Năm 2019 là năm thành công của kinh tế Việt Nam khi cả 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã hoàn thành: lạm phát được kiềm chế dưới 3%; tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%... Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á. Nhưng những thành tựu đó có đảm bảo cho sự thành công của năm 2020, khi Việt Nam tiếp tục muốn duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 6,8%?
Theo “Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019” do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố, năng lực cạnh tranh của Việt Nam có mức độ cải thiện tốt nhất thế giới, tăng 10 bậc và điểm tổng tăng 3,5 điểm so với năm 2018 (vươn lên xếp thứ 67/141 nước được xếp hạng và đạt 61,5/100 điểm).
Song, dù có đến 8 nhóm tiêu chí có cải thiện đáng kể nhưng so với ASEAN, xếp hạng của Việt Nam còn tương đối thấp. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ hơn Campuchia (xếp hạng 106) và Lào (xếp hạng 113), còn cách khá xa với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines. Mặt khác, tuy các nhóm tiêu chí có sự cải thiện, nhưng một số tiêu chí thành phần trong đó có sự sụt giảm. Ví dụ nhóm tiêu chí đổi mới sáng tạo, tuy có cải thiện (tăng 6 bậc) nhưng một số tiêu chí còn ở mức thấp hoặc ít thay đổi so với năm trước như: số lượng phát minh, sáng chế quốc tế không thay đổi so với năm trước (chỉ có 0,12 sáng chế trên 1 triệu dân, xếp thứ 82 và tụt 2 bậc so với năm trước)… Ở nhóm giảm điểm là tiêu chí kỹ năng (giảm 6 bậc) thì trong đó, kỹ năng lao động của Việt Nam chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4.
Còn theo bảng xếp hạng môi trường kinh doanh mà Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, Việt Nam đạt 69,8/100 điểm, cao hơn năm 2018 (68,6 điểm), nhưng lại tụt 1 bậc xuống thứ 70 trên 190 nền kinh tế được khảo sát. Tính chung, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang đứng thứ 5 trong ASEAN và còn khoảng cách xa so với Singapore (xếp số 2), Malaysia (12) và Thái Lan (21).
“Việc chững lại trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2019 đã cảnh báo, dù Việt Nam có nhiều nỗ lực để vượt lên chính mình, nhưng các nền kinh tế khác đang thay đổi nhanh và trở nên cạnh tranh hơn. Nếu không cải cách mạnh mẽ chúng ta sẽ tụt lại phía sau”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nói.
Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới, với kim ngạch xuất nhập khẩu gấp gần 2 lần GDP, do đó, dễ bị tổn thương vì biến động bên ngoài. Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra, nhiều chuyên gia dự báo Việt Nam sẽ hưởng lợi nhưng thực tế lại không chứng minh điều đó, mà ngược lại. Trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ 2018 - chỉ còn hơn 1/2 tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2018 (15,4%) và bằng khoảng 1/3 của mức tăng trên 20% của những năm trước nữa. Xuất khẩu sang những thị trường hàng đầu của Việt Nam như: EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản đều giảm tốc. Duy nhất, xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến (28%) nhưng lại chứa đựng nhiều rủi ro và gian lận thương mại. Ngoài ra, bức tranh về đầu tư nước ngoài cũng không sáng sủa hơn. Trong 9 tháng đầu năm, đầu tư nước ngoài có dấu hiệu nhích lên nhưng lại giảm tốc ở 2 đầu nguồn trọng điểm đóng vai trò dẫn dắt là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Động lực chính để bảo đảm cho sự tăng trưởng là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. Thế nhưng, trong 3 năm liên tiếp, nguồn thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp đã không đạt kế hoạch, đưa đến chỉ dấu rằng cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. “Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các nước đang đua nhau hạ lãi suất, giảm chi phí và ban hành các gói kích thích kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp. Còn ở Việt Nam, chúng ta đang làm gì khi lạm phát thấp nhưng lãi suất lại rất cao và các chi phí kinh doanh ngày càng lớn?”, ông Lộc đặt câu hỏi.