Cuối năm, nóng chuyện pháo lậu

Bắt không xuể
Cuối năm, nóng chuyện pháo lậu

Càng về cuối năm, hoạt động mua bán, vận chuyển pháo nổ, pháo lậu tại các đường mòn, lối mở nằm dọc các cung đường biên giới phía Bắc càng thêm nóng bỏng.

Các lô pháo lậu nhập từ Trung Quốc vừa bị lực lượng thuộc Đồn biên phòng cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) tịch thu, chờ tiêu hủy.

Các lô pháo lậu nhập từ Trung Quốc vừa bị lực lượng thuộc Đồn biên phòng cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) tịch thu, chờ tiêu hủy.

Bắt không xuể

Dẫn chúng tôi lên khu vực đường mòn, lối mở chằng chịt như mạng nhện nằm sát hai bên cánh gà cửa khẩu Cốc Nam (Đồng Đăng - Lạng Sơn), thượng úy Đào Công Ngọc, Phó trạm Biên phòng Cốc Nam, cho biết: “Từ tháng 10-2012 đến nay, anh em biên phòng và hải quan chúng tôi phải “nằm rừng ngủ lán” để phối hợp canh hàng lậu, pháo lậu. Vậy mà các đối tượng buôn bán pháo vẫn tìm mọi sơ hở để tuồn pháo từ bên kia vào nội địa”.

Theo thượng úy Ngọc, chỉ sau mỏm núi đá kia là chợ Lũng Vài (Trung Quốc), mua bao nhiêu pháo cũng có, giá lại rất rẻ, nên các đầu nậu có thể mua rồi thuê “cửu vạn” đưa qua biên giới đem về nội địa tiêu thụ. Do giá một bánh pháo nổ khi đem về xuôi lên tới hàng trăm ngàn đồng, nên mặc dù nhiều vụ pháo lậu đã bị lực lượng biên phòng bắt giữ, nhưng dân buôn lậu vẫn không chùn bước.

Tại Đồn biên phòng cửa khẩu Tân Thanh, trời đã tối, thượng tá Phạm Quốc Huy, Đồn trưởng cũng vừa cùng anh em biên phòng tổ chức đi “đuổi” pháo lậu về. Ông bảo, tuần nào cũng có pháo lậu tuồn sang, bắt không xuể, tại kho lưu giữ tang vật của đồn, hiện đã chất đầy hàng lậu, pháo lậu chờ tiêu hủy.

Tại khu vực TP Móng Cái (Quảng Ninh), thượng tá Nguyễn Trần Hòe, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Bắc Sơn (số 7), cũng cho biết: “Càng về cuối năm, pháo lậu từ bên kia tràn sang địa bàn Móng Cái càng nhiều, việc chống pháo lậu càng phức tạp”.

Tìm hiểu từ các cơ quan chức năng, được biết khoảng 2 - 3 tháng nay, liên tục phát hiện pháo lậu. Rạng sáng 24-10, Chi cục QLTT phối hợp cùng Công an tỉnh Hải Dương phát hiện một xe tải chở 102kg pháo các loại. Gần đây, Công an TP Hà Nội bắt vụ chở gần 500kg pháo được chứa trong 18 bao tải trên một xe khách chạy tuyến Cao Bằng - Lâm Đồng. Tuy nhiên, mẻ lớn nhất phải kể tới 2 tấn pháo lậu bắt giữ tại tỉnh Quảng Ninh vào ngày 23-10 vừa qua. Đây là một trong những vụ thu giữ pháo lậu lớn nhất trong năm 2012 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Theo thông tin từ công an, sau khi nhận tin báo của nhân dân về việc tại cống số 1, trên bờ đê chắn sóng, thuộc thôn 4, xã Hoàng Tân - thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), có một thuyền đang bốc hàng hóa lên ô tô với nhiều dấu hiệu đáng ngờ. Ngay lập tức, Công an thị xã Quảng Yên cùng với Công an xã Hoàng Tân đến hiện trường thì chiếc thuyền đã rời khỏi bến.

Phát hiện lực lượng công an, 2 đối tượng trên bộ liền cho xe bỏ chạy, nhưng được một đoạn thì xe đâm vào bờ đê. 2 đối tượng lập tức bỏ hàng hóa và xe ô tô lại để tháo thân. Tại hiện trường, một xe Ford Transit 15 chỗ ngồi 29B-047.49 màu ghi vàng và 1.807kg pháo nổ có nguồn gốc từ Trung Quốc bị tạm giữ.

Tiếp tục điều tra, mới đây cơ quan công an đã xác định có tới 8 đối tượng liên quan, trong đó các đối tượng bỏ trốn gồm: Lê Thế Phương, 35 tuổi, trú tại thị trấn Quảng Hà, Hải Hà (Quảng Ninh); Nguyễn Biên Cương (33 tuổi, trú tại phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh, Hải Dương); Lã Hồng Đăng (40 tuổi, trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn). Thủ đoạn của các đối tượng thường sử dụng 5 ô tô, trong đó 2 xe đi trước có nhiệm vụ cảnh giới, số còn lại chở pháo về khách sạn Long Hải ở Mạo Khê, Đông Triều (Quảng Ninh) rồi tiếp tục vận chuyển đến các tỉnh lân cận tiêu thụ.

Cũng do thu gom và tàng trữ pháo, vào ngày 17-11, tại phường Hà Tu, TP Hạ Long - Quảng Ninh đã xảy ra vụ nổ lớn ở nhà riêng làm 1 người chết, 1 người bị thương. Khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng xác định đây là vụ tàng trữ pháo với số lượng lớn, trên 2 tấn nhập lậu từ Trung Quốc.

Chính quyền phải chịu trách nhiệm

Càng gần cuối năm, tình hình buôn bán, vận chuyển, đốt pháo càng đáng báo động. Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an), cho biết tình trạng vận chuyển, buôn bán, sử dụng pháo vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Theo ông Vệ, không phải chỉ đến dịp cận tết, đối tượng buôn lậu mới đưa pháo về mà ngay từ đầu năm đã “găm” hàng để tới tết bung ra bán.

Ông cho rằng: “Nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tiền lệ nguy hiểm: sản xuất pháo lậu trong nước”. Theo tìm hiểu, khoảng 2 - 3 năm lại đây, đối tượng buôn lậu thường chuyển sang thủ đoạn vận chuyển pháo vào nội địa từ cách Tết Nguyên đán 2 - 3 tháng, thậm chí từ tháng 7 - 8. Có năm, từ tháng 3 - 4, cơ quan chức năng đã tóm được mẻ pháo lậu. Điều đó cũng cho thấy, do lợi nhuận từ buôn bán pháo đem lại rất lớn nên các đối tượng, đầu nậu không bỏ qua bất cứ thủ đoạn nào để tuồn pháo vào nội địa.

Mặc dù hiện nay, từ cửa ngõ biên giới về tới vùng xuôi, lực lượng kiểm soát bố trí dày đặc, nhưng vẫn không thể ngăn chặn được. Vì thế, có những vụ khi pháo vào tận miền Trung, miền Nam thì cơ quan chức năng mới phát hiện, như vụ bắt 30 thùng pháo lậu tại Km 473 quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh, thuộc xã Vinh Quang, TP Kon Tum) vào ngày 17-12. Đơn vị phát hiện là Đội CSGT số 1 Công an tỉnh Kon Tum. Tài xế xe khách 97B-000.18 chạy tuyến Bắc Kạn - Bình Phước là Phạm Văn Minh khai nhận: có một khách hàng ở tỉnh Thái Nguyên nhờ chở thùng hàng bên ngoài ghi “chè đóng gói, xin nhẹ tay” vào tỉnh Đắk Lắk để giao cho một người tên Hương, nhưng bên trong lại là pháo lậu.

Và cũng phải thừa nhận rằng, mặc dù nhiều vụ pháo lậu đã bị triệt phá, nhưng thường cứ đến giao thừa Tết Nguyên đán, pháo vẫn nổ ở nhiều nơi. Điều đó chứng tỏ còn nhiều pháo lậu lọt “lưới”. Vì thế, nhiều đơn vị biên phòng, hải quan cửa khẩu đề nghị, bên cạnh vai trò của các cơ quan kiểm soát ở tuyến đầu, để ngăn chặn pháo hiệu quả hơn, chính quyền cơ sở ở các địa phương cũng cần tích cực vào cuộc, vận động bà con không sử dụng pháo. Khi cầu không còn thì nguồn cung ắt sẽ giảm.

Để tăng cường công tác kiểm soát pháo lậu trong dịp Tết Quý Tỵ năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và cơ quan liên quan tăng cường thực hiện Nghị định số 36/CP về việc quản lý, sử dụng pháo. Trong đó nêu rõ: “Địa phương nào buông lỏng chỉ đạo, không kiên quyết ngăn chặn, xử lý triệt để các vi phạm về pháo thì chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ”.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố, các cấp chính quyền, nhất là cấp xã, phường tăng cường phối hợp với MTTQ và các đoàn thể, quần chúng ở địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân; tổ chức ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về cấm sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép; chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trần Phúc - Khánh Nguyễn

Tin cùng chuyên mục