Công chức hải quan TPHCM có nhận tiền trong vụ Thuduc House?

Hai bị can làm dịch vụ xuất nhập khẩu khai chi tiền cho công chức hải quan để được tạo điều kiện kiểm tra hồ sơ và hàng hóa, nhưng quá trình điều tra chưa kết luận được việc này.

Ngày 7-6, ngày làm việc thứ hai trong phiên tòa sơ thẩm xét xử 67 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Thuduc House, Cục Thuế TPHCM và một số đơn vị, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM công bố bản cáo trạng.

Phiên tòa dự kiến diễn ra hơn một tháng, với hàng trăm người tham dự. Ảnh: M.H

Phiên tòa dự kiến diễn ra hơn một tháng, với hàng trăm người tham dự. Ảnh: M.H

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao xác định, để xảy ra thiệt hại do Trịnh Tiến Dũng lừa đảo chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng của Nhà nước thông qua Công ty CP nhà Thủ Đức (Thuduc House), buôn lậu thông qua các công ty Hà Giang và Indo Vina, ngoài trách nhiệm của các bị can đã bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí thì còn có trách nhiệm của Trưởng ban Kiểm soát Thuduc House, Cục Thuế TPHCM và Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I – Cục Hải quan TPHCM. Các bị can này vì thiếu trách nhiệm đã không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước.

Trong đó, đối với hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của các công chức hải quan Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I, cáo trạng xác định, từ tháng 8-2019 đến tháng 10-2020, công ty Hà Giang và Indo Vina mở 39 tờ khai hải quan, khai báo nhập khẩu 39 lô hàng điện tử.

Trong số 39 tờ khai này, hệ thống hải quan điện tử phân luồng 35 tờ khai thuộc luồng vàng (kiểm tra hồ sơ hải quan) và 4 tờ khai thuộc luồng đỏ (kiểm tra thực tế hàng hóa). Được lãnh đạo phân công kiểm tra ở 4 tờ khai luồng đỏ, 7 công chức hải quan đã kiểm tra 10% hàng hóa và kết luận cả 4 tờ khai đều có “hàng nhập khẩu phù hợp với khai báo”.

Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy trong các lô hàng, toàn bộ hàng hóa thực tế khác tên hàng và trị giá hàng hóa cao hơn so với tờ khai rất nhiều lần. Chẳng hạn, có tờ khai giá trị hàng hóa hơn 147 triệu đồng, nhưng qua điều tra thì giá trị thực tế là gần 2,5 tỷ đồng; có tờ khai 137 triệu đồng nhưng qua điều tra là hơn 2,5 tỷ đồng…

Các công chức hải quan khẳng định đã thực hiện đúng quy trình, sau đó ghi nhận kết quả lên hệ thống để thông quan mà không báo cáo lại nội dung kết quả kiểm tra cho lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực I và lãnh đạo Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu.

Các bị can làm dịch vụ xuất nhập khẩu khai nhận có tham gia quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa. Họ chứng kiến các công chức hải quan cắt seal, mở container và quan sát bằng mắt thường những thùng hàng ở đầu container, không bốc dỡ hàng hóa ra khỏi container và không mở thùng hàng để kiểm đếm số lượng, kiểm tra chi tiết hàng hóa thực tế bên trong.

Cơ quan điều tra xác định, các công chức hải quan Phạm Duy Bình, Hoàng Trung Kiên, Hồ Hoàng Hải, Nguyễn Duy Linh, Trần Văn Thành, Bùi Hữu Trên và Nguyễn Lê Hùng đã không thực hiện đúng quy định về kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu. Từ đó đã trực tiếp gây nên hậu quả là toàn bộ hàng hóa nhập khẩu trái phép trị giá 8,2 tỷ đồng không được phát hiện, tịch thu phát mại sung ngân sách Nhà nước.

Tại cơ quan điều tra, hai bị can Mạc Văn Nguyện, Mạc Thành Nam còn khai nhận việc chi tiền cho công chức hải quan để được tạo điều kiện thuận lợi khi tiến hành kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa. Tuy nhiên, tài liệu điều tra chưa có đủ căn cứ kết luận việc nhận tiền của công chức hải quan trong quá trình thông quan 39 lô hàng nhập khẩu đứng tên 2 công ty này.

Các nội dung này sẽ được xem xét tại phiên tòa, dự kiến kéo dài đến ngày 10-7. Phiên tòa do Thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân TPHCM làm chủ tọa.

Tin cùng chuyên mục