Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại TPHCM: Tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ

Chiều 18-5, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, quận huyện lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo sơ kết một năm thực hiện chương trình hành động của TPHCM về cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và kế hoạch công tác trong năm 2011.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại TPHCM: Tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ

(SGGP). - Chiều 18-5, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, quận huyện lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo sơ kết một năm thực hiện chương trình hành động của TPHCM về cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và kế hoạch công tác trong năm 2011.

Chọn mua áo do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất tại một cửa hàng ở Tân Bình. Ảnh: THANH TÂM

Chọn mua áo do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất tại một cửa hàng ở Tân Bình. Ảnh: THANH TÂM

Theo các đại biểu, CVĐ của Bộ Chính trị là một chủ trương đúng đắn và cần thiết, tạo được sự đồng tình của dư luận xã hội với ý nghĩa chính trị sâu sắc. Theo đó, nhiều hình thức hoạt động phong phú, sáng tạo, thiết thực, trong đó có vai trò quan trọng của các cơ quan truyền thông đã cổ động ý thức ưu tiên dùng hàng Việt trong mỗi người dân.

Hơn một năm chưa phải là dài để triển khai một chương trình lớn, có ý nghĩa quyết định đến sự sống còn của hàng Việt trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là VN đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Thế nhưng, kết quả mang lại từ CVĐ lại vô cùng to lớn. Ý thức tiêu dùng của người dân đã có những chuyển biến bước đầu, có niềm tin vào khả năng sản xuất và kinh doanh của các DNVN, vào chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ VN. Hiện đã có 58% người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt. Riêng tại hệ thống siêu thị Co.opMart, trong năm 2010, hàng Việt tiêu thụ tăng lên 58% so với cùng kỳ, trong khi hàng ngoại nhập chỉ tăng 22%.

Về phía doanh nghiệp (DN), CVĐ đã mở ra cơ hội vàng để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng. Nhiều DN đã nắm bắt được cơ hội và đã nỗ lực phấn đấu để khẳng định vai trò, trách nhiệm và năng lực sản xuất của mình đối với thị trường và người tiêu dùng trong nước.

Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm chế biến sẵn do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Ảnh: THÀNH TÂM
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm chế biến sẵn do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Ảnh: THÀNH TÂM

Bên cạnh thành công, các đại biểu đã chỉ ra những mặt hạn chế, yếu kém, đó là vẫn còn một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ yêu cầu của CVĐ nên việc chỉ đạo chưa tập trung, thường xuyên. Một lượng không nhỏ hàng gian, hàng giả, kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường đã làm giảm uy tín của hàng Việt, gây khó khăn trở ngại cho việc đầu tư, sản xuất của các DN chân chính. Tâm lý sính hàng ngoại còn tồn tại ở một bộ phận người dân nên công tác tuyên truyền chưa thông suốt. Đặc biệt, lãi suất ngân hàng quá cao đã làm giảm khả năng cạnh tranh về giá của hàng Việt so với hàng ngoại nhập.

Phát biểu kết luận và chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng cho rằng, mục tiêu chương trình đặt ra trong năm 2011 là phải đi vào chiều sâu, tạo thành phong trào hành động của các tầng lớp nhân dân, của các DN. Theo đó, TPHCM sẽ tập trung cho vấn đề chính là thông tin truyền thông, tổ chức thường xuyên, định kỳ, có chuyên đề chuyên trang cụ thể để tạo dấu ấn cho bạn đọc. TPHCM cũng sẽ tổ chức giải báo chí cũng như các giải thưởng về văn hóa văn nghệ liên quan đến chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm tạo sức lan tỏa để chương trình ngày càng có hiệu quả cao. Sau cuộc họp, mỗi đơn vị, sở, ngành cần có kế hoạch triển khai công việc năm 2011 một cách cụ thể.

THUÝ HẢI

Tin cùng chuyên mục