Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang khiến các ngân hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ trên thế giới ứng dụng nhiều hơn các công nghệ tiên tiến trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính sáng tạo như: trí tuệ nhân tạo (AI), máy học thông minh (ML), phân tích dữ liệu nâng cao, công nghệ sổ cái phân tán (DLT), điện toán đám mây và các giao diện lập trình ứng dụng (APIs).
Một nhân tố nữa góp phần tạo nên cách mạng trong ngành tài chính số, đó chính là sự tham gia sâu rộng của các công ty công nghệ trong lĩnh vực tài chính (Fintech).
Hiện, nhiều ngân hàng bước đầu đã chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa thực thụ như: Ngân hàng Tiên Phong với ngân hàng tự động LiveBank; Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng với ứng dụng ngân hàng số Timo; Ngân hàng Phương Đông với chiến lược chuyển đổi ngân hàng số; Ngân hàng Ngoại thương với không gian ngân hàng số Digital Lab; Ngân hàng Công thương với corebank thế hệ mới và kho dữ liệu doanh nghiệp hiện đại; Ngân hàng Quân đội với ứng dụng trợ lý ảo ChatBot phục vụ 24x7 trên mạng xã hội, Napas với dịch vụ số hóa thẻ nội địa...
Với chi phí thấp hơn và phạm vi bao phủ rộng hơn, công nghệ số đang dần khiến các ngân hàng thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống trên toàn cầu, từng bước khẳng định vai trò của công nghệ trong thời đại mới. Từ đó gia tăng đáng kể doanh thu và lợi nhuận, giảm dần sự tập trung vào nguồn thu nhập truyền thống từ hoạt động tín dụng, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, nhận biết được tầm quan trọng và sự tác động mạnh mẽ công nghệ số hóa trong bối cảnh CMCN 4.0 đối với ngành tài chính ngân hàng, bên cạnh việc hoàn thiện môi trường thể chế chính sách thì cơ sở hạ tầng công nghệ chung của toàn ngành cũng không ngừng được cải thiện.
Việc tăng cường năng lực tiếp cận và bảo đảm an ninh bảo mật ngân hàng trong thời kỳ số hóa được ngân hàng rất quan tâm, chẳng hạn như: thúc đẩy việc kết nối liên thông và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực thanh toán; áp dụng các thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất cho một số phương tiện và hệ thống thanh toán; nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thanh toán mới, hiện đại như triển khai tiêu chuẩn quốc tế về an toàn dữ liệu thẻ PCI/DSS, công nghệ mã hóa số thẻ (tokenization)…
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ và khuyến nghị các tiêu chuẩn cho thanh toán QR code để tăng cường khả năng kết nối liên thông khi thanh toán bằng QR code, giảm thiểu chi phí cho việc lắp đặt, sử dụng các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự phát triển và ứng dụng công nghệ số trong ngành ngân hàng cũng đi kèm không ít thách thức như đòi hỏi nguồn lực tài chính, nhân lực có trình độ cao, thách thức về an ninh bảo mật, về kiểm soát rủi ro, khả năng xử lý…