Cộng hưởng nhịp nhàng

“Tui tới báo để anh ghi nhận lại, chứ có hay không, tui cũng vui vẻ mà!”. Giữa những ngày thực hiện cách ly xã hội, câu nói của cô Ngọc làm gương mặt chú tổ trưởng cũng giãn bớt vài nếp nhăn lo âu, bởi nghe báo cáo còn sót vài người bán vé số chưa kịp ghi tên, khiến chú lo lắng cả buổi chiều. 
Người dân nhận quà hỗ trợ tại trụ sở Khu phố 8, phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Người dân nhận quà hỗ trợ tại trụ sở Khu phố 8, phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tới từng ngõ, gõ từng nhà, hết chuyện phòng chống dịch bệnh đến lo việc trợ giúp kịp thời cho người bán vé số, hộ nghèo. “Cả xóm ở trong nhà, còn mình ổng đi tới đi lui để thông tin cho bà con”, là câu nói đùa mà cả xóm nói về chú tổ trưởng 55 tuổi này.

1.Bán vé số, chịu ảnh hưởng trực tiếp trong những ngày “cách ly xã hội” nhưng khi nói đến việc sẽ nhận được hỗ trợ từ Nhà nước, cô Nguyễn Thị Thu Ngọc (53 tuổi, ngụ ấp 4, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM) vẫn chậm rãi: “Tôi bán vé số gần 2 năm nay, con cái cũng lớn nên chuyện nghỉ bán tuy có ảnh hưởng kinh tế gia đình một chút nhưng vẫn còn gồng gánh được. Tới báo để chú tổ trưởng ghi nhận lại, chứ có hay không tôi cũng không đòi hỏi, nhiều người bán lâu năm hơn tui, tuổi cao và hoàn cảnh khó khăn hơn nên ưu tiên cho họ trước”. Cô Ngọc về, chú Nguyễn Văn Dũng (55 tuổi, tổ trưởng tổ 4, ấp 4, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM) rà soát lại trong sổ ghi chép một lần nữa, rồi khoác cái áo dài tay để tới nhà vài người bán vé số chưa kịp báo tên sáng nay.

Đang lúi húi dọn dẹp cái bàn, hai, ba cái ghế để ngoài sân, thấy chú Dũng lững thững từ đầu hẻm đi vào, anh Sang (40 tuổi, ngụ ấp 4, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM) lẹ miệng: “Tui dọn cái bàn cho sạch sẽ chứ không có rủ ai nhậu hết nha cha nội. Giờ người ta lo ở nhà chống dịch hết rồi, mấy bữa nay tui cũng ở nhà phụ bả lo cơm nước cho tụi nhỏ”. Chú Dũng cười khà khà, rồi nhét ngay cửa rào tờ bướm thông tin phòng chống dịch bệnh, anh Sang nói vọng ra: “Để đó tui ra lấy liền, lát tối kêu tụi nhỏ đọc cho tui với bả nghe đặng còn biết tin tức, cách chống dịch bệnh”.

2.“Bán xong đi rồi 9 giờ xuống trụ sở khu phố mình nhận gạo với ít quà nghen!”. Đang dựng xe bánh giò dạo bên đường trong cư xá Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh), ế ẩm sáng giờ, chú Nguyễn Hoài Nam (56 tuổi) mừng rỡ khi nghe dì Huỳnh Thị Xuân Hoàng (tổ trưởng tổ 54, phường 27, quận Bình Thạnh) mời vào bên trong nhận gạo và nhiều nhu yếu phẩm. Nhận xong, chú còn được hướng dẫn các khuyến cáo nhằm đảm bảo an toàn mùa dịch. Chú nói xúc động: “Thiệt, khu phố có khi nào mà quên dân nghèo mình đâu”.

Dì Hoàng cho biết, khu phố 4 tập trung dân lao động, dân nhập cư đông. Chính vì vậy mà ban điều hành Khu phố 4 thường xuyên vận động các mạnh thường quân chăm lo những người khó khăn đó, nhất là vào mùa dịch này. “Những người già neo đơn, bệnh nan y, bán vé số, kể cả các cô chú buôn gánh bán bưng nghèo khó... mình ở địa phương, biết ai khó khăn thì lên danh sách giúp đỡ”, dì Hoàng nói.

Biết sáng nay gia đình dì Hoàng chuẩn bị mấy chục phần quà mang ra khu phố gửi bà con, mới 8 giờ sáng, người dân đã tới chờ, không tập trung nhưng rải rác. Có 2-3 cô không có phiếu cũng quay đi quay lại mấy lần. “Người ta nói với dì chờ chừng nào phát hết phiếu còn dư thì cho họ, họ cũng hiểu là thời gian này ai cũng khó. Thực tế thì phát phiếu rồi không ai không nhận hết nên dì nói phát xong sẽ mua thêm vài phần gửi tặng. Mấy cổ ngồi chờ chờ thấy thương lắm…”, dì Hoàng kể.

3. Hơn 2 tuần nay, anh Trần Thanh Long (quận 7) quyết định đóng cửa các chi nhánh “Nhà ăn 0 đồng Nhất Tâm”. Tuy nhiên, sau 2 ngày, một “nhà ăn 0 đồng” khác được anh Long thực hiện với số lượng suất ăn phục vụ nhiều hơn ngày thường. “Tính tạm nghỉ chờ thông tin dịch bệnh coi sao rồi tính tiếp, mình nghỉ ở nhà thì yên nhưng thương bà con lao động nghèo bị ảnh hưởng nhiều lắm. Cả nhóm tìm cách nấu nhưng vẫn bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Phần cơm chay hay xôi chay tính ra không bao nhiêu, nhưng với người thu nhập thấp đỡ đồng nào hay đồng ấy, đỡ một phần cơm trưa hay chiều, nhiều người mừng lắm”, anh Long chia sẻ.

Từ 2.000-4.000 phần ăn mỗi ngày, xôi và cơm xen kẽ nhau được anh Long cùng nhóm bạn chuẩn bị và nấu từ sáng sớm để kịp phát từ trưa đến chiều cho bà con. Tại nhà ăn 0 đồng trong khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh), người biết địa chỉ đến xếp hàng và nhận, khoảng sân trống được nhóm đánh dấu vị trí mỗi chỗ cách nhau 2m để đảm bảo an toàn. Các suất ăn còn lại được nhóm mang đi phát khắp nơi trong thành phố và các bệnh viện. “Ngày nào nấu được 4.000 phần trở lên là nhóm vui lắm, cực hơn nhưng vui hơn vì mình giúp được nhiều người no bụng. Dịch bệnh thì khó khăn chung, mình có nhiều góp nhiều, có ít góp ít, giúp được mọi người chút nào hay chút nấy”, anh Long tâm sự.

Khi nhiều người cùng chung tay, những tấm lòng sẻ chia với cộng đồng dù ít dù nhiều được khơi gợi và lan tỏa. Mỗi ngày từ 60-80 chai nước mát, nha đam đường phèn, nước sâm hay la hán quả nấu với bông cúc được chị Thanh Trúc (33 tuổi, ngụ quận 4) và gia đình nấu, đóng chai cẩn thận rồi mang đi gửi tặng các tình nguyện viên ở các nhóm từ thiện. Chị Trúc cho biết: “Tôi còn đi làm, gia đình lại có người lớn tuổi và con nít nhỏ nên không thể tham gia cùng các nhóm thiện nguyện. Thấy họ vất vả ngày đêm góp sức lo cho bà con nghèo nên tôi gửi chút tấm lòng, chỉ là vài chai nước mát để mọi người giải khát khi phát cơm, phát xôi dưới trời nắng nóng hay quần quật trong bếp vã mồ hôi để nấu các suất cơm”.

Hiện tại, nước mát mỗi ngày được chị Trúc gửi tặng đến “Nhà ăn 0 đồng Nhất Tâm” và quán cơm Nụ Cười 4 (Bến Vân Đồn, quận 4). “Kinh phí tầm 200.000 đồng mỗi ngày và hiện tại có một số đồng nghiệp cũng muốn góp vào nên tôi đăng tin lên mạng xã hội, xem có nhóm từ thiện nào nhận để mình nấu thêm rồi gửi tặng. Mặc dù nấu tại nhà, nhưng các khâu thực hiện, tôi và gia đình rất kỹ, rửa tay mang khẩu trang khi chế biến”, chị Trúc chia sẻ thêm.

Nỗ lực trong mọi trách nhiệm của lãnh đạo các cấp ở thành phố để không ai bị bỏ lại phía sau; sự thấu hiểu của lòng dân khi mọi người tự giác thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch; và những tấm lòng thơm thảo sẻ chia cùng nhau những bữa cơm, chai nước, túi gạo, thùng mì… Tất cả cộng hưởng lại, tạo nên một sức mạnh để thành phố vượt qua “cuộc chiến” chống dịch với những biện pháp quyết liệt nhưng vẫn lan tỏa tinh thần nhân văn, tình người.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo là chủ hộ cho thuê nhà trọ (tại số 479/42 quốc lộ 13, khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức), có 9 căn phòng trọ cho thuê, với giá mỗi phòng là 1,7 triệu đồng. Thấu hiểu được nỗi lo âu của người ở trọ, chị bàn với chồng thống nhất không thu tiền trọ tháng 4. Thông tin này đã làm hơn 30 người ở trọ rất xúc động, vui mừng. Chị Thảo nói: “Khu trọ đa phần là công nhân, lao động tự do, làm thuê… và giai đoạn này tất cả đều thất nghiệp. Có gia đình cả chồng lẫn vợ đều không có việc làm, mà nhân khẩu nhà đến 4 người, chưa biết sắp tới ra sao. Vợ chồng mình cũng làm nhà nước, lương cũng đâu bao nhiêu, nhưng giai đoạn này ai cũng khó khăn, thôi thì chia sẻ được gì với họ thì cố gắng chia sẻ”.

Tin cùng chuyên mục