Theo hồ sơ, từ ngày 17-1 đến 18-2-2019, hai người này đã làm trái công vụ, không thực hiện đúng quy định về công tác kiểm tra địa bàn trong lĩnh vực xây dựng. Khi phát hiện 10 căn nhà, 9 móng nền nhà xây dựng không phép tại ấp 5A, xã Vĩnh Lộc A, cả hai đã không kịp thời lập hồ sơ xử lý. Quá trình giải quyết vụ án, có người dân khai đã chung chi cả trăm triệu đồng để được cán bộ làm ngơ xây nhà trái phép. Cũng có trường hợp khai đã chung chi tới 200 triệu đồng nhưng vẫn bị tháo dỡ nhà. Tuy nhiên, do các bị cáo phủ nhận và không có bằng chứng việc đưa, nhận tiền nên cơ quan chức năng chưa có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đưa, nhận hối lộ đối với hai bị cáo.
Phiên tòa được phát thanh trực tiếp trên đài phát thanh huyện để người dân theo dõi, mục đích chính nhằm tuyên truyền pháp luật ở một địa bàn huyện được coi là “nóng” về tình trạng xây dựng trái phép ở TPHCM. Tại tòa, các bị cáo thừa nhận đã làm không đúng quy trình nhưng khẳng định không vì vụ lợi, mà chỉ vì sợ mất thành tích, sợ bị kỷ luật. HĐXX nhận định sai phạm của hai bị cáo gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lý, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng. HĐXX tuyên mức án như trên để răn đe.
Trước phiên tòa này, liên quan đến tình hình xây dựng trái phép tại ấp 5A, một số cán bộ xã Vĩnh Lộc A cũng đã bị xử lý kỷ luật. Chủ tịch và phó chủ tịch UBND xã bị khiển trách do không kịp thời chỉ đạo xử lý vì không nhận được báo cáo của cán bộ phụ trách về trường hợp xây dựng không phép tại ấp. Từ phiên tòa này, có thể thấy xử lý xây dựng trái phép không chỉ là cuộc đấu tranh giữa chính quyền, cơ quan tố tụng với những tổ chức cá nhân sai phạm, mà còn là cuộc chiến không khoan nhượng trong bản thân mỗi cán bộ để giữ mình trong sạch trước những cám dỗ, áp lực từ bên ngoài…