Cuối năm 2015, 100% hộ dân TPHCM có nước sạch

“Cuối năm 2015, thành phố phải hoàn thành mục tiêu 100% hộ dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh”. Đó là nội dung được Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh tại cuộc họp về kế hoạch thực hiện cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh trên địa bàn TP ngày 20-6.
Cuối năm 2015, 100% hộ dân TPHCM có nước sạch

“Cuối năm 2015, thành phố phải hoàn thành mục tiêu 100% hộ dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh”. Đó là nội dung được Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh tại cuộc họp về kế hoạch thực hiện cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh trên địa bàn TP ngày 20-6. 

Hơn 350.000 hộ dân chưa được sử dụng nước sạch

Bác Võ Văn Hổ, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, cho biết mặc dù ở cách xa nghĩa trang Bình Hưng Hòa, nhưng những năm gần đây nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng. Do chưa có đường ống cung cấp nước máy nên nhiều hộ dân ở đây vẫn phải sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt, thậm chí dùng làm nước uống hàng ngày. Giếng khoan của gia đình bác trước đây nguồn nước khá tốt, nhưng 3 năm gần đây nước bơm lên không thể sử dụng được vì có mùi. Theo người dân khu vực này, phần lớn giếng khoan đều bị ô nhiễm nhưng cũng phải dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Chỉ có những hộ dân có điều kiện mới lắp nước máy để sinh hoạt và mua nước bình để uống. Những hộ chưa có nước máy phải đi xin hoặc mua thêm nước máy để dùng kèm với nước giếng. Tình trạng người dân phải dùng nước giếng khoan, thậm chí nước bơm từ kênh rạch vẫn khá phổ biến tại các quận ven, huyện ngoại thành. Những năm trước nước giếng còn trong, nhưng gần đây nước đã bị ô nhiễm.

Theo Sở GTVT TPHCM, tổng số hộ dân trên địa bàn TP là 1.874.114 hộ, trong đó có 1.515.763 hộ được sử dụng nước sạch. Số hộ dân chưa sử dụng nước sạch (đang sử dụng nước từ các nguồn nước khác như giếng khoan, nước mưa…) còn 358.351 hộ, tập trung ở các quận, huyện vùng ven. Kiểm tra chất lượng nước đối với các hộ dân chưa được sử dụng nước sạch tại 1.400 điểm thuộc 7 quận, huyện (gồm Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, quận 12, Bình Tân, Thủ Đức) đều không đạt quy chuẩn của Bộ Y tế.

Kiểm tra bảo đảm chất lượng nước cung cấp cho người dân tại Nhà máy nước Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: KIM NGÂN

Xã hội hóa đầu tư nước sạch

Để đạt mục tiêu phủ nước sạch đến 100% hộ dân, TP cần 5.000 tỷ đồng. Do nguồn kinh phí quá lớn, nên sẽ phải xã hội hóa một số khu vực do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII) đầu tư, TP sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để tập trung phát triển mạng lưới cấp nước, xây dựng trạm cấp nước tập trung, lắp đặt bồn chứa nước tập trung, lắp đặt thiết bị xử lý Nano. Mục tiêu của TP đến cuối năm 2015, phấn đấu đạt 100% hộ dân được sử dụng nước sạch hoặc nước hợp vệ sinh.

Thời gian qua, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ các công trình cấp nước cho vùng ngoại thành, TPHCM đã có chủ trương xã hội hóa cấp nước nông thôn, cụ thể như việc đồng ý cho Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn làm chủ đầu tư thực hiện Đề án xã hội hóa đầu tư phát triển, quản lý hệ thống cấp nước và phân phối nước sạch trên địa bàn huyện Củ Chi. Giai đoạn 2016-2019, sẽ tiến hành xã hội hóa rộng rãi để nhiều nhà đầu tư tham gia. Hiện nay, CII, Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh nước sạch Sài Gòn, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Phú Mỹ Vinh… đang đề xuất các dự án đầu tư cung cấp thêm nguồn nước sạch đạt  công suất 300.000m³/ngày.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín, hiện tại, TP đang gặp hai vấn đề nan giải, gồm nhân lực (khối lượng công việc lớn, tập trung giải quyết trong một năm…) và nguồn lực (ngân sách không tăng thêm nhưng thực tế phải chi cho nhiều hạng mục), do vậy, để đạt mục tiêu cuối năm 2015, 100% hộ dân có nước sạch và nước hợp vệ sinh, TP sẽ huy động nhiều giải pháp. Cụ thể sẽ đầu tư 1.256km hệ thống mạng phân phối nước, giải quyết thêm cho 116.700 hộ dân có nước sạch. Những nơi chưa đầu tư được mạng nước máy, cần xây dựng hệ thống cấp nước hợp vệ sinh, cung cấp cho khoảng 13.000 hộ dân. Đối với nơi chưa có mạng phân phối nước, trạm bơm, sẽ lắp đặt bồn chứa nước. Trong điều kiện tối đa, có thể lắp được 1.500 bồn. Nếu không thực hiện được các giải pháp trên, thì phải lắp đặt hệ thống xử lý tại hộ gia đình. Tuy vậy, cho dù người dân có sử dụng nguồn nước nào đi chăng nữa, đầu ra cũng phải đảm bảo một tiêu chuẩn và giá nước áp mức 5.300 đồng/m³

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, nhấn mạnh: “Việc thực hiện phải tiến hành đồng bộ, vướng mắc chỗ nào gỡ rối chỗ đó. Riêng tỷ lệ báo cáo 100% hộ dân TP tính đến cuối năm 2015 sử dụng nước sạch cần phải chính xác, tránh để lọt dù chỉ một hộ dân. Cần phải công bố cho dân biết kết quả kiểm định chất lượng nước để chủ động phương án sử dụng phù hợp. Các cơ quan thông tin đại chúng, Sở Y tế… đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân nhận biết được mối nguy hại từ việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo. Nếu không tuyên truyền tốt, công tác xã hội hóa sẽ bị thất bại”.

QUỐC HÙNG - THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục