“Cơn sốt” chuồn chuồn giấy

Chuồn Chuồn Giấy là cái tên mới nổi sau phần dự thi độc đáo, ấn tượng với tiểu phẩm Thanh xà Bạch xà tại cuộc thi Vietnam’s Got Talent mùa 2014 vừa qua. Gồm 15 thành viên, nhóm Chuồn Chuồn Giấy chưa qua bất cứ trường lớp bài bản nào, nhưng sự thể hiện chuyên nghiệp, duyên dáng trên sân khấu cùng niềm say mê nghệ thuật của nhóm đã thật sự gây ấn tượng với những ai từng xem nhóm biểu diễn.
“Cơn sốt” chuồn chuồn giấy

Chuồn Chuồn Giấy là cái tên mới nổi sau phần dự thi độc đáo, ấn tượng với tiểu phẩm Thanh xà Bạch xà tại cuộc thi Vietnam’s Got Talent mùa 2014 vừa qua. Gồm 15 thành viên, nhóm Chuồn Chuồn Giấy chưa qua bất cứ trường lớp bài bản nào, nhưng sự thể hiện chuyên nghiệp, duyên dáng trên sân khấu cùng niềm say mê nghệ thuật của nhóm đã thật sự gây ấn tượng với những ai từng xem nhóm biểu diễn.

Lập nhóm vì… mê phim Hong Kong

Với lối diễn xuất tự nhiên, hài hước, trang phục đẹp và đặc biệt là màn giả gái ấn tượng của nhóm trưởng Thái Duy, Chuồn Chuồn Giấy thực sự khiến khán giả vỡ òa cảm xúc khi thưởng thức. Nghệ sĩ Thành Lộc, giám khảo Vietnam’s Got Talent, nhận xét về tiết mục dự thi: “Biên tập về mặt lời thoại rất dí dỏm, trang phục đẹp… Đỉnh cao của nghệ thuật diễn xuất là sự dung dị. Các bạn diễn rất dung dị, một tiếc mục rất xuất sắc”. Khán giả thấy được ánh mắt ngời hạnh phúc của các thí sinh khi được Ban Giám khảo khen ngợi, mà ít ai biết rằng để có được vài phút thăng hoa ngắn ngủi, nhóm đã bén duyên từ cuộc thi Cosplay 2012 và dày công tập luyện bao năm với niềm đam mê cháy bỏng.

Thái Duy trong vở "Sơn Thủy tranh hùng"

Vở kịch Thanh xà Bạch xà là đứa con đầu tiên Chuồn Chuồn Giấy ra mắt khán giả tại một quán cà phê ở quận 10. Đó cũng là kịch bản tạo nên dấu ấn của nhóm ngày hôm nay. Nhóm trưởng Thái Duy nhớ lại: “Lần đầu đến với kịch cà phê, nhóm rất bỡ ngỡ, hồi hộp. Nhưng nhờ nhanh chóng nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả, nhóm có động lực hoàn thành tốt vở kịch. Chúng tôi vô cùng biết ơn những anh chị, cô chú và các em nhỏ đã luôn quan tâm ủng hộ nhóm trên những chặng đường đã qua”.

Thái Duy còn hóm hỉnh chia sẻ: “Biết chọn kịch cổ trang là tự làm khó mình, nhưng nó là cái duyên đặc biệt với nhóm, bởi chúng tôi rất… mê phim Hong Kong, nên nảy ý tưởng lấy hình tượng từ trong phim để hóa thân thành nhân vật yêu thích”. Chuồn Chuồn Giấy thường cải biên những tác phẩm nổi tiếng như Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Tây Hồ Kỳ Duyên, Sơn Tinh - Thủy Tinh... theo lối hài hước và đặt tên thành Mối tình Lương Chúc, Thanh xà Bạch xà, Sơn Thủy tranh hùng… Điều đó tạo nên sự khác biệt của nhóm.

Từ những vở diễn đầu tiên, nhóm dần xuất hiện nhiều hơn tại các quán cà phê và các buổi diễn từ thiện mang tiếng cười đến cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa trong dịp Tết Thiếu nhi hay Trung thu ở Buôn Ma Thuột, Lộc Ninh, Biên Hòa, Bình Dương…

Chia sẻ kỷ niệm trong những lần đi diễn, các bạn vui vẻ cho biết: “Thành viên Chuồn Chuồn Giấy thường được khán giả gọi bằng tên nhân vật trong kịch như Ngưu Lang, Chức Nữ, Thúy Kiều… Điều đó khiến nhóm rất vui vì chứng tỏ diễn xuất của nhóm ít nhiều đã để lại ấn tượng trong lòng người xem. Không chỉ các bạn trẻ mà các cô chú trung niên và các em thiếu nhi cũng yêu thích kịch của Chuồn Chuồn Giấy. Nhiều người xem những đoạn bi cũng sụt sùi nước mắt, rồi trước khi ra về còn chủ động bắt tay động viên nhóm cố gắng nhiều hơn. Còn khán giả nhí thì vẽ tranh, tặng quà handmade khiến Chuồn Chuồn Giấy rất cảm động”.

Lấy chữ “Mỹ” làm đầu

Vui vì những gì đã bước đầu gặt hái nhưng cái giá để đánh đổi niềm đam mê cũng không ít. Nhiều thành viên Chuồn Chuồn Giấy từng bị gia đình cấm cản, gây áp lực khi biết con mình mê nghệ thuật. Bị rầy la quở trách, thậm chí bị gia đình khóa cửa nhốt trong phòng trước giờ đi tập, đi diễn là chuyện không hiếm gặp của một vài thành viên. Đông Hải chia sẻ: “Ba mẹ Hải nhiều lần khuyên Hải nên tập trung việc học hơn. Hải hiểu được sự lo lắng của ba mẹ nhưng máu nghệ thuật đã ngấm vào người mất rồi. Vậy là mỗi cuối tuần, Hải lại xách ba lô đi diễn, nhiều lúc đứng trên sân khấu mà tâm lý bị giằng xé giữa tình yêu nghệ thuật và gia đình khiến mình bất giác buồn, trống trải. Đi diễn về Hải cố gắng không để ba mẹ nhìn thấy trang phục, Hải muốn kể những vui buồn trong nghề, nhưng ai nghe? Sau này, thấy Hải trên ti vi, mẹ cũng khen ngợi nhưng vẫn nhắc nhở Hải phải hoàn thành tốt việc học”.

Thái Duy (thứ 2 từ phải) và các thành viên chính của Chuồn Chuồn Giấy

Vượt qua những thử thách ban đầu, nhóm luôn ý thức rằng để người xem đón nhận trước hết mình phải đẹp về mọi mặt. Từng bộ trang phục, đạo cụ, chất liệu cho đến cách hóa trang luôn được chăm chút không chỉ phù hợp nhân vật và còn phải thật tươm tất và đẹp mắt. “Nhóm phải đến sớm trước giờ diễn để lần lượt chuẩn bị trang phục, đạo cụ, đọc lại kịch bản... Tùy theo từng vở diễn mà số lượng trang phục khác nhau, trung bình một vở diễn kéo dài từ 2-3 tiếng đồng hồ. Nói chung rất vất vả nhưng chúng tôi thấy hạnh phúc khi được đứng trên sân khấu”, Thái Duy cho biết.

Nhờ thi Cosplay trong 2 năm liền nên Chuồn Chuồn Giấy có một kho phục trang tương đối nhiều. Cho đến nay, nhóm đã diễn hơn 10 vở kịch dài và một số tiểu phẩm. Nếu đã từng xem tiết mục của Chuồn Chuồn Giấy, chắc chắn người xem sẽ ấn tượng với trang phục tinh tế, đẹp mắt... “Để thiết kế trang phục cho nhóm, Thái Duy, Hoài Tân thường xuyên xem phim cổ trang, kịch, đọc sách, truyện, tư liệu về lịch sử, văn hóa của vùng đất mà nhóm chọn làm bối cảnh trong kịch của mình. Rồi hì hụi thiết kế và giao cho 2 bạn Cẩm Nhung, Ngọc Dung đi lựa mẫu vải, vật liệu tại các chợ Tân Bình, Đại Quang Minh, An Đông, Hoàng Hoa Thám để may và trang trí…”, Hoài Tân chia sẻ.

Là một nhóm kịch tự phát nên Chuồn Chuồn Giấy đều nỗ lực tự thân mọi khâu mà không có người trợ giúp chuyên nghiệp. Gặp không ít khó khăn về tài chính, kinh nghiệm diễn xuất, giọng nói sân khấu… các bạn chỉ biết tự học, tự diễn theo khả năng vốn có của mình. Đoan Trang thổ lộ: “Thời gian khó khăn đã 2 năm rồi, chính đam mê là tiền đề để nhóm tiếp tục phát triển và đến gần với công chúng hơn. Lâu lâu nhóm cũng tham khảo ý kiến của một người cô trong đoàn kịch thiếu nhi đã về hưu, nhờ cô góp ý chỉnh sửa kịch bản, các thành viên trong nhóm cũng thường ngồi lại với nhau để thảo luận. Quan trọng là chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi được đứng trên sân khấu sáng đèn”.

Thủ lĩnh đa tài

Trưởng nhóm Trần Thái Duy, sinh năm 1991, là người đưa ra ý tưởng thiết kế cho trang phục và viết kịch bản. Ngay từ khi còn là học sinh THCS, Thái Duy là cây văn nghệ có tiếng ở trường, nhà thiếu nhi… nên có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm diễn xuất. Thái Duy hiện là sinh viên ngành quản trị nhà hàng khách sạn. Bên cạnh tài diễn xuất, hóa trang thì điểm ấn tượng của Duy còn là giọng nữ mượt mà. Duy chia sẻ: “Năm học lớp 9, tôi được xem vở cải lương Sắc xuân gửi lại của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Giọng nói và tiếng hát trong trẻo, dễ thương của nghệ sĩ Mỹ Hằng, một cô đào tài sắc của bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống, đã cuốn hút tôi từ đó… ”.

KIM NY

Tin cùng chuyên mục