Thế là ba mẹ kể vanh vách chuyện ngày xưa ở quê, mỗi khi trong xóm có nhà nào chuẩn bị đám cưới là bạn bè, hàng xóm, bà con túm tụm lại phụ giúp. Các chị em lo chuyện bếp núc, còn cánh đàn ông lo dọn cỏ, trang trí nhà cửa, dựng rạp cưới và kết cổng hoa bằng lá dừa. Người chặt bẹ chuối, người hái lá dừa, chùm hoa đủng đỉnh… để cùng nhau kết cổng hoa đón khách. Với đôi tay chai sần vì quanh năm gắn bó ruộng vườn, vậy mà các chú, các bác tết những cọng lá, đính từng trái ớt, củ tỏi thành hình con rồng, con phượng… đầy tính nghệ thuật, sáng tạo để trang hoàng cổng cưới.
Theo thời gian, cứ tưởng những chiếc cổng hoa bằng lá dừa chỉ còn lưu dấu qua những bức ảnh cưới của các bậc tiền bối. Nhưng ngày nay, với mong muốn có một đám cưới thật độc đáo, gần gũi thiên nhiên mà vẫn trang trọng, nhiều cặp đôi đã chọn những chiếc cổng cưới bằng lá dừa mang đậm hồn quê để trang trí trong ngày trọng đại của mình. Và họ đã tìm đến dịch vụ tết cổng cưới lá dừa của những nghệ nhân khéo tay.
Kỹ thuật thắt lá dừa làm cổng cưới vốn không có trường lớp nào đào tạo bài bản, mà chỉ là nghề truyền nghề. Với anh Võ Văn Tâm (35 tuổi, ở xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cũng vậy. Từ nhỏ, anh theo phụ tết cổng cưới bằng lá dừa nên dần học được nghề này và nhận gia công cổng cưới để kiếm thêm thu nhập. Anh Tâm kể: “Năm 2015, tôi làm cổng hoa cưới từ lá dừa đầu tiên cho bạn thân và được nhiều người khen. Từ đó, các đám cưới trong xóm bắt đầu thuê tôi kết cổng hoa. 6 năm qua, tôi trang hoàng hơn 1.000 cổng hoa cưới bằng lá dừa cho các cặp đôi ở khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ”.
Để kết một chiếc cổng cưới bằng lá dừa vừa ý khách hàng, anh Tâm mất vài ngày chuẩn bị nguyên liệu, thiết kế sườn, làm hoa văn trang trí và lắp ráp. Anh dùng mạng xã hội để quảng bá các mẫu cổng cưới, thuận tiện cho khách hàng chọn mẫu. Đôi tay khéo léo, tỉ mỉ của anh cho ra đời những mẫu cổng cưới tinh tế, cầu kỳ như: cổng song hỷ, cổng tứ linh hội tụ, cổng long phụng đoàn viên… Anh Tâm cho biết: “Mỗi chiếc cổng cần khoảng 4 tàu lá dừa, 20 tàu lá dừa nước và 4-5 cà bắp (đọt dừa nước). Lá phải đều, đẹp và tùy vào từng kiểu cổng mà chọn lá ngắn hay dài”.
Tùy vào mức độ cầu kỳ, phức tạp của chiếc cổng cưới mà anh Tâm thuê thêm thợ phụ. Nếu cổng hoa đơn giản thì chỉ cần 2-3 người làm trong một buổi. Còn với những cổng cưới hình rồng phượng được kết từ hàng ngàn trái ớt, đậu bắp, lá khóm, hoa cúc, hoa lan…, anh phải thuê hơn 10 người làm cùng. Giá thành của mỗi cổng hoa cũng dao động từ vài triệu đến hơn chục triệu đồng. So với những cổng cưới kết bằng hoa giả, hoa lụa hay bong bóng sặc sỡ sắc màu, cổng hoa lá dừa gần gũi với thiên nhiên nên được nhiều người ưa chuộng. Đây là tín hiệu vui trong việc duy trì, gìn giữ nét văn hóa dân gian Nam bộ. Anh Tâm cho biết, ngoài cổng đám cưới, hiện nay, một số gia đình tổ chức tiệc sinh nhật, mừng thọ, đính hôn… cũng đặt anh kết cổng bằng lá dừa.
Trong nhịp sống hiện đại, tuy không còn cảnh người thân, bạn bè, hàng xóm… xúm xít bên nhau phụ kết cổng hoa lá dừa, nhưng những chiếc cổng mộc mạc vẫn hiện hữu, nhắc nhớ về nét văn hóa đặc trưng, đậm bản sắc của miền Tây sông nước. Đó còn là chứng nhân của tình làng, nghĩa xóm, cùng lời chúc phúc chân thành gửi gắm trong từng bông hoa, đôi trái tim, cặp rồng phượng quấn quýt bên nhau được kết công phu, tỉ mỉ gửi tặng cô dâu chú rể trong ngày vui trọng đại.