Cốt lõi là chất lượng nguồn nhân lực

Trước năm 2013, ngoại trừ một số ít học sinh được tuyển thẳng vào đại học (ĐH) theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, còn lại đều phải dự kỳ thi tuyển sinh ĐH (gọi là kỳ thi tuyển sinh 3 chung: chung đợt thi, chung đề thi và xét tuyển chung).

Từ năm 2013, một số trường ĐH thí điểm xét tuyển theo kết quả học THPT (thường được gọi là xét tuyển theo học bạ). Từ năm 2015, sau khi thống nhất 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh 3 chung, cùng với việc thực hiện tự chủ tuyển sinh, phương thức xét tuyển của các trường ĐH rất đa dạng.

Năm 2022, với mục tiêu lọc ảo trúng tuyển cho các trường ĐH, Bộ GD-ĐT thống kê sơ bộ có 20 phương thức, nhưng khi vận hành phần mềm xét tuyển lọc ảo chung xem ra số lượng phương thức thực tế lớn hơn nhiều nên nảy sinh nhiều quan điểm trái chiều.

Về mặt tự chủ tuyển sinh và yêu cầu xét tuyển của từng ngành, trường ĐH có thể tự quyết định các phương thức xét tuyển (về hình thức đăng ký xét tuyển, nội dung tiêu chí xét tuyển và lịch xét tuyển phù hợp) sao cho tuyển được thí sinh đạt yêu cầu đầu vào để đào tạo, miễn thí sinh đó tốt nghiệp THPT.

Năm 2023, Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục công bố danh mục 20 phương thức xét tuyển. Như vậy, vấn đề ở đây không phải là có quá nhiều phương thức xét tuyển mà ở chỗ những khó khăn trên hệ thống tuyển sinh chung khi lọc ảo nguyện vọng của thí sinh. Việc đăng ký xét tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký lại (từ trường ĐH và từ thí sinh) lên hệ thống chung, rồi lại xét tuyển chung để lọc ảo với các phương thức xét tuyển “không sớm” khiến thời gian xét tuyển kéo dài, phải mất hơn 6 tuần.

Giải pháp cho vấn đề này chỉ có thể là tất cả các phương thức chỉ được xét tuyển cùng một lúc trên hệ thống (nghĩa là không cho phép các trường ĐH được xét tuyển theo bất kỳ phương thức nào, kể cả tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển, trước khi có kết quả thi tốt nghiệp). Một giải pháp khác là trở lại xét tuyển như trước năm 2022, nghĩa là chỉ lọc ảo cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT (là phương thức xét tuyển cuối về thời gian), còn các phương thức xét tuyển khác thì thí sinh và trường ĐH “tự lọc ảo” với nhau bằng cách thí sinh trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm sẽ xác nhận nhập học tại trường và trên hệ thống, sau đó chỉ những thí sinh nào chưa xác nhận nhập học mới xét tuyển chung theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT.

Hiện nay cũng có quan điểm bỏ xét tuyển học bạ hoặc bỏ thi tốt nghiệp. Tôi cho rằng 2 quan điểm này mâu thuẫn với nhau. Cần nhớ rằng, điều kiện bắt buộc để xét tuyển ĐH là học sinh phải tốt nghiệp THPT. Do vậy, dù điểm số học bạ của học sinh như thế nào nhưng bằng tốt nghiệp THPT là cơ sở quan trọng nhất để tuyển sinh ĐH.

Phương thức xét học bạ tại các trường ĐH hiện nay chiếm gần 40% tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, và số thí sinh trúng tuyển theo phương thức học bạ nhập học cũng chiếm hơn 1/3 (36%) tổng số sinh viên mới năm 2022. Như vậy, đây là phương thức tuyển sinh quan trọng thứ 2 sau phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và là nguồn tuyển sinh chủ yếu của các trường ĐH tư thục. Như vậy, vấn đề không phải là bỏ phương thức xét tuyển theo học bạ mà là việc đánh giá (điểm số) ở bậc THPT phải được chuẩn hóa, phản ánh đúng năng lực học sinh.

Tương tự, quan điểm cho rằng thi tốt nghiệp THPT đạt tỷ lệ gần tuyệt đối thì không cần tổ chức thi tốt nghiệp cũng là cực đoan, vì đơn giản nếu bỏ thi tốt nghiệp thì nguồn tuyển nào thay thế cho hơn 260.000 chỉ tiêu tuyển sinh (chiếm khoảng 50% tổng chỉ tiêu) hiện nay? Khi đó hoặc các trường ĐH phải tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng hoặc phải căn cứ trên học bạ để xét tuyển.

Cốt lõi của vấn đề xét tuyển với nhiều phương thức vẫn hướng đến tuyển học sinh giỏi nhất đáp ứng được yêu cầu đào tạo trong quá trình học đại học. Trên cơ sở điều kiện bắt buộc là thí sinh phải tốt nghiệp THPT, các trường đại học cần chủ động đặt ra các tiêu chí xét tuyển phù hợp với yêu cầu riêng của từng ngành nghề, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội.

Tin cùng chuyên mục