Con đường trường tồn và phồn vinh

Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập vào ngày 8-8-1967 tại Bangkok, Thái Lan. Hiện nay, ASEAN đã phát triển thành một cộng đồng bao gồm 10 quốc gia thành viên với sự duy trì ổn định an ninh chính trị là nền tảng thúc đẩy thịnh vượng kinh tế và tiến bộ xã hội trong khu vực.
Các đại biểu tham dự tọa đàm về biến đổi khí hậu ở các nước ASEAN do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TPHCM tổ chức. Ảnh: THỤY VŨ
Các đại biểu tham dự tọa đàm về biến đổi khí hậu ở các nước ASEAN do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TPHCM tổ chức. Ảnh: THỤY VŨ

Cộng đồng năng động

Trải qua gần 60 năm phát triển, khu vực đã hình thành một cộng đồng kinh tế ASEAN năng động bao gồm 700 triệu người dân trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu với 3 xu hướng cơ bản.

Đầu tiên, có thể nói, mặc dù có nhiều áp lực kinh tế toàn cầu đang gia tăng, ASEAN vẫn là khu vực có nền kinh tế phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 5-6%. Hơn 1 thập kỷ qua, thương mại nội khối ASEAN đã đạt khoảng 750 tỷ USD, chiếm trên 20% tổng thương mại của khu vực. Với tổng kim ngạch thương mại hơn 3.000 tỷ USD, ASEAN đã trở thành khu vực thương mại lớn thứ tư trên thế giới, chỉ sau EU, Trung Quốc và Mỹ. Tổng dòng vốn FDI vào ASEAN đã tăng từ 108 tỷ USD năm 2010 lên gần 200 tỷ USD, đưa ASEAN trở thành khu vực nhận vốn FDI lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Trong ASEAN cũng có nước đứng trong tốp đầu các nước có năng suất và khả năng cạnh tranh cao nhất trên thế giới.

Thứ hai, vị trí địa chính trị của Biển Đông ngày càng quan trọng trong bối cảnh chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu đã khẳng định vị trí trung tâm của ASEAN trong liên kết kinh tế khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP và Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương - IPEF). Hiện nay, ASEAN trong liên kết khu vực đã quản lý một cách chủ động và hiệu quả những thách thức chung như khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, xung đột, dịch bệnh và thảm họa thiên nhiên… Thứ ba, có hai xu hướng mới nổi trong khu vực sẽ định hình tương lai của các nỗ lực hội nhập và xây dựng cộng đồng ASEAN, trong số đó nổi bật nhất là chuyển đổi kỹ thuật số (nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN dự kiến sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030) và nhu cầu cấp bách về cân nhắc tính bền vững (môi trường sinh học và chênh lệch phát triển đang gia tăng giữa các quốc gia). Cả hai đều nằm trong chương trình nghị sự hội nhập kinh tế ASEAN. Cách tiếp cận toàn thể cộng đồng là cần thiết do tính chất liên trụ cột của những vấn đề quan trọng này.

Hướng phát triển

Ở Việt Nam, với chủ trương đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc…

Trong tiến trình đó, hiện nay, Việt Nam đã trở thành Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc. Bên cạnh hợp tác chặt chẽ với khu vực Đông Bắc Á, Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực của khu vực ASEAN láng giềng thân thiện. ASEAN cũng là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, sau các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc. Những năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ các mặt hàng nông sản, thủy sản và khoáng sản sang các mặt hàng công nghiệp chế biến và công nghệ cao…

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, lợi thế về nguồn lao động dồi dào, nhân công giá rẻ dần mất ưu thế. Thay vào đó, nguồn lực mới cho tăng trưởng là năng suất và chất lượng lao động, năng lực sáng tạo và tiềm lực khoa học công nghệ. Việt Nam, mặc dù tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt trung bình 5,4%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Hàn Quốc, nhưng năng suất lao động vẫn còn thấp, năm 2022 chỉ bằng 12,2% mức năng suất của Singapore, bằng 63,9% của Thái Lan, bằng 94,2% của Philippines, bằng 24,4% của Hàn Quốc, bằng 58,9% so với Trung Quốc. Đây có lẽ là một trong những thách thức lớn nhất ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững và trường tồn của Việt Nam.

Tổng Lãnh sự các nước ASEAN tại TPHCM và lãnh đạo Sở Ngoại vụ TPHCM tại Ngày hội gia đình và thể thao ASEAN năm 2022. Ảnh: THỤY VŨ

Tổng Lãnh sự các nước ASEAN tại TPHCM và lãnh đạo Sở Ngoại vụ TPHCM tại Ngày hội gia đình và thể thao ASEAN năm 2022. Ảnh: THỤY VŨ

Theo các nhà chiến lược kinh tế, nâng cao năng suất lao động và có lợi thế cạnh tranh quốc gia sẽ đem lại sự thịnh vượng bền vững. Để thực hiện thắng lợi đường lối chính sách của Nhà nước trong các xu hướng tích cực của khu vực ASEAN nhằm hướng đến một quốc gia trường tồn và phồn vinh, nên chăng cần nghiên cứu và triển khai 4 nội dung quan trọng là tầm nhìn hội nhập, chính phủ, doanh nghiệp và xây dựng văn hóa bền vững, hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, ưu tiên phát triển hữu nghị và hợp tác kinh tế với các nước láng giềng ở Đông Bắc Á và ASEAN, xác định rõ đây là nền tảng trong chính sách hội nhập bền vững của đất nước và là cơ sở để phát triển mạnh mẽ toàn diện các chiến lược hợp tác kinh tế quốc tế song phương và đa phương của đất nước. Trong quá trình đó, cần chủ động phối hợp với các nước ASEAN xây dựng và hoàn thiện các thể chế hợp tác tích cực (luật pháp, quy tắc ứng xử COC…) với các đối tác chiến lược mở rộng của ASEAN như ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Mỹ… cũng như các chương trình sáng kiến hợp tác khu vực như RCEP, IPEF… đảm bảo các nguyên tắc công khai, bình đẳng và win-win (đôi bên cùng có lợi) cho các bên tham gia.

Để thực hiện, Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc phát triển môi trường kinh doanh quốc gia cạnh tranh lành mạnh trước pháp luật, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới nghiên cứu và phát triển để các doanh nghiệp vừa đạt được lợi thế cạnh tranh, vừa nâng cấp những lợi thế đó. Cần xác định vị trí của quốc gia trong các yếu tố sản xuất, chẳng hạn như lao động lành nghề hoặc cơ sở hạ tầng, cần thiết để cạnh tranh trong một ngành nhất định. Qua đó, xác định các ngành công nghiệp có khả năng đột phá và lan tỏa trong nền kinh tế thị trường Việt Nam như: nông nghiệp, logistics, năng lượng, kinh tế biển và công nghệ cao…

Bên cạnh đó, sự hợp tác doanh nghiệp và sử dụng các hợp tác liên minh một cách có chọn lọc mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Ở cấp độ đơn giản nhất, nó có thể là một cách để tiết kiệm chi phí và tránh trùng lặp nỗ lực. Cạnh tranh sẽ góp phần vào sự vận hành tốt của thị trường. Về dài hạn, cạnh tranh dẫn đến tăng năng suất, đảm bảo nền kinh tế duy trì tính cạnh tranh và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.

Về chiến lược, doanh nghiệp cần xây dựng vững chắc thị phần bản địa, từng bước phát triển ra khu vực và quốc tế theo các chương trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Và cuối cùng, văn hóa làm việc đoàn kết và hợp tác bình đẳng giúp tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hình thành văn hóa đổi mới. Xây dựng văn hóa sáng tạo và đổi mới là một quá trình cần có thời gian, sự kiên nhẫn và nguồn lực đáng kể. Vì vậy, nếu muốn phát triển mạnh mẽ công cuộc đổi mới sáng tạo, chúng ta cần xây dựng một nền văn hóa bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội, đồng thời phải thích nghi với sự đổi mới trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng toàn cầu.

Xác định và triển khai tốt các nội dung trên, chắc chắn Việt Nam sẽ góp phần phát triển tích cực cộng đồng ASEAN đang hướng tới tầm nhìn sau năm 2025, đóng góp hiệu quả vào sự thịnh vượng và tiến bộ xã hội cho khu vực và thế giới.

Tin cùng chuyên mục