Công viên bánh kẹo

1.
Công viên bánh kẹo

1. Hồi nhỏ, đọc nhiều truyện cổ tích, thần thoại, tôi luôn mơ ước một ngày nào đó đi lạc vào một xứ sở suối làm bằng sữa, núi làm bằng kem và các loại cây mọc ra toàn bánh kẹo.

Ba mẹ tôi đông con, thức gì ngon cũng chia năm xẻ bảy nên tôi không bao giờ được ăn uống thỏa thuê. Giấc mơ về xứ sở diệu kỳ đó vì vậy cứ cháy âm ỉ trong tôi cho đến khi tôi đủ khôn lớn để biết rằng đó là một xứ sở hoàn toàn không có thật - giống như một Neverland mà chỉ cậu bé Peter Pan mãi mãi tuổi mười lăm mới được cư ngụ với các thần tiên của cậu.

Nhưng giấc mơ đó không lụi tàn như tôi nghĩ. Nó vẫn sống âm thầm và bền bỉ trong vô thức của tôi, bất chấp lý trí đã dùng cây bút đỏ phê bên lề giấc mơ: “hoang đường”.

Khi viết bộ truyện pháp thuật Chuyện xứ Lang Biang, tôi đã xây dựng ở xứ sở này một “công viên các thứ kẹo”, trong đó cây cối không trổ ra trái mà trổ ra toàn kẹo - một nơi chốn tuyệt vời dành cho trẻ con. Khi mô tả về công viên thiên đường này, tôi hoàn toàn không nghĩ ngợi gì, ngòi bút chỉ nương theo mạch truyện nhưng khi đọc lại tôi biết chính giấc mơ thời thơ ấu đã dẫn dắt ngòi bút của tôi...

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

2. Cho đến một ngày, tôi bắt gặp trái sa kê (tất nhiên trái sa kê không liên quan gì đến... rượu sa kê của người Nhật vốn làm từ ngũ cốc).

Trái sa kê dĩ nhiên là... một loại trái cây. Nhưng nếu xách giỏ ra chợ, bạn sẽ không thể tìm thấy nó ở các gian hàng bán trái cây. Loại trái này người ta bày bán chung với khoai lang, khoai mì, khoai môn, tức là người bán xem nó như một loại củ.

Củ dĩ nhiên khác với trái. Củ phát triển chủ yếu từ rễ cây, hoặc thỉnh thoảng thân cây, thường vùi dưới đất. Ngược lại, trái mọc trên cành, kết từ hoa. Các chuyên gia về sức khỏe vẫn phân biệt củ với trái trong cụm từ “rau củ quả” quen thuộc. Nhưng với hàm lượng tinh bột của mình, trái sa kê hoàn toàn xứng đáng liệt vào loại củ.

Lần đầu tiên ăn trái sa kê, được một người quen chiên lên thết đãi, tôi ngạc nhiên vô cùng. Nếu ai chưa từng ăn qua loại trái cây này, chắc chắn sẽ nhầm nó với khoai lang hoặc khoai tây - thực ra hương vị của nó nằm giữa hai loại khoai này. Nhiều người nhận ra nó có vị bánh mì mới nướng, nên trái sa kê còn có tên là trái bánh mì (breadfruit). Ở đây mở ngoặc nói thêm: trái sa kê do đặc thù của mình đã làm “tréo giò” các chuyên gia sức khỏe vốn hay khuyên con người ta giảm béo bằng cách ăn nhiều “rau củ quả” thay cho tinh bột. Trong khi nếu xực “quả sa kê” liên tục, cơ thể rất có nguy cơ... phình ra như cột đình!

3. Nhà bạn tôi trồng cây sa kê ở phía sau vườn. Vườn nhỏ, cây sa kê thì cao, tán lá to quẹt vào tận lan can. Trái sa kê có bề ngoài giống hệt trái mít, tất nhiên nhỏ hơn. Lúc đứng trên tầng hai ngắm khu vườn nhỏ, tôi bảo “Cây sa kê này chả đẹp mắt tí nào, nhìn không thơ mộng gì hết. Nếu tôi là ông, tôi đốn cây này lấy chỗ trồng cây bàng cho đẹp”. Nhưng đến khi ăn những lát sa kê chiên bạn đãi, tôi lập tức đổi ý: “Vườn nhà ông mà rộng, trồng khoảng mười cây sa kê thì khỏi sợ đói”.

Thực ra, nhiều quốc gia nhiệt đới từ lâu đã xem sa kê là... lương thực. Nếu trồng ở nơi có khí hậu thích hợp, một cây sa kê có thể cho ra sản lượng 200 trái mỗi năm.

Tôi không phải là nhà nông học, nên về chuyện thu hoạch chỉ nghe và nhớ loáng thoáng thế thôi. Trong đầu tôi lúc đó chợt hiện ra trái óc chó, một tên gọi dân dã của trái hồ đào. Hạt trái óc chó hơi đăng đắng, nhưng cái đắng thoang thoảng đó chỉ làm tôn thêm vị thơm ngon của loại hạt này. Chẳng biết người khác cảm nhận thế nào, với tôi hạt trái óc chó nếu cho vào lò vi ba chừng vài phút, khi lấy ra ăn vị ngọt, bùi, thơm của nó rất giống một loại bánh ngon.

Trên thực tế, hạt trái óc chó cùng với nho, hạt hạnh nhân là những thứ không thể thiếu với các bà nội trợ khi làm bánh. Về giá trị dinh dưỡng của trái óc chó, các chuyên gia sức khỏe ca ngợi tận mây xanh: ngăn ngừa bệnh tiểu đường, sỏi mật, bảo vệ xương, củng cố sức khỏe tim mạch, thậm chí cải thiện khả năng sinh lý của nam giới...

Về phần tôi, tôi quan tâm đến trái óc chó, cũng như trái sa kê, không phải vì chúng củng cố tim mạch hay củng cố... khả năng làm đàn ông, mà vì chúng củng cố giấc mơ thời niên thiếu của tôi: Con người hoàn toàn có thể tạo ra một xứ sở ở đó cây trổ ra bánh và bánh mì, trước khi tiếp tục phát hiện các giống cây trổ ra loại trái có hương vị của kẹo ngon vào một ngày đẹp trời nào đó. Để công viên bánh kẹo không chỉ tồn tại trong tiểu thuyết nhờ vào trí tưởng tượng của nhà văn mà là một khu vườn Eden có thật ở trên đời. Và nhất là, để những giấc mơ trẻ thơ dù có đi xa vạn dặm vẫn còn tìm được lối quay về .

NGUYỄN NHẬT ÁNH

Tin cùng chuyên mục