
Những độc giả trung thành với Nguyễn Nhật Ánh lại cùng nhà văn đến với vùng cao nguyên núi đồi bí ẩn. Ở đó có một trường phù thủy là trường Đămri và vô số chuyện lạ lùng, vừa đáng sợ nhưng cũng vừa cực kỳ hấp dẫn. Hai cậu bé Nguyên và Kăply đang là những học sinh bình thường, tuy có nghịch ngợm, bỗng rơi vào một tình huống hết sức éo le: bị hai cậu bé cùng lứa dùng phép thuật biến hình và tráo vào xứ Lang Biang xa lạ, mang danh chính hai cậu học trò trường phù thủy Đămri: K’Brăk và K’Brêt, với bi kịch gia đình và mối đe dọa lớn đến từ những thế lực đen tối.
Những phù thủy ác đang tìm mọi cách giết hại K’Brăk, và những cuộc đấu trí, đấu phép liên tục diễn ra. Nguyên và Kăply sau khi không thể thanh minh về gốc gác thật của mình đành chấp nhận vào vai diễn bất đắc dĩ, bắt đầu nhập vào cuộc sống lạ thường mà các em chưa bao giờ hình dung.

Từ ăn uống, học hành, sinh hoạt, bè bạn, mọi quan hệ chung quanh..., các em đều phải học lại từ đầu. Khởi sự là bắt buộc, nhưng càng quen với môi trường mới và hiểu rõ những gì đang xảy ra, các em đã thay đổi, thực sự muốn làm điều gì đó cho những người chung quanh, cho cuộc sống mà các em bắt đầu thấy gắn bó và yêu mến.
Các em đã thực sự trở thành những học sinh tích cực của trường Đămri và là thành viên tích cực của Lang Biang, hòa nhập vào mọi biến cố lớn, nhỏ. Từng người thân trong gia đình, từng thầy cô, bạn học trong trường, từng con đường, quán xá... đều trở thành thân quen, các em chia sẻ vui buồn, thử thách cùng mọi người, không còn tìm cách trốn chạy để trở về cuộc sống cũ, tuy cũng có lúc nhớ nhà, nhớ bạn.
Với chất dí dỏm vốn có của mình, Nguyễn Nhật Ánh đã đan cài vào những trang đầy căng thẳng của phép phù thủy, của những âm mưu đáng sợ những chi tiết rất vui, khiến người đọc không thể không phì cười. Chỉ Nguyễn Nhật Ánh mới tạo ra nhân vật cậu bé phù thủy Suku-biết-tuốt với sản phẩm không hoàn chỉnh là chiếc áo tàng hình chỉ “tàng hình” được đến đầu gối, để hai ống chân tự do phơi ra trước cặp mắt của đối phương.
Chỉ Nguyễn Nhật Ánh mới đặt cho nhân vật những cái tên rất vui như thầy giáo Hailixiro (hai ly xi rô), các học trò Hailibato (hai ly ba tô) ham ăn, Bolobala (bô lô ba la) nói nhiều, đại phù thủy Mackeno (mặc kệ nó), hoặc bia Saydimi (say đi mi), đơn vị tiền tệ năpken (nắp keng)... Chỉ Nguyễn Nhật Ánh mới dựng nên nhân vật thầy Haifai là sự hợp nhất hai-trong-một của cặp vợ chồng nhà giáo phù thủy bị phép thuật làm biến tướng. Chỉ Nguyễn Nhật Ánh mới cho tấm gương lưu trữ nói dối suốt hai mươi bảy ngày trong tháng, và nếu không biết điều đó thì sẽ bị gương lừa suốt.
Cũng chỉ Nguyễn Nhật Ánh mới tạo ra công viên các thứ kẹo với đủ loại kẹo kỳ lạ trên đời, từ kẹo quát tháo, kẹo nhột, kẹo mọc sừng, kẹo ngứa, kẹo mót tiểu, cho đến kẹo hiện nguyên hình... Chuyện xứ Lang Biang vì thế tuy có làm người đọc liên tưởng đến Harry Potter, nhưng dấu ấn Việt Nam, dấu ấn Nguyễn Nhật Ánh vẫn rất rõ, nhất là những mối-tình-trẻ-con của Êmê với K’Brăk (tức Nguyên), giữa Mua với K’Brêt (tức Kăply), diễn biến tâm lý nhân vật hoàn toàn là của tuổi mới lớn đúng kiểu made-in-Nguyễn-Nhật-Ánh.
Sau Kính vạn hoa, một bộ sách nhiều tập rất được độc giả học trò yêu thích, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lại thử sức trong một đề tài đang được khai thác nhiều trong văn học cũng như trong điện ảnh nhiều nước và đã có những thành công vang dội. Giữa lúc bạn đọc nhỏ tuổi của Việt Nam đang khát loại sách đúng-của-lứa-tuổi-mình, đóng góp của Nguyễn Nhật Ánh rất đáng trân trọng. Chuyện xứ Lang Biang vẫn đang tiếp tục cuốn hút người đọc. Đó là món quà mà người lớn có thể yên tâm tặng cho những tin-tin trong gia đình và còn có thể đọc ké nữa.
NGÔ THỊ KIM CÚC