Cửa hàng tiện lợi thân thiện hơn với môi trường

Bên cạnh việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, các cửa hàng tiện lợi lớn của Nhật Bản như Lawson, Seven-Eleven, Family Mart đang cùng phát động phong trào giảm lãng phí thực phẩm từ nguyên liệu không dùng hết.
Chuỗi cửa hàng Lawson bắt đầu bán sushi cuộn sử dụng nguyên liệu dư thừa. Ảnh: LAWSON
Chuỗi cửa hàng Lawson bắt đầu bán sushi cuộn sử dụng nguyên liệu dư thừa. Ảnh: LAWSON

Từ tuần trước, Lawson đã giới thiệu món sushi cuộn với cá ngừ sống tẩm ướp tại hầu hết các cửa hàng của mình trên khắp Nhật Bản. Với giá 181 yen (1,29 USD), món cuộn này sử dụng cá ngừ đông lạnh, vốn ban đầu được mua để làm món cuộn dài ehomaki - một món ăn truyền thống được ăn vào ngày lập xuân, tức là ngày mùng 3 hoặc mùng 4 tháng 2 theo lịch âm cũ của Nhật Bản.

Vào cuối tháng 7 tới, Lawson cũng có kế hoạch giới thiệu một sản phẩm sushi cuộn khác sử dụng nguyên liệu cá hồi và mực còn lại sau khi đã làm đủ ehomaki và các sản phẩm khác ở một số vùng. Ngoài ra, Lawson còn một kế hoạch tung ra sản phẩm chirashi-zushi (một loại sushi đặc biệt với màu sắc sặc sỡ) với lươn anago (lươn sống ở vùng nước mặn) và lươn khác ở vùng Kanto, vùng Koshinetsu.

Với giá 983 yen, sản phẩm chirashi-zushi nhắm đến ngày ăn lươn để giải nhiệt theo truyền thống Nhật Bản, gọi là ngày Doyo no Ushi no, ngày nóng nhất trong năm.

Lawson bán các sản phẩm với giá tương đối thấp vì sử dụng cá hồi, cá chình và tôm còn dư, và công ty nhận đơn đặt hàng trước, bắt đầu từ ngày 6-6 cho đến ngày 28-7 với một số lượng hạn chế. Lawson đặt mục tiêu giảm lượng hàng tồn kho quá mức 30% ở những nơi đã triển khai dịch vụ này.

Trong khi đó, chuỗi 7-Eleven có kế hoạch bán sinh tố sử dụng rau và trái cây bỏ đi vì hình thức không còn bắt mắt. Chuỗi này cung cấp các sản phẩm sinh tố trong cốc mà khách hàng có thể tự pha chế tại 21.000 cửa hàng trên toàn quốc.

Các sản phẩm kiểu này đã được giới thiệu vào năm 2017 tại một số cửa hàng, đã có mặt tại 3.300 cửa hàng vào cuối tháng 3 và dự kiến ​​sẽ được bán tại hầu hết các cửa hàng 7-Eleven trên toàn quốc vào cuối tháng 2-2024. Khách hàng mua một cốc có chứa nguyên liệu đông lạnh, đặt nó vào máy xay sinh tố của cửa hàng và làm sinh tố, quá trình này chỉ mất hơn 1 phút. 7-Eleven Nhật Bản có kế hoạch thúc đẩy sản phẩm đạt được hương vị thơm ngon, hỗ trợ sức khỏe và giảm gánh nặng cho môi trường, tất cả chỉ trong một gói.

Một bên khác là FamilyMart, cũng có kinh nghiệm giảm lãng phí thực phẩm, như Goro Goro Kaniku Banana Milk, thức uống tráng miệng ra mắt năm ngoái, sử dụng chuối Philippines nhập khẩu, vốn bị chê là không phù hợp trong quá trình sản xuất và thương mại. Hiện nay, món này đã trở nên phổ biến với nhiều khách hàng trên khắp Nhật Bản.

Trong vài năm qua, các nhà điều hành cửa hàng tiện lợi lớn của Nhật Bản đã nỗ lực giúp bảo vệ môi trường, tập trung vào quá trình khử carbon. Trước đó, họ đã giảm lãng phí thực phẩm bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo để điều chỉnh đơn đặt hàng.

Dữ liệu Chính phủ Nhật Bản cho thấy, việc xử lý hơn 6 triệu tấn rác thải thực phẩm của Nhật Bản khiến nền kinh tế thứ 3 thế giới phải trả khoảng 2.000 tỷ yen (19 tỷ USD) mỗi năm. Với tỷ lệ lãng phí thực phẩm trên đầu người cao nhất ở châu Á, Chính phủ Nhật đã ban hành luật mới nhằm giảm một nửa chi phí như vậy vào năm 2030 và thúc đẩy các công ty, doanh nghiệp tìm giải pháp.

Tin cùng chuyên mục