Công nhân thời “bão giá”

Công nhân thời “bão giá”

Mặc dù TPHCM đã thực hiện nhiều chính sách bình ổn giá, trợ giá nhưng hiện nay giá nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn tăng nhanh, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân có thu nhập thấp. Với công nhân khó khăn càng chồng chất, bề bộn hơn khi giá cứ tăng nhưng lương vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Thực phẩm chính: trứng, rau muống, mì gói…

Chiều tối như thường nhật, chợ tự phát trên quốc lộ 1A gần khu công nghiệp (KCN) Tân Tạo, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân đông nghịt công nhân tìm đến lo bữa cơm tối. Tuy chợ bày bán đủ loại hàng hóa nhưng mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất là rau muống và trứng. Chị Đặng Hồng Nhung – công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (KCN Tân Tạo) than: “Cả tuần nay, tụi em toàn ăn trứng với rau.

Ngán quá, tính mua chút thịt về kho nhưng đắt quá”. Khảo sát nhanh những công nhân nữ đi chợ, họ đều than thở giá cả thực phẩm, rau xanh đều tăng mỗi tuần, thậm chí mỗi ngày nhưng lương, thu nhập đã dừng khá lâu ở mức 1,5-2 triệu đồng/người/tháng nên chỉ có thể chọn những mặt hàng rẻ tiền nhất, thậm chí biết không đảm bảo chất lượng cũng nhắm mắt ăn cho qua ngày.

Còn chị Bùi Thị Nương (quê Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm công nhân ở khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) cho biết, hai vợ chồng làm công nhân hơn 3 năm nay, lương tổng cộng chỉ 3,2 triệu đồng/tháng. Trước đây, sau khi trang trải tiền ăn, tiền điện, phòng trọ… mỗi tháng vợ chồng còn chắt chiu được khoảng 400.000 đồng phòng khi ốm đau nhưng sang năm nay hầu như tháng nào cũng không đủ chi tiêu.

Công nhân thời “bão giá” ảnh 1

Để có bữa ăn phù hợp với túi tiền, công nhân KCN Tân Tạo (quận Bình Tân) phải đắn đo mỗi khi đi chợ. Ảnh: TUẤN VŨ

Có mặt tại KCN Tân Tạo (quận Bình Tân), chúng tôi theo chân anh Nguyễn Quang Hải, công nhân (CN) Công ty Gỗ Scansia Pacific về phòng trọ nằm sâu trong một con hẻm không số trên đường Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân). Buổi cơm tối đạm bạc nhanh chóng được bày ra với 3 tô mì gói, chén nước tương và đĩa rau lang luộc vừa xin được từ nhà hàng xóm.

Chị Thảo, vợ anh Hải, CN Công ty Giày da Pouyuen, cười buồn giải thích: “Gạo mới tăng thêm 2.000 đồng/kg hồi giữa tháng nên vợ chồng phải ăn xen kẽ với mì gói, một tuần chỉ nấu cơm hai lần. Thịt, cá độ này giá cũng tăng vùn vụt nên phải ăn trứng thường xuyên, rau thì bữa đực bữa cái”. Chị nhẩm tính, gộp chung lương và phụ cấp tăng ca của hai vợ chồng mỗi tháng chưa đến 6 triệu đồng. Thuê nhà trọ mất 800.000 đồng/tháng, tính luôn tiền điện, nước, gas cũng ngốn hơn 1 triệu, số còn lại vừa dùng để chi tiêu, vừa gởi về quê lo cho hai đứa con nhỏ học hành.

Nhiều người cứ tưởng lên lương, CN bớt khổ, nhưng thực tế không như vậy. Lương mới thông báo tháng tới tăng thì đầu tháng này, chủ nhà đã đòi tăng thêm 50.000 đồng/phòng, nước uống cũng tăng thêm 3.000 đồng/bình 20 lít. Tivi, quạt máy trong phòng có nhưng nhiều tháng qua hai vợ chồng không dám sử dụng, thi thoảng lắm mới bật lên vài phút theo dõi tin tức bão lũ ở quê nhà rồi thôi.

Dứt ruột xa con

Công nhân thời “bão giá” ảnh 2
Cảnh sinh hoạt chật hẹp trong một dãy nhà trọ của công nhân ở quận 8, TPHCM.

Vào thành phố lập nghiệp hơn 8 năm, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nga, CN Công ty Nissei, KCX Linh Trung 1 (quận Thủ Đức) đã có hơn 4 năm gửi con ở nhà người quen tận Bình Thuận, 2 năm mới về thăm một lần để tiết kiệm chi phí.

Chị Nga bày tỏ: “Thương con lắm nhưng không dám để nó sống ở đây, hai vợ chồng tăng ca tối ngày, không ai chăm sóc. Hơn nữa, chi phí sinh hoạt nơi đây đắt đỏ, người lớn còn chịu được rau, cháo chứ con nít làm sao chịu nổi”.

Trong căn phòng trọ chưa đầy 12m², hai vợ chồng treo đầy hình của bé từ lúc mới chào đời đến hơn 4 tháng tuổi cho đỡ nhớ.

Theo quy định của công ty, nhà lưu trú chỉ dành cho nữ CN chưa lập gia đình, những ai đã lập gia đình phải tự lo chỗ ở với khoản tiền hỗ trợ ít ỏi 150.000 đồng/tháng nên các đôi vợ chồng cũng chỉ có thể thuê những căn nhà trọ hết sức chật hẹp.

Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nissei, cho biết: “Công đoàn đã nhiều lần kiến nghị công ty có chế độ hỗ trợ chỗ ở cho nữ CN đã lập gia đình, đặc biệt những người có con nhỏ. Song đến nay vẫn chưa có phản hồi chính thức từ phía ban lãnh đạo”.

Riêng về chuyện xây trường học cho con em CN, bà Vân cho biết năm nào công đoàn cũng kiến nghị nhưng vẫn lực bất tòng tâm do đề án gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính

Hiện nay, chỉ có một số ít công ty quan tâm đến đời sống sinh hoạt của CN như Công ty Pouyuen, KCN Tân Tạo (quận Bình Tân) hỗ trợ 250.000 đồng/người/tháng; Công ty Nissei, KCX Linh Trung 1 (quận Thủ Đức) hỗ trợ 200.000 đồng/người/tháng…

Vì thế, không biết đến bao giờ bài toán chăm lo đời sống cho CN mới thành hiện thực…

THU TÂM

 Nhằm hỗ trợ công nhân lao động vượt qua khó khăn thời “bão  giá”, nhiều chủ sử dụng lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM (HEPZA) đã có chính sách chăm lo đời sống cho công nhân như tăng trợ cấp, phụ cấp, cải thiện bữa ăn trưa và tăng ca. Theo thống kê của Công đoàn HEPZA, hiện có hơn 20 nhà đầu tư nước ngoài đã chủ động hỗ trợ công nhân ở mức 100.000-200.000 đồng/tháng để họ giảm bớt khó khăn về tài chính. Trong năm 2010, nhờ sự quan tâm, sẻ chia kịp thời với người lao động, chủ sử dụng lao động không chỉ giữ chân người lao động mà còn giảm bớt căng thẳng trong quan hệ lao động, hạn chế tranh chấp dẫn đến đình công như trước đây. Sắp đến Tết Tân Mão, cùng với Ban Quản lý HEPZA, công đoàn sẽ tăng cường việc giám sát việc trả lương, trả thưởng đúng theo quy định của pháp luật và vận động các chủ đầu tư chăm lo, hỗ trợ tiền xe để công nhân về quê ăn tết.

K.H.

Tin cùng chuyên mục