Cử tri có thêm thông tin để lựa chọn người xứng đáng

Những người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang bước vào đợt vận động bầu cử. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM khẳng định, MTTQ các cấp sẽ hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện để các ứng viên có cơ hội được trình bày chương trình hành động của mình. Qua đó, cử tri có thêm thông tin để lựa chọn người xứng đáng.
Bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM
Vận động bầu cử công khai, bình đẳng

PHÓNG VIÊN: Trong những ngày tới đây, các ứng cử viên bước vào vận động bầu cử - là hoạt động được nhiều cử tri quan tâm. MTTQ các cấp sẽ hỗ trợ các ứng cử viên trong vận động bầu cử như thế nào?

Bà TÔ THỊ BÍCH CHÂU: Vận động bầu cử là hoạt động rất quan trọng đối với mỗi ứng cử viên. Các ứng cử viên có thể vận động bầu cử bằng cách gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri nơi mình ứng cử hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng.

Vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã phối hợp với Ủy ban bầu cử TPHCM tổ chức gặp gỡ những người ứng cử để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và phương hướng, mục tiêu 5 năm tới của TPHCM cũng như của cả nước. Đồng thời, hướng dẫn ứng cử viên kỹ năng xây dựng chương trình hành động, trình bày chương trình hành động, kỹ năng tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử cũng như cách xây dựng hình ảnh, xuất hiện trước các phương tiện thông tin truyền thông và quan hệ với báo chí. 

Chúng tôi cũng đã hướng dẫn MTTQ TP Thủ Đức và các quận huyện việc tổ chức hội nghị cử tri để ứng cử viên vận động bầu cử. Trong đó, yêu cầu việc vận động bầu cử cần được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật.

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, MTTQ có phương án gì để đảm bảo an toàn về phòng chống dịch mà vẫn đảm bảo chất lượng các cuộc vận động bầu cử?

Công tác phòng chống dịch Covid-19 luôn phải được thực hiện nghiêm túc, không được chủ quan, lơ là trong bất kỳ tình huống nào. Các hội nghị tiếp xúc cử tri được tổ chức cần thực hiện nghiêm 5K (khai báo y tế, khoảng cách, khẩu trang, khử khuẩn và không tụ tập).

Do đó, các buổi tiếp xúc cử tri có thể chia nhỏ, giảm số lượng người tham dự, đảm bảo khoảng cách đúng quy định trong phòng chống dịch Covid-19. Bù lại, MTTQ sẽ đề nghị các ứng viên tăng số buổi tiếp xúc cử tri. Luật bầu cử quy định số buổi tối thiểu tiếp xúc cử tri đối với ứng cử viên mà không quy định mức tối đa về số buổi tiếp xúc cử tri. Vì thế, nhóm ứng viên cùng đơn vị bầu cử có thể thống nhất với MTTQ để tổ chức thêm các buổi tiếp xúc theo giới, theo ngành...

Chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri chu đáo, chất lượng. Đồng thời, vận động cử tri tham dự đông đủ để ứng viên có cơ hội được trình bày chương trình hành động của mình, từ đó cử tri cân nhắc và lựa chọn người xứng đáng.

Cấm ứng viên ủng hộ tiền, tài sản lôi kéo cử tri

MTTQ các cấp sẽ tổ chức giám sát ra sao để quá trình vận động bầu cử đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch và đúng pháp luật?

Thời gian tới, chúng tôi tập trung giám sát các hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch và đúng pháp luật. Điều này cũng giúp các ứng viên không phạm vào những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử. 

Cử tri có thêm thông tin để lựa chọn người xứng đáng ảnh 2 Các nữ ứng cử viên ĐBQH và HĐND TPHCM được nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo trao đổi kinh nghiệm về vận động bầu cử. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo quy định, các buổi tiếp xúc cử tri phải mời báo chí và thông tin trên các phương tiện truyền thông cần có đầy đủ 5 ứng viên trong tổ, đảm bảo các ứng viên đều bình đẳng. Tất cả thông tin về tiểu sử, trình độ, chuyên môn, chương trình hành động của người ứng cử được công khai, minh bạch. Trong các hội nghị tiếp xúc cử tri, các ứng viên đều có thời gian như nhau (tối đa 10 phút) để trình bày chương trình hành động của mình. Mỗi người cũng có 5 - 10 phút để chuẩn bị và trả lời câu hỏi của cử tri, đảm bảo tất cả các ứng viên đều được phát biểu. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, cởi mở những vấn đề cùng quan tâm. 

Các hành vi bị cấm khi vận động bầu cử mà bà vừa đề cập, cụ thể là gì?

Theo quy định, những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử là: lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình. Việc sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri cũng là hành vi bị cấm trong vận động bầu cử. Nếu phát hiện những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử thì MTTQ sẽ nhắc nhở, chấn chỉnh. Tùy theo mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý phù hợp.

Theo quy định, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử không được vận động bầu cử cho những người ứng cử. Người ứng cử ĐBQH có ít nhất có 10 cuộc tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Người ứng cử ĐB HĐND TPHCM có tối thiểu 5 cuộc. Người ứng cử ĐB HĐND cấp huyện, cấp xã, ít nhất 3 cuộc. Thời gian vận động bầu cử bắt đầu từ ngày niêm yết danh sách chính thức ứng viên (ngày 3-5) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ ngày 22-5).

Tin cùng chuyên mục