Thời gian gần đây, dư luận ở thị xã Tân Châu nói riêng, tỉnh An Giang nói chung, rất quan tâm đến chuyện Ban Giám đốc Công an An Giang đã ra quyết định tước quân tịch đối với thượng sĩ Nguyễn Phước Tiền, chiến sĩ của Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm (CSĐTTP) về kinh tế - ma túy thuộc Công an thị xã Tân Châu, do vi phạm trong việc quản lý tang vật, phương tiện vi phạm trong lĩnh vực chống buôn lậu. Dư luận quan tâm là trong vụ án này, liệu Ban Giám đốc Công an An Giang có bỏ sót người, lọt tội?
Xe tang vật bị tạm giữ, tịch thu được để trong khuôn viên của Công an thị xã Tân Châu, An Giang
Từ chiến sĩ thi đua… bỗng thành tội phạm
Sau 3 năm học ở Trường Trung cấp CSND 3 ở Cần Thơ, trung sĩ Nguyễn Phước Tiền (sinh năm 1992) về nhận nhiệm vụ tại Đội CSĐTTP về kinh tế - ma túy thuộc Công an thị xã Tân Châu (vào tháng 10-2012). Trong thời gian làm việc tại đây, Tiền luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, 3 năm liền được Công an thị xã Tân Châu, Giám đốc Công an An Giang tặng Danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở… Năm 2013, Tiền được thăng cấp lên thượng sĩ. Năm 2014, Tiền được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên, ngày 27-11-2015, Công an thị xã Tân Châu bất ngờ mời Tiền đến trao Quyết định “tước quân tịch” do Ban Giám đốc Công an tỉnh ký. Lý do, thượng sĩ Tiền đã vi phạm vào Điều 4, Nghị định 115/2013/NĐ-CP ngày 3-10-2013 của Chính phủ “về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính”. Theo Thanh tra Công an thị xã Tân Châu, Tiền đã lấy 13 chiếc xe, là tang vật do Đội CSĐTTP về kinh tế - ma túy thuộc Công an thị xã Tân Châu quản lý, đem bán và cho, thu được 22 triệu đồng. Trong 13 xe này, 5 chiếc có hồ sơ, số còn lại không có hồ sơ quản lý.
Tuy nhiên, trong đơn khiếu nại của mình, Tiền chỉ thừa nhận có đem cho 6 chiếc xe và bán 2 chiếc xe, thu 2 triệu đồng. Những đối tượng được cho xe có đưa 2 triệu đồng, nói là tặng lại cho anh Nhơn, anh Phương vì đã cho xe tang vật. “Tất cả số tiền 4 triệu đồng, tôi đã đưa cho đồng chí Phương ngay trước phòng làm việc của Trưởng Công an thị xã Tân Châu, có sự chứng kiến của đồng chí Chiêm Quốc Bảo, cán bộ CSGT đường thủy, Công an thị xã Tân Châu. Việc bán và cho xe tang vật là thực hiện theo lệnh chỉ đạo của trung tá Đội trưởng Nguyễn Hữu Nhơn và đại úy Phó Đội trưởng Lê Văn Phương”, Tiền cho biết.
Về nguyên nhân cũng như vì sao có thể đem xe từ kho tang vật ra ngoài cho và bán được, Tiền trình bày: khoảng tháng 10-2014, tại phòng làm việc của trung tá Nhơn, thượng tá Lê Hồng Em, Phó trưởng Công an thị xã Tân Châu đã chỉ đạo cho phép trả và bán xe tang vật cho các đối tượng quen biết để lấy số tiền làm nguồn đi công tác với lãnh đạo cấp trên. Sau khi được lãnh đạo cấp trên cho phép, từ khoảng tháng 11 đến tháng 12-2014, Tiền thực hiện theo sự chỉ đạo của Đội trưởng Nhơn, Đội phó Phương, lấy 8 chiếc xe tang vật đem cho và bán. “Là một chiến sĩ trẻ Công an nhân dân, tôi luôn tuyệt đối tin tưởng và tuân thủ thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên theo quy chế, quy định của ngành”.
Sự giải trình, khiếu nại của thượng sĩ Tiền sau đó đã bị cấp trên bác bỏ, cho rằng không đủ cơ sở để xem xét. Quyết định tước quân tịch là quyết định cuối cùng.
Bỏ sót người, lọt tội?
Một cán bộ của ngành công an tỉnh An Giang (xin giấu tên) cho rằng: Một chiến sĩ trẻ mới ra trường thì đương nhiên khi có lệnh là anh ta phải thực hiện. Nhưng liệu một thượng sĩ mới ra trường chưa bao lâu, trong một thời gian ngắn đã có khả năng lấy 13 chiếc xe tang vật (theo kết luận của thanh tra) đem cho và bán? Để một mình anh ta tự tiện thực hiện việc này thì chắc là khó, nếu không có sự cho phép của cấp trên. Đó là chưa nói đến công tác quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ. Bởi theo quy định, phương tiện, tang vật vi phạm bị tạm giữ (dù vi phạm hành chính hay hình sự) phải được lập biên bản tạm giữ, ra quyết định tạm giữ của cấp trên ký, sau đó được đưa vào kho tang vật cất giữ và phải có người được phân công quản lý, bảo quản… Vậy việc quản lý phương tiện, tang vật bị tạm giữ như thế nào mà để người khác, trong một thời gian ngắn có thể lấy 13 chiếc xe tang vật đem cho và bán? Vậy sau khi thượng sĩ Tiền bị xử lý tước quân tịch, các cán bộ quản lý cấp trên của anh này và cả những người được phân công quản lý kho tang vật… có bị xử lý gì không?
Sáng 25-5, trao đổi với chúng tôi tại phòng họp Ban Giám đốc Công an An Giang, Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám Đốc Công an tỉnh, cho biết: “Đã cho kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với chỉ huy của đội này do để lính vi phạm đến mức phải tước quân tịch”. Khi được hỏi: Vì sao cấp chỉ huy chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm, còn lính thì bị tước quân tịch, xử lý như vậy liệu có khách quan? Thiếu tướng Bùi Bé Tư cho rằng, xử lý như thế là thỏa đáng, có tình có lý. Riêng đối với sai phạm của thượng sĩ Tiền là rất nghiêm trọng, có đủ căn cứ để xác định, anh Tiền đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc quản lý tang, tài vật và vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự. Nếu xử lý đúng tính chất, mức độ vi phạm phải truy tố trước pháp luật. Tuy nhiên, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã cân nhắc chiếu cố gia đình truyền thống nên chỉ quyết định kỷ luật với hình thức “Tước danh hiệu Công an nhân dân”.
Dư luận đang đặt câu hỏi vì sao Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ xử lý tước quân thượng sĩ Tiền có phải là bỏ sót người, lọt tội? Việc chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với lãnh đạo Đội CSĐTTP kinh tế - ma túy cũng là kiểu bao che, bỏ sót người lọt tội. Bởi theo kết luận của Thanh tra Công an thị xã Tân Châu, Chỉ huy Đội CSĐTTP kinh tế - ma túy đã không làm tốt công tác kiểm tra và quản lý các phương tiện bị tạm giữ và bị tịch thu; không phân công cụ thể, rõ ràng cán bộ theo dõi kiểm tra, quản lý các phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ và tịch thu; không có sổ theo dõi các phương tiện bị tạm giữ và tịch thu. Những “sơ hở, thiếu sót” này đã tạo điều kiện thuận lợi cho anh Nguyễn Phước Tiền lấy xe tang vật đem bán và cho mà không phát hiện”.
ĐĂNG NGUYÊN