Đến hết ngày hôm nay, “cuộc đua” nguyện vọng 2 kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2010 sẽ kết thúc. Hơn 191.000 thí sinh có điểm thi trên điểm sàn sau một thời gian căng thẳng tìm kiếm cơ hội cho mình bắt đầu hồi hộp chờ đợi kết quả, dù biết rằng, cơ hội trong cuộc “vượt vũ môn” lần này không hẳn dành cho người giỏi. Bởi việc xét tuyển nguyện vọng 2 vào ĐH không theo bất kỳ một quy luật nào để thí sinh có thể tính toán được đường đi giữa ma trận quy tắc.
Người quan tâm đến tuyển sinh dễ dàng dự báo được hồi kết của kỳ tuyển này, sẽ có nhiều nước mắt của những thí sinh điểm cao nhưng do không phân tích được thông tin để bị rớt tức tưởi. Chỉ riêng một trường ĐH “top” giữa tại TPHCM có chỉ tiêu xét khoảng 3.000 thí sinh, nhưng đến chiều hôm qua, số hồ sơ được phòng đào tạo nhận được đã lên hơn 22.000 hồ sơ và lượng hồ sơ gửi qua đường bưu điện tiếp tục nườm nượp đổ về trong ngày cuối cùng này.
Vậy, chỉ riêng ở trường này sẽ có hơn 20.000 thí sinh vượt điểm sàn không còn cơ hội thực hiện giấc mơ giảng đường trong năm nay. Và như thế, việc Bộ GD-ĐT tuyển sinh ĐH theo phương án “3 chung” với mong muốn đáp ứng nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu không để thí sinh đạt điểm cao phải rớt ĐH đã không thực hiện được trong nhiều năm qua, vì yếu tố may rủi của “cuộc chơi” nguyện vọng 2 này.
Đó chỉ là bề nổi của hình thức tuyển sinh. Yêu cầu lớn nhất trong kỳ tuyển sinh ĐH là tuyển chọn tinh hoa và năng khiếu theo từng lĩnh vực để phục vụ nguồn nhân lực chất lượng cao cho quốc gia đã không được thực hiện tốt.
Nhìn lại các buổi tư vấn tuyển sinh mà các báo tổ chức trước đợt xét tuyển nguyện vọng 2 vừa qua, có thể thấy, đa số thí sinh thắc mắc về điểm số của trường, ngành xét tuyển nguyện vọng 2 chứ hiếm thấy có thí sinh thắc mắc về việc ngành nghề ở nguyện vọng 2 có thật sự phù hợp với nguyện vọng của bản thân không. Và kết quả của xu hướng này dẫn đến việc hiệu suất đào tạo không cao và mất cân đối lao động giữa các ngành nghề.
Một cán bộ tuyển sinh của ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, hàng năm số lượng học sinh phổ thông có nguyện vọng thi tuyển vào học trong các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM rất lớn. Và mặc dù phải trải qua kỳ thi tuyển sinh đầu vào từ nguyện vọng 1 đến nguyện vọng 2 hết sức gắt gao nhưng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp từ các trường ĐH thành viên chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 60% - 70%. Các trường ĐH lớn khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Tỷ lệ sinh viên “hao hụt” trong quá trình đào tạo ở các trường ngoài công lập còn bi đát hơn.
Theo một cuộc điều tra của nhóm các nhà khoa học ĐH Quốc gia TPHCM, mặc dù có đến 88% sinh viên hào hứng thi vào ĐH này nhưng trong quá trình học, có đến 34,5% dứt khoát muốn bỏ ngành học hoặc dao động. Các nhà nghiên cứu cho rằng, một khi sinh viên buộc phải chọn ngành học mình không thích thì sẽ mang tâm lý nặng nề, vì phải đeo đuổi điều mà mình không muốn gắn bó, không có nhiệt tình để dốc toàn tâm, toàn sức cho nghề nghiệp sau này.
Và theo nghiên cứu này, trong quá trình học, tỷ lệ sinh viên không yêu ngành học phần lớn là sinh viên năm thứ 3, vì đây là năm học mà sinh viên bắt đầu bước vào giai đoạn chuyên ngành và nhận thức được nghề nghiệp tương lai của mình. Nhưng hối thì đã muộn…
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chọn nguyện vọng 1 lệch hướng đã đành, mà việc “vớt cú chót” ở nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 cũng là con dao hai lưỡi. Việc chuyển đổi nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 có thể sẽ triệt tiêu sở thích trong hướng nghiệp của thí sinh. Nếu thiếu 1 - 2 điểm, cho dù thích và gắn bó lâu dài với ngành mình chọn, thí sinh vẫn phải nhường chỗ cho những trường hợp khác cao hơn 1 - 2 điểm nhưng rớt nguyện vọng 1 vào học.
Ngược lại, các thí sinh không thích ngành theo nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 nhưng buộc phải chọn vì cần một chỗ trú chân tạm bợ nên trong đầu không có chút gì tâm huyết với ngành nghề đó. Về lâu dài, điều này không tạo được sự yêu thích ngành nghề của học sinh mà chỉ phục vụ cho mong muốn có một chỗ học ở các trường ĐH. Nguy cơ lớn hơn nữa là gây nên sự mất ổn định trong đào tạo của một số ngành, số trường vì sinh viên chỉ “tạm trú” trong năm học đầu tiên trong khi chờ đợi thi lại vào kỳ tuyển sinh năm sau.
Nghịch lý về một cuộc đua mà cái đích ít ai muốn đến này sẽ tiếp tục làm mất sức cho xã hội nếu “đường đua” năm sau không được nắn chỉnh.
PHƯƠNG ĐÔNG