“Xin chào quý khách đến với ngân hàng chúng tôi”! Đó là lời chào của 3 nhân viên mặc đồng phục tươm tất đứng ngay cửa ra vào chi nhánh Ngân hàng Mizuho ở quận Tanashi thuộc thành phố Tokyo. Ở đây, các nhân viên thân thiện, nhiều kinh nghiệm đứng đó để sẵn sàng giúp khách điền vào các mẫu đơn để mở tài khoản, để rút tiền, chuyển tiền hoặc vay vốn. Những quy trình như vậy đòi hỏi rất nhiều giấy tờ và mất thời gian.
Tuy nhiên, những ngày này, hầu hết khách hàng đều đi ngang qua 3 nhân viên đứng đợi ở cửa ra vào và tiến thẳng tới 8 buồng ATM để thao tác hoặc đến 3 chiếc máy cập nhật các hoạt động của sổ tiết kiệm. Nhiều khách hàng cũng chẳng cần đến chi nhánh ngân hàng nào hết mà họ chỉ thực hiện các thao tác của ngân hàng trực tuyến.
Theo báo Nikkei, mặc dù giao dịch ngân hàng trực tuyến đã phát triển mạnh, nhưng trải nghiệm của các ngân hàng bán lẻ trực tuyến ở Nhật dường như chẳng thay đổi từ một hay 2 thập kỷ trước. Họ vẫn muốn quan tâm đến từng khách hàng. Các cuốn sổ tiền gửi dày cộm và chứa nhiều thông tin mật vẫn được đánh giá là biểu hiện của chất lượng các ngân hàng Nhật Bản, thậm chí ngay cả khi khách hàng không quá chú ý đến dịch vụ này.
Những dấu hiệu này bắt đầu thay đổi. 3 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản vừa thông báo kế hoạch đóng cửa nhiều chi nhánh, loại bỏ hàng ngàn vị trí và đưa vào hệ thống tự động hóa. Đây là những bước đi khắc nghiệt trong một nền công nghiệp nơi mà nhân viên được hy vọng sẽ có được việc làm trọn đời. Không còn cách nào khác khi nước Nhật tồn tại tình trạng thừa mứa quá mức ngân hàng, còn lợi nhuận thu về không là bao.
Các nhà phê bình chỉ trích rằng các ngân hàng đã không dịch chuyển đủ nhanh để chuẩn bị đón đầu làn sóng công nghệ số. Một giám đốc điều hành nhân sự cấp cao cho biết các ngân hàng Nhật Bản đang phải trải qua một cuộc “khủng hoảng thầm lặng”.
Trong khi đó, ông Raymond Spencer, Phó Chủ tịch cấp cao dịch vụ đầu tư của Moody ở Nhật Bản, cho biết, các ngân hàng nhỏ lẻ hoạt động nhiều hơn để hướng tới các dịch vụ giống như những cửa hàng tiện lợi. Ngân hàng không phải là một doanh nghiệp phức tạp, đặc biệt là ngân hàng bán lẻ. Giờ mở cửa giao dịch của các ngân hàng Nhật Bản thường ngắn, chủ yếu từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều trong ngày làm việc. Đây là sự lỗi thời trong thời đại kỹ thuật số. Ông Raymond Spencer thắc mắc: “Tại sao các chi nhánh mở cửa vào khung giờ mà không ai có thể đến giao dịch?”. Tại Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ, ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, số khách có thể đến các chi nhánh đã giảm 40% trong 1 thập kỷ qua, trong khi con số người sử dụng giao dịch ngân hàng trực tuyến lại tăng lên 40% trong 5 năm qua.
Ngành ngân hàng Nhật Bản đang trải qua giai đoạn khó khăn khi mang gánh nặng kép của tăng trưởng thấp và lãi suất thấp. Với dân số ngày càng giảm dần, thì số lượng khách hàng cũng sẽ giảm. Tuy nhiên, số lượng chi nhánh ngân hàng đã không thay đổi trong 10 năm qua, vẫn dao động khoảng 13.500. Với mỗi chi nhánh ngân hàng có khoảng 30 nhân viên, thì việc thu hẹp lại hoặc giải thể sẽ đồng là cắt giảm rất nhiều vị trí. Báo Nikkei nhận định, nếu không thay đổi, ngành ngân hàng Nhật Bản có thể rơi vào tay đối thủ ngoại.