Câu hỏi được nhiều người đặt ra cho HLV Conte sau trận đấu đó là vì sao ông lại để tiền đạo Costa đá trọn 90 phút dù lần lượt đưa 3 cầu thủ tấn công khác là Hazard, Pedro và Mose ra dưỡng sức. Conte thừa nhận ông đã mạo hiểm với chân sút chủ lực của mình nhưng nói rằng không hề hối tiếc về điều đó: “Costa là một cầu thủ quan trọng trong lối chơi của tôi. Anh ta truyền cảm hứng mãnh liệt cho toàn đội bóng và tôi cần điều đó trong mỗi phút thi đấu trên sân“.
Người ta không tin lắm vào cách giải thích ấy. Thay vào đó, nhiều nhà quan sát tin rằng Conte đang có một trận đấu mang tính thử nghiệm và vị trí thi đấu của Costa là chiếm giữ vai trò quan trọng. Chelsea xuất phát với đội hình 3-4-3, một sự chuyển đổi rất cơ bản trong cách chơi của Chelsea. Trong sơ đồ đó, 3 hậu vệ, 1 tiền vệ trung tâm và 1 tiền đạo sẽ là những vị trí bất biến, sự linh hoạt sẽ nằm ở các vị trí còn lại. Cách chơi đó đã được vận hành trơn tru ở trận đấu với Leicester và dù chiến thắng này có phần “đóng góp” của một Leicster sa sút thì đó cũng là sự trải nghiệm mà Conte muốn tận hưởng từng phút.
Trên thực tế, với sơ đồ này thì mẫu tiền đạo săn bàn vùng cấm như Costa hưởng lợi nhiều nhất. Anh không cần phải di chuyển nhiều, chuyên tâm cho việc đánh hơi bàn thắng khi phía sau anh có đến 5 tiền vệ liên tục di chuyển để tạo ra các khoảng trống. Kết quả của sự thay đổi ấy đến ngay ở phút thứ 7 khi hàng thủ Leicester chưa kịp định hình cách tiếp cận mới của Chelsea.
Vấn đề nằm ở chỗ, phải đến khi những tin đồn về việc bị sa thải ồn ào thì Conte mới quyết định chuyển sang đá sơ đồ 3 hậu vệ vốn đã làm nên tên tuổi của ông? Có người nói ông thầy người Italy chơi nước cờ liều, một con bạc khát nước. Cũng có người cho rằng, đến bây giờ Conte mới chuyển chiến thuật có lẽ là do được “bậc đèn xanh“ từ cấp quản lý. Rất khó để giải thích tại sao Conte lại chậm trễ như vậy, tuy nhiên thông qua việc mạo hiểm với Costa, có vẻ như Conte đang “đánh bạc”.
Việt Khang