Bóng đá Việt Nam
Ngay người dân Cần Thơ cũng không ai nhớ lần cuối cùng sân bóng có sức chứa lớn nhất Việt Nam này hết ghế là khi nào. Chỉ biết, những trận đấu có đội bóng U19 của CLB Hoàng Anh Gia Lai luôn ở trong tình trạng “vỡ sân”. Bóng đá Việt Nam, nhìn từ giải U21 quốc tế báo Thanh Niên, đã đến lúc bớt lo để cười vui.
Trái ngọt đầu tiên
Sức hút của đội U19 Học viện HAGL không nằm ở thành tích. Ngay từ lúc họ đặt chân đến Cần Thơ bằng máy bay riêng của bầu Đức, đó đã là lúc khởi đầu cho những ngày hội bóng đá thực thụ tại Tây Đô. Các buổi tập của đội cũng luôn đông nghẹt khán giả. Những Công Phượng, Văn Toàn, Đông Triều… “hút khách” hơn cả những ngôi sao ca nhạc. Không cần bất kỳ chiêu PR hình ảnh, cũng chẳng được phép trả lời phỏng vấn hay giao lưu, sức hút của các chàng trai U19 tự nhiên lan tỏa đến những người đã, đang và sẽ yêu bóng đá Việt.
Tất nhiên, phía sau sức hút đó là cả một nỗ lực của nhiều người nhằm giữ hình ảnh trong sáng, đẹp đẽ của các cầu thủ và cả một chiến dịch truyền thông chuyên nghiệp được thực hiện với một mục tiêu: đem lại niềm đam mê bóng đá cho khán giả cả nước. Người hâm mộ chỉ thấy ở U19 Học viện HAGL những điều tốt đẹp và những trận đấu giàu chất cống hiến. Họ thấy ở đội bóng trẻ ấy khao khát chơi bóng và chiến thắng. Đấy đều là những phẩm chất cơ bản nhất của bóng đá nhưng đã bị lãng quên, xói mòn suốt một thời gian dài ở bóng đá đỉnh cao Việt Nam. Khán giả từng bỏ xem bóng đá Việt nhưng họ hoàn toàn không quay lưng.
Giải U21 quốc tế được xem là cuộc thử nghiệm đầu tiên trong quá trình bầu Đức đưa lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện HAGL lên sân chơi V-League. Và ông đã thành công.
Số 1 là đây
Cho dù đây vẫn chỉ là một giải đấu trẻ, chiến thắng của U19 HAGL trước U21 Thái Lan cũng chưa nói lên được nhiều điều do không phải đội U21 chính thức của Thái Lan, tuy nhiên thành công của U19 HAGL là có thật. Lần đầu tiên, họ đã giành được chiến thắng trong trận chung kết và được trải nghiệm khoảnh khắc lên ngôi. Họ cũng đã trải qua những phút giây cân não khi đối đầu U21 Sydney (Úc), hồi hộp trong “loạt đấu súng” trên chấm phạt đền ở trận bán kết trước tuyển U21 Việt Nam. Qua từng trận đấu, các cầu thủ trẻ đã biết cách vượt qua những thời điểm khó khăn ở các trận đấu thực thụ. Và quan trọng hơn, họ chiếm trọn tình yêu của khán giả. Với hành trang đó, lòng tin của bầu Đức đặt vào các cầu thủ U19 là hoàn toàn có cơ sở trước khi họ bước vào sân chơi V-League.
Ở một góc độ khác, những ngày sôi động trong sự cuồng nhiệt tại Cần Thơ chính là chất liệu quý giá để những nhà quản lý bóng đá Việt tiếp tục theo đuổi những định hướng của mình trong nỗ lực thay đổi chất lượng V-League. Bóng đá nội địa sẽ không vắng khán giả nếu có những đội chơi bóng vì cái đẹp như U19 HAGL. Với lượng khán giả ấy, với cách làm bóng đá từ gốc ấy, tại sao không thể tin vào việc bóng đá nội sẽ làm ra tiền và tự nuôi sống những trận đấu của mình nếu thật sự quyết tâm làm bóng đá dũng cảm và khoa học theo kiểu bầu Đức.
Không lo thiếu khán giả, chỉ sợ thiếu… đội bóng
Đứng trước viễn cảnh sẽ còn một vài đội không đủ tài chính để thi đấu tại V-League nên trong cuộc họp Ban chấp hành VFF vừa qua tại Cần Thơ, VFF đã quyết định gút số lượng CLB dự V-League từ nay đến 2016 chỉ tối đa 12 đội. Đây là quyết định cần thiết và thực tế. Quá chú trọng số lượng CLB sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của V-League khi đa số CLB đều chưa tìm được cách kiếm ra tiền từ khán giả.
Hơn nữa, qua những gì U19 HAGL đã làm ở giải U21 quốc tế, có thể thấy để tìm tiền cho bóng đá cũng không phải khó. Theo ước tính, mùa tới chỉ riêng tiền bán vé tại sân Pleiku, đội HAGL đã thu trên 10 tỷ đồng. Nguồn tiền từ quảng cáo, tài trợ dự trù tăng 3-5 lần so với trước, chưa tính đến chuyện HAGL sẽ tiết kiệm chi phí chuyển nhượng và trả lương cầu thủ do các cầu thủ U19 vẫn còn trong diện sở hữu và chưa kết thúc hợp đồng đào tạo. Nói cách khác, bầu Đức sẽ “có lãi” từ bóng đá như thời ông mời Kiatisak sang thi đấu hơn 10 năm trước. Các CLB khác sẽ được hưởng lợi trong các trận có đội HAGL đến thi đấu. Hãy thử tưởng tượng tại V-League có vài đội bóng như HAGL thì sân cỏ nội địa hẳn không rơi vào tình trạng “chi mà không có thu”.
Các cầu thủ tung hứng HLV Graechen sau trận chung kết Cúp U21
Tuy nhiên, để làm được như bầu Đức phải có tâm huyết và tiềm lực tài chính. Hiện tại, ở V-League số CLB như thế này chỉ đếm trên đầu ngón tay như Becamex Bình Dương, Hà Nội T&T... những đội bóng chịu đầu tư dài hạn và hướng đến sự phục vụ khán giả.
Rõ ràng, với những gì U19 Học viện HAGL đã làm, bóng đá nội địa chưa “chết” mà vẫn hứa hẹn nhiều tín hiệu lạc quan. Hy vọng qua sự thành công của bầu Đức và HAGL, sẽ có một cú hích đến những nhà đầu tư khác và bóng đá Việt Nam khi đó sẽ không còn sợ thiếu CLB biết cách đem khán giả về cho mình.
Hiệu ứng từ U19 Học viện HAGL
Khác hẳn với hình ảnh trống vắng trên các khán đài ở giải U21 trong nước là sự rần rần của khán giả tại giải quốc tế. Không phải đợi đến các trận đấu của thầy trò HLV Graechen trên sân mà ngay cả khi họ vừa xuống sân bay, những buổi tập luôn có đông đảo khán giả chờ đón. Ngay tại khách sạn Fortune Land, một ngày sau khi U19 Học viện HAGL đặt chân đến, Ban tổ chức đã phải nhờ đến sự tăng cường của cảnh sát bảo vệ trước sự quan tâm quá lớn của người hâm mộ.
Nét thú vị là đa số khán giả đều tuổi teen và cách thể hiện tình cảm dành cho đội bóng cũng theo phong cách riêng. Đã lâu lắm rồi, những 30 năm, sân Cần Thơ mới lại chật kín khán giả trên các khán đài. Không chỉ 1 mà đến 4 lần như tô đậm tình yêu bóng đá của người dân miền sông nước Tây Nam bộ.
Bóng đá không bao giờ chết, có thể lúc thăng lúc trầm, miễn ra sân là đá cống hiến, hết lòng vì người hâm mộ. Chính sự sạch - đẹp trong lối chơi lẫn sinh hoạt của các cầu thủ luôn nhận được sự quan tâm của người xem. Ban tổ chức giải, lãnh đạo địa phương sung sướng từ sự thành công của giải; nhà tài trợ cũng sướng theo từ những thành công trên. Nhưng đáng chú ý là việc các cầu thủ U19 Học viện HAGL cuối cùng đã đem được danh hiệu vô địch đầu tiên tặng “Ba” Đức. Đã hơn 10 năm, bầu Đức mới thấy được những đứa con tinh thần của mình giơ cao Cúp vô địch sau thế hệ “Dream Team” của những Kiatisak, Hữu Đang, Văn Hạnh… Danh hiệu lần này như cú hích để giúp ông gia cố niềm tin vào việc đào tạo trẻ, trồng người để tiếp tục cho ra những sản phẩm tốt nhất trong tương lai.
Quốc Cường - Thúy Vi