Người về sau 100 trận đánh

Trận chiến chạm trán
Người về sau 100 trận đánh

Ông Trịnh Xuân Bảng (xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang khi là đặc công chiến đấu ở rừng Sác.

Trận chiến chạm trán

Người về sau 100 trận đánh ảnh 1

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (bìa phải) thăm nhà Anh hùng Trịnh Xuân Bảng (cuối năm 2007)

Ông Bảng tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ khép mình bên quốc lộ 1A. Ở tuổi 66, ký ức về những trận đánh vào các đồn bốt của địch ở Sài Gòn vẫn rành rọt, tỉ mỉ.

Ông nói, đặc công ở rừng rất gian khổ. Mỗi người một ngày chỉ sống với một tách (chén uống trà) nhỏ gạo. Suốt ngày đối mặt với vô số hiểm nguy từ cá sấu và các trận càn liên tục của địch.

Ông đã tham gia hơn 100 trận đánh lớn nhỏ ở các quân cảng như cảng Nhà Bè và một số vùng phụ cận. Hơn 100 trận đánh, tuyệt đối không có trận thua.

Trận đánh đầu tiên vào tháng 8-1967, khi ông mới đi bộ từ Quảng Bình vào rừng Sác. Tại nơi đóng quân, địch thả cây nhiệt đới, phát hiện bộ đội và chúng tập kích lúc 2g đêm. Dù bất ngờ nhưng không nao núng, giữa vô vàn pháo và bom giăng, bộ đội không bắn một mảnh đạn nào vì sợ địch biết được lực lượng của ta.

Ông Bảng kể: “Chúng thả bom, pháo nhưng không trúng mục tiêu. Chỉ đến khi thả chất độc khai quang thì anh em khó thở, tưởng như vỡ ngực. May, tôi có sáng kiến dùng nước tiểu tẩm vào khăn, đắp lên mũi nên anh em trụ được. Mọi người đưa bom ra đặt trên các lối đi, chờ giặc đến. Đợt mìn đầu tiên, giặc chết nhiều. Địch triển khai đợt hành quân thứ hai nhằm san bằng căn cứ của ta. Vẫn với phương án đặt mìn, ta lại thắng, địch chết nhiều không đếm hết”.

Ký ức đánh cảng Nhà Bè

Trận thứ hai, ông dẫn 2 chiến sĩ khác luồn sâu vào quân cảng Nhà Bè. Ông gò một thùng thiếc như cỗ quan tài, trong đó chứa 300kg thuốc mìn, sau đó bơi vượt sông, vào quân cảng Nhà Bè đặt nhẹ nhàng thùng mìn vào sườn một chiếc tàu.

Đó là một ngày của tháng 12-1967. Qua hai giờ, một tiếng nổ long trời lở đất vang lên, chiếc tàu 1,2 vạn tấn bị xé toang và chìm sau 15 phút. Ngày hôm sau, các phương tiện truyền thông của địch đồng loạt loan báo: “Đặc công Bắc Việt đã đánh vào nơi bất khả xâm phạm”. Trận đó, ông cùng hai đồng chí của mình được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì.

Thua đau, địch tiến hành khủng bố trắng khu vực rừng Sác. Mọi ngã đường tiếp tế súng đạn, lương thực, không thể tiếp cận. Hơn 3 tháng trời, không đánh được trận nào. Nhân cơ hội này, bộ máy tuyên truyền chiến tranh của địch ra rả: “Quân giải phóng đã chết sạch ở rừng Sác”.

Trước việc này, cấp trên giao nhiệm vụ trực tiếp cho ông phải gây một tiếng nổ trong quân cảng Nhà Bè. Ông nhận trách nhiệm nhưng trong tay không có một cân mìn nào. Trong khó khăn, ông nghĩ ra cách đào các quả bom của địch thả xuống nhưng không nổ rồi lấy thuốc bom để đánh địch.

Một quả bom nặng 5 tạ được ông tháo ngòi nổ, lấy thuốc đóng thành khối. Ông và 2 đồng đội của mình lại bơi vào cảng Nhà Bè vào một đêm đầy sương sau Tết Mậu Thân năm 1968.

Lúc này giặc cảnh giác cao nên cho hàng chục tàu nhỏ vây chặt tàu 1,3 vạn tấn để bảo vệ, rồi còn một chiếc ca nô tuần tra liên tục. Tổ của ông lao theo đuôi ca nô, tiếp cận được tàu lớn, đặt bom đúng 30 phút.

Đúng 2g sáng, một tiếng nổ lớn vang lên. Sài Gòn choáng váng. Sau trận đó, ông là người có công lớn, được Chính phủ Lâm thời miền Nam Việt Nam phong Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Vinh dự được gặp Chủ tịch nước

Chiến đấu anh hùng, sau năm 1975 ông về lại miền Bắc, công tác trong lực lượng hải quân, đến năm 1987 về hưu với hàm trung tá. Người anh hùng trở về đời thường trong bộn bề khó khăn.

Thế nhưng, làng bên có người con gái thương và lấy ông làm chồng. Hai vợ chồng cúc cung đồng áng kiếm sống qua các mùa vụ. Họ có 7 người con. Con đông nên gia cảnh cũng luôn khó khăn. Mãi tới năm 2007, ông mới đưa gia đình thoát nghèo khi trồng 3 héc ta rừng.

Cuối năm 2007 ông cũng bất ngờ đón nhận niềm vui được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào thăm và chúc tết. Ông cảm động đến trào nước mắt. Tại căn nhà nhỏ của mình, ông đã kể lại thời gian chiến đấu cho Chủ tịch nước nghe.

Ông nói: “Nếu có chiến tranh, sẽ động viên tất thảy 7 đứa con lên đường”.

Cảm động với người anh hùng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói: “Cảm ơn những tấm lòng yêu nước thương nòi như anh. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang phấn đấu đưa lại cuộc sống tốt hơn cho người dân”.

Nói đến đó, Chủ tịch nước và người anh hùng cùng ôm nhau cười. Và họ cùng nâng cạn ly rượu làng nồng chất quê do vợ của người anh hùng rừng Sác tự tay chưng cất để mời Chủ tịch nước.

Minh Phong

Tin cùng chuyên mục