Vòng chung kết cuộc thi Prudential - Văn hay Chữ tốt khu vực TPHCM năm 2014 vừa được tổ chức tại Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1. Đề thi khối 6-7 và khối 8-9 đều ra theo một mô típ: Một đoạn văn hay, cảm xúc, thí sinh phải đọc kỹ để cảm nhận và làm bài theo chủ đề mà đề thi yêu cầu. Đề khối 6-7 yêu cầu viết bài văn với chủ đề “Cuộc sống qua trái tim yêu thương”. Trong khi đó chủ đề của khối 8-9 là “Yêu thương - gần và xa”. SGGP thứ bảy xin chia sẻ cùng bạn đọc cảm nhận của các thí sinh qua một số bài viết đoạt giải cao từ cuộc thi này.
Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong trao giải nhất khối 6-7 cho em Nguyễn Khánh Ly, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Nhà Bè. Ảnh: MAI HẢI
Có thể nói, “yêu thương” là chủ đề xuyên suốt của đề thi cả 2 khối thi 6-7 và 8-9. Để trải lòng mình bằng những cảm xúc thật từ rung động của con tim, các em phải là người có cái nhìn sâu sắc về cuộc sống xung quanh, phải có một khả năng cảm thụ và tư duy văn học tuyệt vời. Thật bất ngờ, những suy nghĩ, những cảm nhận, quan niệm về lòng yêu thương con người được các em thể hiện trong bài viết hết sức mượt mà, sâu lắng, nhân văn… Hãy nghe em Lâm Quang Quỳnh Anh, học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, giải nhất khối lớp 8-9 chia sẻ: “Yêu thương bắt đầu từ việc biết ơn và kính trọng cha mẹ, từ cách bạn mang ơn và quý trọng chữ nghĩa của thầy cô, từ cách ăn nói vui vẻ và nụ cười sáng tươi trao cho bạn bè mỗi ngày. Yêu thương những gì thân yêu, bé nhỏ, như đóa lay-ơn vàng rực nơi cửa sổ mỉm cười với bạn mỗi sáng, như tiếng gió vi vu nhẹ nhàng, cuốn bay vơi dần những âu lo, ưu tư; như ánh nắng tươi hồng gởi trao vào tâm hồn bạn những lời thì thầm ấm áp”. Quan niệm về yêu thương của lứa tuổi học trò sao mà đẹp, mà đáng yêu đến vậy. Cha mẹ, bạn bè, cuộc sống xung quanh, thiên nhiên tươi đẹp gần gũi một cách tự nhiên với con người, cái gì cũng thật đáng yêu, đáng quý. Nếu không có một trái tim ấm, một tâm hồn đẹp thì làm sao các em có thể nhìn cuộc đời tươi vui đến thế.
“Có bao giờ bạn nghe được tiếng lá rơi, thấy được chồi non mới nhú, hay bạn đã nắm lấy đôi bàn tay gầy gò của mẹ, hôn lên đôi mắt đầy nếp nhăn của cha để cảm nhận họ đang già đi không? Bạn đã lắng nghe tiếng chim hót chào ngày mới, lắng nghe tiếng rao ngoài ngõ, lắng nghe tiếng rì rào trên cánh đồng quê?” (Nguyễn Phương Bảo Ngọc, học sinh Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp, giải ba khối lớp 6-7).
Để rồi, như một lời tâm sự, trách cứ những vô cảm, hờ hững của con người: “Guồng quay tất bật của cuộc sống cứ thế cuốn ta đi mãi, cuốn vào những lo toan cơm áo gạo tiền và nhịp chân hối hả đuổi theo công việc… Khi ta mệt mỏi dừng lại, chính vòng quay ấy sẽ hất vội ta ra một cách lạnh lùng”. Như một lời triết lý, em đã hướng người đọc trở lại với tình yêu thương con người, để rồi tự hỏi: “Sao bạn không dừng lại mua giúp bà lão hàng rong một ít thứ để trao bà ấy những yêu thương bạn có? Sao bạn không hỏi thăm, tìm hiểu hoàn cảnh xót xa của cậu bạn cùng lớp, một cách để sẻ chia yêu thương? Sao bạn không cảm thông cho nỗi vất vả, khổ cực của cha mẹ, nỡ để mặc nỗi buồn cha mẹ lớn dần lên theo sự vô tâm, vô cảm của mình?”.
Tổng Giám đốc Công ty BHNT Prudential VN Wilf Backburn trao giải nhất khối 8-9 cho em Lâm Quang Quỳnh Anh, Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3. Ảnh: MAI HẢI
Đồng cảm với suy nghĩ này, em Nguyễn Khánh Ly, học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Nhà Bè, giải nhất khối lớp 6-7, viết: “Bằng trái tim yêu thương, tôi thấy được nỗi vất vả của cha mẹ. Tôi thấy người cha yêu dấu vẫn miệt mài làm việc dưới trời nắng gắt, đổi lấy đồng lương ít ỏi nuôi sống gia đình. Nước da cha đen sạm, khuôn mặt gầy gò đến hốc hác. Nhưng cha chẳng bao giờ buông lời than vãn. Chỉ có những tiếng thở dài khe khẽ khi đêm về. Và tôi thấy người mẹ tôi hằng yêu kính vẫn tảo tần chăm sóc cho gia đình. Mặc cho những cơn mưa Sài Gòn vẫn hay vô tình đổ xuống trên con đường mẹ đi làm về. Mặc cho tấm áo khoác mỏng manh không thể chống chọi lại với cái lạnh se sắt của mùa đông. Mẹ vẫn miệt mài lao động, vẫn lo cho tôi từng miếng cơm manh áo, cho tôi được đến trường”. Còn nỗi niềm nào lắng sâu hơn nữa, khi “Bạn cứ bước đi, nhưng hãy biết dừng lại trao yêu thương. Mỗi bến đỗ gần xa, có thể là mái nhà thân thương, có thể là mái trường thân thuộc, có thể là một cô nhi viện hay một nhà dưỡng lão… khuấy động trái tim nhạy cảm của bạn. Bạn đã để lại những gì nơi bến đỗ yêu thương ấy? Hãy lưu giữ đốm lửa yêu thương cho những ai đó gần gũi bên bạn, và truyền những yêu thương bạn có đến những nơi xa hơn, đến tất cả mọi người” (Lâm Quang Quỳnh Anh, học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, giải nhất khối lớp 8-9).
Đọc các bài viết của thí sinh đoạt giải trong cuộc thi năm nay, chúng tôi thật sự vui mừng khi phần lớn các em đều có suy nghĩ tốt, đúng đắn về lòng yêu thương con người. Quan niệm về tình yêu quê hương, gia đình, bạn bè luôn được các em suy nghĩ theo chiều hướng tích cực, không ủy mị, ba phải, chung chung. Các em đã biết đặt trái tim đúng chỗ để chia sẻ tình thương của mình cho những gì đáng yêu, đáng trân trọng nhất.
“Cuộc sống là bức tranh lung linh trong mắt tôi, là bản nhạc trầm bổng qua tai tôi, và có lẽ nó là cuộc sống yêu thương trong trái tim tôi… “Tiểu thuyết” cuộc đời tôi rất nhiều trang, nhưng tôi dành một trang dài nhất cho đấng sinh thành là cha mẹ… Cuộc sống có bao lâu mà không yêu thương! Đó là ý nghĩa sự ra đời của bạn và tôi!” (Nguyễn Phương Bảo Ngọc, học sinh Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp, giải ba khối lớp 6-7).
Không chỉ ca ngợi cuộc sống, con người với những điều tốt đẹp, dưới cái nhìn cuộc đời của tuổi mới lớn, dù có non nớt, vô tư nhưng lắng sâu trong đó là cả một nỗi buồn đau đáu cho những phận người không may, những mảnh đời bất hạnh: “Nếu như trái đất này hình vuông thì con người sẽ có các góc cạnh để ẩn náu, nhưng vì nó hình cầu, nên chúng ta lại phải đối mặt với cuộc đời. Mà bạn biết đấy, cuộc đời đâu phải là một khu vườn hoa thơm cỏ ngát, và ở đó đâu phải bông hoa nào cũng mang màu sắc tươi sáng, rực rỡ, cánh hoa nào cũng mềm mại như miếng lụa đào… Đâu đó trong khu vườn ấy, có những cành hoa ly mềm yếu, vẫn đang vẫy gọi những người bạn quan tâm đến mình; có những bụi hồng đang đau khổ, khóc thương cho những cánh hoa hồng vừa tàn; có những chậu cây xương rồng luôn phải chống chọi với khí hậu khắc nghiệt”… (Bùi Bảo Trúc, học sinh Trường THCS Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, giải nhì khối lớp 8-9). Đáng quý biết chừng nào những trăn trở, nghĩ suy hồn nhiên nhưng đầy trách nhiệm với cuộc sống ấy của các em.
Vượt qua 192 thí sinh được tuyển chọn từ các trường THCS toàn thành phố, 2 thí sinh Nguyễn Khánh Ly, học sinh lớp 7 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Nhà Bè và Lâm Quang Quỳnh Anh, học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3 đã xuất sắc đăng quang giải nhất. Thông điệp 2 “vòng nguyệt quế” tuổi mới lớn chia sẻ cùng tất cả mọi người là: “Bằng trái tim yêu thương, tôi cảm nhận được tấm lòng nhân ái vẫn tồn tại và được nuôi dưỡng. Và tôi cũng hiểu ra rằng, một lời nói, một cái nắm tay cũng khiến cho người ta ấm lòng giữa không khí lạnh buốt đêm sương” (Nguyễn Khánh Ly) và “Gởi trao yêu thương khắp mọi miền gần gũi, xa xôi, chờ đợi bạn luôn là những ánh cầu vồng!” (Lâm Quang Quỳnh Anh). |
KIỀU PHAN