họ, Bush đã đạt tới một mức độ tự lừa phỉnh mình, một yếu tố cần thiết về mặt tâm lý để có thể tự tin điều chỉnh những chiến thuật cần thiết giúp chiến thắng trong những trò chơi chính trị.
Mặc dù thời gian tôi làm việc tại Nhà Trắng của Bush không được như đã từng hy vọng nhưng quan điểm lạc quan của tôi vẫn cho rằng nước Mỹ đã đang mạnh lên. Tôi đã gặp gỡ rất nhiều người đang khao khát có một sự thay đổi tích cực, sẵn sàng cống hiến cuộc sống và nhiệt huyết của mình cho tương lai đất nước. Và tôi vẫn tin vào những phát biểu của ông Bush khi còn là thống đốc rằng, “chính trị sau một thời gian của nhiều lý tưởng bị tan biến sẽ trở nên cao cả và tốt đẹp hơn”.
Tôi tin chắc rằng, nếu chúng ta nhìn nhận một cách công tâm rằng hệ thống chính trị của chúng ta đã bị méo mó và suy nghĩ nghiêm túc về cách khắc phục, không có việc gì mà chúng ta không thể đạt được.
Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp đóng góp phần nào vào cuộc tọa đàm về chủ đề này trên quy mô toàn quốc.
LINH NGA (tổng hợp)
Thông tin liên quan |
Cơn bão” mới trên chính trường Mỹ - Bài 3: Phản pháo từ đồng nghiệp cũ |