Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Sắp được dàn xếp?

Tranh chấp hàng hóa
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Sắp được dàn xếp?

Tuần tới, Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến công du đến Mỹ. Giới quan sát nhận định một trong những nội dung của chuyến đi sẽ nhằm giải quyết các tranh chấp thương mại gay gắt trong thời gian qua. Chuyến công du diễn ra sau khi Tổng thống Barack Obama trong thông điệp liên bang 2012, một lần nữa khẳng định quan điểm cứng rắn với Trung Quốc: Tiếp tục đòi Bắc Kinh thay đổi chính sách tiền tệ để tạo sân chơi bình đẳng hơn đối với hàng hóa Mỹ.

Người Mỹ đăng ký tìm việc làm ở Los Angeles.

Người Mỹ đăng ký tìm việc làm ở Los Angeles.

Tranh chấp hàng hóa

Trong thông điệp liên bang 2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ trích Trung Quốc là nguyên nhân chính làm suy thoái kinh tế Mỹ cũng như tỷ lệ thất nghiệp cao ở Mỹ. Ông nhấn mạnh: “Tôi sẽ không chịu đựng khi đối thủ của chúng ta không chơi theo luật”. Ông Obama không nêu đích danh Trung Quốc nhưng ai cũng biết khi ông nói: “Hoàn toàn không đúng khi một nước để phim ảnh, nhạc và phần mềm của chúng ta bị sao chép lậu. Không công bằng khi các nhà sản xuất nước ngoài cạnh tranh hơn chúng ta vì họ được bảo hộ nhiều”.

Mới đây, Liên minh Các nhà sản xuất Mỹ (AAM) đã cáo buộc Trung Quốc trợ giá một cách trái phép cho lĩnh vực sản xuất phụ tùng xe hơi ở nước này, làm mất 400.000 việc làm tại các hệ thống cung cấp phụ tùng ô tô ở Mỹ và đe dọa hơn 1,6 triệu việc làm ở Mỹ. AAM và một số chính khách cao cấp đã mở một chiến dịch cáo buộc việc trợ giá của Trung Quốc đang đảo ngược nỗ lực phục hồi của ngành công nghiệp ô tô Mỹ và yêu cầu có hành động thương mại chống lại Bắc Kinh. Chiến dịch đã được tiến hành tại Quốc hội Mỹ khoảng 1 tuần sau khi Tổng thống Obama nói rằng ông sẽ tăng sức ép lên Trung Quốc và các nước khác trợ giá hoạt động xuất khẩu, đồng thời sẽ thành lập một cơ quan điều tra về các trường hợp này.

Giới chức Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang ngầm tấn công lĩnh vực phụ tùng ô tô của Mỹ, bằng cách hỗ trợ các nhà sản xuất nội địa. Theo AAM, hoạt động xuất khẩu phụ tùng Trung Quốc đã tăng hơn 900% trong một thập kỷ kéo dài tới năm 2010 và Chính phủ Trung Quốc đã hứa sẽ cung cấp thêm 11 tỷ USD hỗ trợ tương tự như vậy trong vòng thập kỷ tiếp theo.

Kiềm chế tỷ giá

Theo giới chức Mỹ, các nhà xuất khẩu Trung Quốc còn được lợi từ chính sách kiềm chế tỷ giá khiến tỷ giá của đồng NDT thấp hơn USD, gây hại tới thị trường Mỹ. Washington đã nhiều lần yêu cầu Bắc Kinh tăng giá đồng NDT theo thị trường và tố cáo Trung Quốc cố tình giữ giá thấp đồng nội tệ để kích thích nền kinh tế.

Cuối năm ngoái, trong phản ứng đồng nhất, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương Trung Quốc đã lên tiếng phản đối một dự luật của Mỹ nhằm buộc Trung Quốc phải để đồng NDT tăng giá, đồng thời cảnh báo việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật sẽ dẫn đến một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trong tuyên bố trên trang web chính thức của Chính phủ Trung Quốc ngày 4-10-2011, Bắc Kinh tố cáo dự luật vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), làm trầm trọng thêm vấn đề tỷ giá, làm suy giảm nghiêm trọng quan hệ kinh tế, thương mại Trung - Mỹ và suy yếu nỗ lực chung nhằm phục hồi nền kinh tế toàn cầu. Trước sức ép của Trung Quốc, Quốc hội Mỹ đã không thông qua dự luật này.

Giới quan sát cho rằng sau 2 năm các bên tăng cường những nỗ lực chống lại nhau, cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ ngày càng leo thang. Thời điểm chuyến thăm của ông Tập Cận Bình trùng với giai đoạn đầu trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, khi các ứng viên của đảng Cộng hòa chỉ trích chính quyền Dân chủ của Obama bị đe dọa bởi các vấn đề thương mại và tiền tệ từ Trung Quốc.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục