Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm thừa nhận chưa làm hết trách nhiệm

Ngày 27-12, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét đơn kháng cáo của 4 bị cáo trong vụ thâu tóm "đất vàng" tại Bình Dương.

Các bị cáo làm đơn kháng cáo, gồm: Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương), Trần Nguyên Vũ (cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty 3-2), Lý Thanh Châu (cựu Thành viên HĐTV, cựu Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty 3-2), Đỗ Thị Thanh Thúy (cựu Kế Toán trưởng Tổng Công ty 3-2).

Chủ tọa công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Chủ tọa công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Trong đơn kháng cáo, 4 bị cáo đã đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét lại bối cảnh, mức độ thực hiện và hậu quả hành vi phạm tội của từng bị cáo; từ đó, các bị cáo đề nghị tòa phúc thẩm cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ, như: lần đầu phạm tội, có nhiều thành tích trong công tác, không có động cơ vụ lợi, khai báo thành khẩn…

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trần Thanh Liêm thừa nhận cáo trạng truy tố và nhận thức ra hành vi sai phạm của mình. Tuy nhiên, theo bị cáo Liêm, mặc dù là trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa của Tổng Công ty 3-2 nhưng bị cáo không biết tới những văn bản liên quan trực tiếp tới việc cổ phần hóa. Với chức trách nhiệm vụ của bị cáo, bị cáo Trần Thanh Liêm khẳng định trước tòa phúc thẩm, mình chưa làm hết nhiệm vụ của bản thân.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Về vấn đề này, chủ tọa Mai Anh Tài truy vấn và lưu ý, quyền khai báo là của bị cáo nhưng hội đồng xét xử sẽ đánh giá, xem xét thái độ khai báo, từ đó đưa ra quyết định chấp nhận hay không chấp nhận kháng cáo. Bên cạnh đó, theo lời khai của bị cáo Liêm, ông biết đến việc Tổng Công ty 3-2 chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú vào năm 2019 khi báo chí phản ánh.

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng thừa nhận việc tòa cấp sơ thẩm kết luận bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” là đúng nhưng bản thân ông cho rằng “mức hình phạt 7 năm tù là cao nên đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt”.

Bị cáo Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tại phiên tòa. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Bị cáo Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tại phiên tòa. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Cũng tại phiên tòa phúc thẩm sáng cùng ngày, hội đồng xét xử thông báo bị cáo Liêm và luật sư đã nộp thêm tài liệu chứng cứ mới, thể hiện việc bị cáo đang điều trị nhiều bệnh, có nhiều thành tích trong công tác, gia đình bị cáo tự nguyện nộp hơn 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả (đã có biên lai)… Bị cáo Trần Nguyên Vũ có thêm tài liệu thể hiện sức khỏe giảm sút nghiêm trọng sau phiên tòa sơ thẩm, đồng thời gia đình bị cáo này đã tự nguyện nộp 500 triệu đồng khắc phục hậu quả (đã có biên lai)… 2 bị cáo còn lại nộp thêm chứng cứ mới liên quan đến việc khắc phục hậu quả.

Bị cáo Trần Nguyên Vũ. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Bị cáo Trần Nguyên Vũ. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Trần Nguyên Vũ cho biết, việc xin giảm nhẹ hình phạt sau bản án sơ thẩm bởi bị cáo thấy bản án sơ thẩm tuyên 23 năm tù là nặng ở 2 tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản”.

Quá trình xét hỏi, hội đồng xét xử làm rõ thêm hành vi phạm tội của bị cáo Trần Nguyên Vũ.

Theo bản án sơ thẩm, Tổng Công ty 3-2 là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do Tỉnh ủy Bình Dương là chủ sở hữu. Tất cả tài sản của doanh nghiệp này được giao quản lý, sử dụng đều thuộc sở hữu Nhà nước. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn, tài sản của Nhà nước tại Tổng Công ty 3-2, các bị cáo đã có những hành vi vi phạm pháp luật trong lãnh đạo, chỉ đạo, cố ý làm trái các quy định của pháp luật về quản lý vốn, tài sản, gây hậu quả thất thoát đặc biệt lớn lên đến hàng ngàn tỷ đồng cho Nhà nước.

Bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trần Thanh Liêm 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Bị cáo Trần Nguyên Vũ tổng hình phạt ở 2 tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản” là 23 năm tù. Bị cáo Lý Thanh Châu bị phạt 4 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Cùng tội danh với bị cáo Châu, bị cáo Đỗ Thị Thanh Thúy (cựu Kế Toán trưởng Tổng Công ty 3-2) bị phạt 30 tháng tù.

Tin cùng chuyên mục