“Con dao hai lưỡi” từ lúa vụ 3

Biến đổi khí hậu gây thiệt hại cho vựa lúa ĐBSCL vẫn còn những dư chấn nặng nề. Qua trận hạn, mặn lịch sử vừa qua, đến nay, nhiều gia đình nông dân vẫn mòn mỏi chờ nhận nguồn hỗ trợ trong bối cảnh các địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả. Thế nhưng, dư luận băn khoăn khi ngành nông nghiệp quyết định tăng sản xuất diện tích lúa vụ 3 để “bù lại” phần thiệt hại mà chưa lường hết tác động ngược từ sự gia tăng này.
“Con dao hai lưỡi” từ lúa vụ 3

Biến đổi khí hậu gây thiệt hại cho vựa lúa ĐBSCL vẫn còn những dư chấn nặng nề. Qua trận hạn, mặn lịch sử vừa qua, đến nay, nhiều gia đình nông dân vẫn mòn mỏi chờ nhận nguồn hỗ trợ trong bối cảnh các địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả. Thế nhưng, dư luận băn khoăn khi ngành nông nghiệp quyết định tăng sản xuất diện tích lúa vụ 3 để “bù lại” phần thiệt hại mà chưa lường hết tác động ngược từ sự gia tăng này.

Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa vụ 3

Đất cằn cỗi vì sản xuất quanh năm

Những ngày giữa tháng 8-2016, nông dân ấp 2, xã Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) bắt đầu thu hoạch lúa thu đông sớm (lúa vụ 3). Nông dân ở đây sản xuất với diện tích khoảng 350ha lúa. “Gia đình vừa thu hoạch hai công đất được 21 bao lúa (khoảng 600kg/công) năng suất thấp quá, tuy nhiên như thế cũng là vào loại khá trong xóm. Nhiều hộ dân lân cận còn thấp hơn. Có lẽ do canh tác lâu năm, đất bị cằn cỗi”, ông Út Đông ở xã Thường Phước 1 cho biết.

Hồng Ngự là một trong những huyện đầu nguồn lũ ĐBSCL. Mọi năm sắp tới rằm tháng bảy là con nước đã qua ngưỡng 2m trên sông, nhưng giờ vẫn chưa tới 1,5m.

Ông Út Đông tâm tình: “Nông dân ở đây làm lúa vụ 3 là chẳng đặng đừng, vì không làm lúa vụ 3 thì biết làm gì để có cái ăn?”. Trong khi đó, hàng chục ngàn hộ dân mưu sinh đánh bắt thủy sản ở ĐBSCL lại ca thán: “Cá đồng và nguồn cá theo lũ về trên sông Mê Công đang giảm mạnh do các tỉnh đua nhau làm lúa vụ 3”.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, chia sẻ: “Giá như địa phương có phương án tốt, nông dân xả lũ để nước tràn đồng. Một là lấy phù sa, hai là nguồn lợi thủy sản sẽ tăng nhanh trở lại trong vùng, ba là đất canh tác được gột rửa các hóa chất tồn dư”.

Có thể nói, giờ đây không ít nông dân ở ĐBSCL sản xuất lúa liên tục. Họ không chỉ làm lúa 3 vụ/năm mà có khi sản xuất 7 vụ/2 năm! Tình trạng đất bị “ngộ độc” gây chết lúa xuất hiện thường xuyên. Đây là cách sản xuất thiếu khoa học lâu nay bị chỉ trích nhưng vẫn chưa có lối thoát. 

Mới đây, tân Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ: “BĐKH ở nước ta đang diễn ra nhanh hơn cả kịch bản chúng ta dự báo. Việt Nam là một trong 5 nước bị tổn thương lớn nhất. Sáu tháng đầu năm 2016 biểu hiện rất rõ điều này. Hầu như toàn bộ các vùng lãnh thổ Việt Nam chịu ảnh hưởng của BĐKH, trong đó đặc biệt là ĐBSCL, Tây Nguyên và Nam Trung bộ, miền núi phía Bắc. Thách thức này không chỉ ảnh hưởng toàn bộ cơ cấu sản xuất, mà còn làm đảo lộn đời sống của người dân, đặc biệt là bà con ở vùng sâu, vùng xa”.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp đã nhận diện những tác động của BĐKH gây ra. Hơn 200.000ha lúa ở ĐBSCL gần như mất trắng do đợt hạn, mặn gây ra (khoảng 12%). Đây là nguyên nhân làm sản lượng vụ hè thu giảm nghiêm trọng. Bộ NN-PTNT lại chủ trương tăng diện tích lúa vụ 3. Theo đó, xác định “tăng tối đa sản xuất lúa vụ 3 trong điều kiện phải an toàn”.

Dự kiến, diện tích có đê bao an toàn sẽ là 867.000ha, tăng 24.000ha so với vụ trước, tức là sẽ tăng sản lượng được khoảng 130.000 tấn! Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, giải pháp gia tăng lúa thu - đông là “con dao hai lưỡi”! Sản lượng lúa tăng là điều tất yếu, nhưng hệ lụy của nó để lại cho vụ đông xuân và hè thu kế tiếp là khó lường. 

Sản xuất lúa vụ 3 trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, là lợi bất cập hại  

Thận trọng đê bao

Trận hạn, mặn lịch sử vừa qua được tạo ra bởi nhiều nguyên nhân: El Nino kéo dài, lượng nước trên sông Mê Công giảm (do nhiều nước trong khu vực xây dựng đập thủy điện), nước biển dâng… Tuy nhiên, một nguyên nhân mà các nhà khoa học đưa ra cũng rất đáng lưu tâm. Đó là ĐBSCL có 2 túi  trữ nước ngọt quan trọng là Tứ giác Long Xuyên (khoảng 700.000ha) và Đồng Tháp Mười (khoảng 590.000ha). Mùa lũ, nước sẽ đổ vào vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên. Hai vùng này sẽ ngập sâu 3 - 4m. Chính 2 túi nước này điều hòa nước cho ĐBSCL: mùa lũ thì cất giữ bớt nước lũ làm cho lũ hiền hòa hơn, rồi từ từ “nhả nước ra”, bổ sung cho sông Tiền, sông Hậu, giúp đẩy mặn vùng ven biển trong mùa khô.

Cách đây 16 năm, trận lũ lịch sử năm 2000 đã buộc ĐBSCL phải có những kế sách đối phó. Trong đó, nhiều tỉnh đầu nguồn lũ xây dựng đê bao để giúp nông dân thu hoạch lúa trước khi lũ tràn về chụp đồng. Tuy nhiên, quan niệm đê bao 2 vụ ăn chắc (gồm lúa đông xuân và hè thu) rồi xả lũ ban đầu đã bị lạm dụng. Các địa phương sau khi làm đê bao khép kín đã gia tăng diện tích lúa vụ 3 để chạy theo sản lượng. Từ 100.000ha lúa, sau hơn 10 năm diện tích lúa vụ 3 đã gần đạt 900.000ha, chủ yếu nằm ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Mùa lũ về, bên trong các đê bao này không có nước, trong khi bên ngoài đê bao nước ngập 3 - 4m. Các đê bao này chiếm không gian rất lớn. Nước không vào được phải tìm nơi khác, làm tăng ngập những vùng bên ngoài đê bao và tăng ngập ở các làng mạc, thành phố phía bên dưới và thoát ra biển nhanh hơn. Vì vậy, có người ví von chuyện Bộ NN-PTNT quyết định tăng diện tích lúa vụ 3 chẳng khác nào “tự lấy đá đè chân mình”!

Cách đây 2 thập niên, chúng ta nhìn thấy mặt tiêu cực của nước lũ nhiều hơn là mặt tích cực nên đã nỗ lực tháo bớt lũ ra biển Tây. Còn năm nay, mùa khô, ngoài chuyện biến đổi khí hậu, thì 2 túi nước ngọt ở ĐBSCL không còn nước tích trữ để bổ sung cho sông Tiền, sông Hậu đẩy mặn nữa, làm cho vấn đề trầm trọng hơn khi có hạn hán xảy ra. Các nhà khoa học đã khuyến cáo: Đến lúc chúng ta cần đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL, nhất là ngành sản xuất lúa gạo nhằm tránh tài nguyên đất bị khai thác kiệt quệ, lãng phí nguồn nước. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, nên hết sức cân nhắc khi mở rộng diện tích lúa vụ 3!

CAO PHONG

“Con dao hai lưỡi” từ lúa vụ 3 ảnh 3

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục