Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào các dân tộc xã Cư Pơng (huyện Krông Púk, tỉnh Đắk Lắk) đoàn kết một lòng theo Đảng, đứng lên đánh đuổi kẻ thù xâm lăng. Trong thời bình, họ trở thành những người lính tiên phong trên mặt trận kinh tế, biến vùng “đất chết” do bom đạn thành một “thành phố thu nhỏ” trên cao nguyên.
“Thành phố thu nhỏ”
Trở lại Cư Pơng sau 6 năm, chúng tôi không tin vào mắt mình trước sự “thay da đổi thịt” quá nhanh của vùng đất cách mạng này. Hàng trăm căn biệt thự, nhà cao tầng đua nhau mọc lên giữa núi đồi cà phê. Buôn Ađrơng - Ea Brơ là nơi tập trung nhiều biệt thự nhất, trong vòng bán kính 1km có khoảng 30 căn, được ví von như là một “thành phố thu nhỏ”. Chủ nhân của những căn biệt thự này phần nhiều là người đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Y Bin Niê (41 tuổi, buôn Ađrơng - Ea Brơ) hí hửng dẫn chúng tôi đi tham quan căn biệt thự với hệ thống phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ… và gara ôtô rộng rãi, sang trọng. Vợ chồng anh xây dựng căn nhà này từ năm 2009 với kinh phí khoảng 630 triệu đồng. “Tiền xây nhà nhờ trồng cà phê, trồng điều hết. Nhà mình trồng 3ha cà phê, 1,8ha điều với thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 500 triệu đồng. Chừng đó thu nhập, mình trích tiền cho con cái ăn học, mua xe ô tô, còn lại tích cóp xây cái nhà khang trang này”, anh Y Bin cho hay. Khi chúng tôi khen nhà đẹp, anh Y Bin gãi đầu: “Nhà mình thuộc hạng xoàng thôi, chưa ăn thua đâu. Trong buôn có nhiều người thu nhập hàng năm cả tỷ đồng. Họ xây biệt thự to, đẹp hơn mình nhiều nữa, nhìn là thèm ngay”.
Để chứng minh, Y Bin mời chúng tôi lên xe ô tô chở đi dạo ngắm những ngôi biệt thự trong buôn. Xe vừa ra cổng, chúng tôi đã đụng ngay căn biệt thự to tướng của đại gia “chân đất” Y An Niê. “Anh ta trồng 8ha cà phê, 2ha điều. Mỗi năm hốt hơn cả tỷ đồng đấy nhé”, Y Bin nói. Chiếc xe lăn bánh vút qua những rẫy cà phê, tiêu xanh bạt ngàn. Y Bin lần lượt điểm danh các căn biệt thự của các ông Ma Moan, Ma Crop, Ma Hiếu, Ma Nghiệp…
Người dân xã Cư Pơng giàu lên nhờ trồng cà phê. Ảnh: Võ Phúc
Ông Võ Văn Quát, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Pơng, cho biết: “Xã có hơn 2.300 hộ với khoảng 10.800 khẩu, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số như Êđê, Tày, Mường… chiếm khoảng 67%. Có khoảng 90% số hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên, cá biệt có khoảng 20% số hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng/năm đến hàng tỷ đồng. Toàn xã có từ 20 - 30 hộ có ô tô con. Trong những năm qua, nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất khi xã triển khai xây dựng nhiều tuyến đường bê tông liên thôn. Chỉ tính riêng trong 2 năm vừa qua, có khoảng 200 hộ dân tham gia hiến cả 10ha đất để làm đường. Cũng nhờ được dân ủng hộ nên mọi việc diễn ra rất suôn sẻ. Nhiều tuyến đường được xây mới khang trang, rất thuận tiện cho việc vận chuyển nông sản”. Còn ông Y Ni Mlô, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Púk, chia sẻ: “Cư Pơng là xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện. Huyện có 7 xã thì Cư Pơng đứng thứ 2 về sự phát triển kinh tế, chỉ đứng sau mỗi xã Pơng Đrang vì nơi đây nằm gần trung tâm huyện. Đời sống người dân xã Cư Pơng đổi thay cũng nhờ trồng cây cà phê, tiêu, cũng như biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất”.
Đi lên từ “đất chết”
Sự đổi thay của Cư Pơng là điều dễ nhận thấy, nhưng điều đáng tự hào hơn ở vùng đất cách mạng này chính là tinh thần vượt khó của người dân, cán bộ nơi đây. Ký ức về Cư Pơng thời gian khó khắc trong sâu thẳm tâm trí của già Y Sơn Kpă, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cư Pơng. “Trong thời chiến, vùng đất Cư Pơng bị bom đạn địch giày xéo, hình thành nhiều hố bom mìn, gây tổn thương rất nặng nề. Khu vực này toàn đồi hoang, có chỗ cây cối rậm rạp, rắn rết, muỗi vô số kể. Cuộc sống thiếu ăn, người dân phải hái rau rừng, đào khoai để ăn lót dạ. Khổ nhất vẫn là đường đất đỏ lầy lội, dốc cao chót vót nên việc đi lại, giao thương gặp vô vàn khó khăn”, già Y Sơn hồi tưởng. Những khó khăn đó tưởng chừng sẽ là rào cản ngăn Cư Pơng phát triển, nhưng ngược lại đó là động lực để người dân vươn lên. Ở đó, họ trở thành một “người lính” dũng cảm đi tiên phong trong việc bắt vùng “đất chết” “đẻ” ra tiền.
Nhiều người dân xã Cư Pơng xây biệt thự, mua ô tô. Ảnh: Võ Phúc
“Ban đầu, chúng tôi đi khai hoang đất để trồng lúa, trồng ngô, gặp hố bom thì san ủi, cải tạo rồi tiến hành gieo trồng. Dù làm chăm chỉ như con ong thợ nhưng thu nhập vẫn không đủ mưu sinh, cuộc sống đói kém triền miên. Nhiều đêm ngủ, chúng tôi tự nhủ phải tìm mô hình kinh tế hiệu quả để thoát nghèo, nâng cao đời sống, tiến tới vực dậy vùng đất cách mạng nghèo khó. Chúng tôi đến vùng đất bạn để học hỏi, tìm phương án làm giàu. Thấy cây cà phê siêu lời, được nhiều nơi trồng cho hiệu quả nên đã mạnh dạn mua giống về trồng. Từ đó, thu nhập của chúng tôi được nâng cao và cuộc sống bắt đầu thay da đổi thịt”, anh Y Bin bồi hồi. Không chỉ tự làm giàu, người dân Cư Pơng còn giúp nhau phát triển kinh tế như chia sẻ kinh nghiệm, cho mượn vốn làm ăn... Tinh thần “lá lành đùm lá rách” được áp dụng rộng rãi, cuộc sống người dân thay đổi nhanh chóng cũng nhờ vậy. Người dân nơi đây cũng hay kể cho con cháu biết về thời gian khó của Cư Pơng để thế hệ trẻ biết quý trọng những thành quả mình đang hưởng, cũng như biết ơn người đi trước đã có công gầy dựng, phát triển vùng cách mạng.
Chia tay chúng tôi, ông Võ Văn Quát lạc quan: “Thời gian qua, trung bình mỗi năm toàn xã có khoảng 20 em đậu đại học, cao đẳng. Nhớ trước kia, người dân Cư Pơng chỉ dùng tay, cuốc xẻng cũng làm vùng đất nghèo chuyển mình mạnh mẽ. Bây giờ lớp trẻ được đào tạo ở các trường về, các cháu sẽ ứng dụng kiến thức đã học ở giảng đường để áp dụng thực tiễn thì Cư Pơng càng giàu mạnh nữa”.*
CÔNG HOAN - VÕ PHÚC