
26 km bờ biển và 13,5 km đường bộ biên giới với Campuchia cùng một vị thế danh thắng, văn hóa rất độc đáo giúp Hà Tiên có nét quyến rũ đặc biệt.
Sức sống một vùng biên

“Dân tụ về đông cả ngàn hộ. Có thể sẽ lập thêm đơn vị hành chính mới”, ngồi ngay mũi ca nô, anh Sáu Tuấn - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang và anh Ba Tân - Bí thư thị xã Hà Tiên tranh thủ trao đổi với nhau về các giải pháp giữ gìn “túi cá”; khai thác, phát triển gắn với bảo tồn cảnh quan hầu như còn nguyên sơ với những cụm dừa nước ken chặt chạy dài của Đông Hồ (rộng gần 1.000 ha)... Mặt trời đỏ rực lơ lửng ngang đỉnh núi Tô Châu rớt dần xuống mặt hồ mênh mông, phẳng lặng. Gió đưa hơi lạnh, những con thuyền nhỏ vẫn mải miết kéo chài, tung lưới. Khói bếp đã bắt đầu lãng đãng quấn quít bên những cột ăng ten san sát trên các nóc nhà ven bờ. “Vào đúng rằm tháng giêng, nếu gặp may, mọi người còn được chiêm ngưỡng “Đông Hồ ấn nguyệt””, nhà thơ Phù Sa Lộc nói vậy.
Hà Tiên mới được tái lập cách đây 5 năm nhưng GDP đã tăng bình quân hơn 16% (riêng năm 2005 tăng 37,41%). Cái thị xã nhỏ bé vài vạn dân, lèo tèo vài dãy phố sau giải phóng, nay đã chuyển mình thành điểm quần cư trên 40 ngàn dân với nền kinh tế khá năng động, đẩy nhanh mức thu nhập bình quân đầu người trong năm từ 4,2 triệu đồng (năm 2001) lên trên 8,3 triệu đồng (năm 2005). Cơ cấu kinh tế Hà Tiên đã “ đổi đầu” với Thương mại – Du lịch – Dịch vụ chiếm đến 45,33% trong GDP. Với hơn 700 tàu thuyền hiện có, Hà Tiên đầy tiềm năng để khai thác thế mạnh biển đảo từ công nghiệp chế biến, kinh doanh thủy hải sản... Những chiếc xe kéo đổi nước ngọt sinh hoạt của vùng đất quanh năm phèn mặn này đã cơ bản chấm dứt từ năm 2003 và một dự án cấp nước, vệ sinh môi trường đồng bộ, hiện đại hơn cho khoảng 86 ngàn người dân Hà Tiên và vùng phụ cận đang triển khai thuận lợi (nhà máy cấp nước do Úc tài trợ sẽ nâng công suất từ 10.000m3/ngày lên 20.000m3/ngày vào năm 2010; xây mới hai hồ chứa nước (500 ngàn khối/hồ) tại Hòn Đá Dựng). Bóng nước Đông Hồ cũng đã in bóng cây cầu mới Tô Châu...
“Dầu gội, sữa tắm hiệu “Con Dê” (Malaysia) chỉ có ở đây với giá cực mềm gợi nhớ đến “Cảng khẩu quốc” (Hà Tiên) nằm cuối kinh Vĩnh Tế sầm uất, quan trọng nhất nhì Nam bộ thuở trước. Một Trung tâm Thương mại hiện đại ngay trong nội ô sẽ bắt nhịp cùng khu chợ đêm truyền thống đầy năng động của kinh tế tư nhân với 1.685 hộ kinh doanh – trên 81 tỷ đồng tổng vốn đầu tư. Khu công nghiệp Thuận Yến; Khu đô thị lấn biển rộng hơn 96 ha với resort, biệt thự vườn, quảng trường, công viên thể thao... đã định hình; con đường mới mở chạy quanh co chân núi Đèn sát biển thật đẹp, nối liền đến Khu du lịch Mũi Nai cách đó 2km - 3km... Nét huyền hoặc “trời đất gặp nhau” càng đẹp hơn với dự án làm kè đầm, công viên văn hóa Đông Hồ; tôn tạo quần thể khu di tích núi Bình San, hang Mo So... Thắng cảnh Đá Dựng, dãy núi đá vôi cao sừng sững 63 mét, hang động kỳ ảo đều có sức dân chăm sóc, tôn tạo thành điểm du lịch gây ngỡ ngàng du khách. “Thập cảnh” danh bất hư truyền tạo nên cái đẹp trầm mặc man mác của nơi “Đất trời linh tú” (Mạc Thiên Tích) cho Đông Hồ thăng trầm gần 300 năm; một “xã hội văn nhã” với 270 năm Tao đàn Chiêu Anh Các (một thi đàn sớm nhất đất phương Nam) vẫn óng ánh chảy hoài những dòng thơ mỗi khi rằm Nguyên tiêu đến trên vùng đất này...
Bước đột phá để Hà Tiên tăng tốc

Trưa nắng gắt, chúng tôi thơ thẩn bước qua cửa khẩu Quốc gia Xà Xía - vùng đất bắt nhịp giao thương với thế giới bên ngoài từ hơn hai thế kỷ trước; một cửa ngõ vô cùng thuận lợi với Campuchia và các nước trong khối ASEAN; một khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) đã được Chính Phủ cho phép nhiều năm nay - nhưng con đường đất đỏ nằm giữa những cánh đồng lúa từ đất nước Chùa Tháp nối vô cửa khẩu vẫn còn khá vắng lặng. Phát triển kinh tế cửa khẩu, đẩy mạnh “mậu dịch biên giới” sẽ là bước đột phá cho Hà Tiên? “Tập trung cho phát triển kinh tế cửa khẩu sẽ kích thích Hà Tiên phát triển nhanh hơn”, Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang Trương Quốc Tuấn khẳng định như vậy và cho biết sẽ nhanh chóng xây dựng kho ngoại quan, khu bảo thuế... Kiến nghị nâng cấp, sửa tên cửa khẩu quốc gia Xà Xía thành “cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên” cho xứng tầm, cũng là điều cần suy nghĩ.
Cơ sở hạ tầng đi trước là động lực giúp kinh tế trở mình. Hai tuyến đường nối Hà Tiên với Châu Đốc – Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang) sẽ hình thành những tuyến điểm du lịch dọc đường biên vô cùng hấp dẫn. Con đường Rạch Giá – Hà Tiên nằm trên trục đường xuyên Á sẽ được mở rộng gấp đôi từ nguồn vốn ODA, cùng việc giải ngân (năm 2007) nâng cấp các đường rẽ chính theo trục này về thị trấn Kiên Lương, Hòn Đất, Sóc Xoài… sẽ là “mạch máu” vực dậy sự phồn thịnh của Đông Hồ, Hà Tiên, chưa kể con số gần triệu du khách mỗi năm sẽ tăng đột biến nếu có một bến phà lớn nối Hà Tiên với Phú Quốc (chỉ hơn 45 km thay vì trên 100km từ TP Rạch Giá). Tour khám phá xã đảo Tiên Hải cùng 14 hòn đảo kế cận hứa hẹn sẽ là điểm hấp dẫn khi được đầu tư thêm một bến tàu du lịch cao tốc (chỉ mất nửa tiếng đồng hồ là tới đảo). Hà Tiên cũng rất cần một cơ chế thoáng, ưu đãi địa bàn biên giới nhằm thu hút đầu tư, trong bối cảnh đào tạo nhân lực, quản lý hành chánh... đang là thách thức lớn. “Du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Tiên, nhưng khi tiếp xúc với khách nước ngoài hầu hết người làm du lịch chỉ ra dấu bằng tay”, anh Ba Tân bức xúc.
Hà Tiên đang nỗ lực để kỷ niệm 300 năm (1708 – 2008) và sẽ trở thành thành phố Văn hóa Du lịch vào năm 2010. Ở vùng biên viễn tận cùng trời Nam này, bao thế hệ đã minh chứng sức mạnh không chỉ bằng cây súng mà còn bằng cả uy lực của nền văn chương, nét văn hiến và sự sáng tạo, đột phá không ngừng. Hà Tiên đang vươn vai Phù Đổng...
VŨ THỐNG NHẤT