Cú sốc văn hóa

VIỆT KHANG

Tình hình hiện thời của West Ham, đội bóng từng cùng với Leicester tạo nên nguồn cảm hứng đặc biệt ở mùa trước, là quá bi đát. Họ đang đứng thứ 3 từ dưới lên và chỉ thắng đúng 1 trận trước Bournemouth.

Các CĐV West Ham thực sự nổi giận. Họ cáo buộc việc chuyển từ sân Boleyn Ground (còn có tên khác là Upton Park) với lịch sử 112 năm đến sân Olympic mới xây dựng chính là nguyên nhân dẫn đến bi kịch hiện nay của West Ham. Những CĐV trung thành nói rằng,  đội bóng của họ vừa trải qua “một cú sốc văn hóa” và không đứng vững được. Sân bóng mới với sức chứa 60.000 chổ ngồi, tức là gấp đôi Boleyn Ground nhưng cũng giảm đi phân nữa nguồn cảm hứng đến từ khán đài do bầu không khí bị pha loãng. Điều đó khiến West Ham không còn giống như trước: Thua từ đội nhỏ đến đội lớn.

Đáp trả, phó chủ tịch Karren Brady nói rằng, lúc bà ta đến nhậm chức hồi năm 2010, West Ham “làm gì có thứ văn hóa nào”. Lúc đó, West Ham vừa nhận vé xuống hạng, nay được đầu tư mạnh mẽ, thì lẽ ra các CĐV phải thấy hãnh diện chứ.

Phát ngôn của bà Brady ngay lập tức nhận phải làn sóng chỉ trích từ các CĐV West Ham và cả giới truyền thông. Sau mùa bóng thành công vừa qua, West Ham đã mua đến 12 cầu thủ, nâng tổng số cầu thủ mới đến trong 2 năm lên con số 17 người. Thế nhưng, đa số các tân binh trong mùa này đều không thể hiện được gì, đội bóng của HLV Bilic vẫn phải thở bằng phong độ của Payet, vốn chẳng còn là chính mình.

Đồng tiền đã làm hỏng West Ham chăng? Ở giải ngoại hạng Anh,  West Ham là một trong số ít các đội bóng phải bán quảng cáo thời vụ để kiếm tiền thay vì chốt các hợp đồng tài trợ bảng quảng cáo trên sân từ đầu mùa. Họ vừa chớm có thành công trong 2 năm trở lại đây, đặc biệt là sau khi HLV Bilic xuất hiện nhưng có vẻ như chính điều đó đã đẩy họ đi quá xa. Nhiều người dự báo, West Ham có khả năng sẽ là “nạn nhân” tiêu biểu của bản hợp đồng truyền hình lịch sử vừa được áp dụng trong mùa này, đem lại tiền cho các CLB nhưng sẽ lấy đi của họ cả một khía cạnh văn hóa.


VIỆT KHANG

Tin cùng chuyên mục