Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin (CNTT) kéo theo ứng dụng đa dạng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục, hình thức đào tạo tập trung không còn là loại hình duy nhất. Vài năm trở lại đây, đào tạo trực tuyến (e-learning) được các công ty tư nhân và cả các trường đại học đầu tư phát triển mạnh mẽ, dần thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng học. Tuy nhiên, bài toán nâng cao chất lượng đào tạo trong loại hình này cũng cần được quan tâm.
- Nhiều trường áp dụng
Trước đây, “e-learning” được nhiều người học biết đến và định nghĩa như là một hình thức đào tạo trực tuyến, trong đó, người học sẽ tiếp cận kiến thức thông qua các file âm thanh, hình ảnh từ chiếc máy tính kết nối mạng. Các đơn vị cung cấp e-learning được nhiều người ở Việt Nam biết đến hiện nay: VietnamLearning của GK Corporation, Topica của Viện Đại học Mở Hà Nội, Cleverlearn, BEA... Đến thời điểm hiện tại, các khóa học e-learning đã trở nên khá đa dạng, ngoài tiếng Anh và CNTT là hai môn học nòng cốt, VietnamLearning đã đào tạo và cấp chứng chỉ các môn học phụ trợ cho công việc như: kỹ năng mềm, quản lý nhân sự, quản lý tài chính...
Bên cạnh đó, đơn vị này còn kết hợp với các trường đại học nổi tiếng trên thế giới như Harvard hay các công ty như NIIT, ElementK, Q-Group để mua lại và Việt hóa các sản phẩm và dịch vụ đào tạo trực tuyến.
Thời gian gần đây, nhiều đơn vị đã bắt đầu áp dụng công nghệ trực tuyến 3D vào e-learning để tăng cảm hứng cho người học. Sinh viên đăng ký tài khoản, gặp nhau trên các giảng đường ảo để học và thảo luận về môn học. Công nghệ trực tuyến 3D cho phép người học tạo ra mọi thứ như ngoài đời thật. Vì thế, các sinh viên có điều kiện vận dụng gần như ngay lập tức những kiến thức của mình và có thể thấy được kết quả rất nhanh sau đó. Topica hiện đã đưa môi trường đào tạo 3D này về Việt Nam và cho ra đời chương trình đào tạo cử nhân trực tuyến.
Không chỉ các công ty tư nhân mà ngay trong hệ thống các trường đại học, e-learning cũng bắt đầu được triển khai. Trường Đại học Bách khoa TPHCM vừa xây dựng khung chương trình và tuyển sinh cử nhân CNTT qua mạng từ tháng 10-2011. Theo đó, khung chương trình sẽ có phần lớn các giờ dạy trực tuyến, người dạy và người học sẽ hiện diện (đăng nhập) hệ thống Sakai.
Người học dù bất kỳ đâu cũng có thể theo dõi bài giảng của giảng viên và trực tiếp thảo luận với tất cả thành viên trong hệ thống giống như họ có mặt trong một phòng học tập trung. Ngoài Đại học Bách khoa, một số trường đại học khác tại TPHCM như Đại học Khoa học Tự nhiên; Đại học CNTT, Đại học Mở… cũng đã đưa vào đào tạo và cấp bằng cho người học.
Ưu tiên chất lượng
Sự ra đời hàng loạt đơn vị đào tạo trực tuyến đánh dấu bước chuyển mình của nền giáo dục Việt Nam, bởi e-learning là loại hình đào tạo tiên tiến, đã và đang được áp dụng tại nhiều nền giáo dục nổi tiếng trên thế giới như Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Singapore… Thế nhưng, để e-learning thực sự mang lại hiệu quả cho người học, chất lượng cần được tính đến.
TS Thoại Nam, Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, Đại học Bách khoa TPHCM, chia sẻ: “Chúng ta không phủ nhận mức độ hiệu quả cao từ loại hình đào tạo này, bởi người học có thể học ngay tại nhà, tiết kiệm một khoản kinh phí khá lớn so với học tập trung. Thêm nữa, e-learning còn giúp mang những bài giảng chất lượng của các giảng viên hàng đầu của Việt Nam và trên thế giới đến người học. Thế nhưng, để người học cầm tấm bằng cử nhân với chất lượng học tương đương, phụ thuộc khá nhiều vào nhà cung cấp dịch vụ và hệ thống tương tác giữa người học và người dạy”.
Cũng theo TS Nam, ngoài ý thức của người học, bản thân nhà cung cấp dịch vụ phải có chế độ theo dõi và kiểm soát sự có mặt của người học ngay trên hệ thống. Bất kỳ sinh viên nào theo học chương trình cử nhân CNTT của Trường Đại học Bách khoa nếu không theo học đầy đủ các buổi trực tuyến sẽ bị nhắc nhở, cao nhất là cấm thi.
Ông Nguyễn Phi Hùng, giám đốc chi nhánh phía Nam GK Corporation(đơn vị cung cấp trang www.vietnamlearning.vn) cho biết: “Với sự ra đời hàng loạt đơn vị đào tạo trực tuyến, để cạnh tranh lành mạnh, các công ty dịch vụ tư nhân phải mua những dịch vụ, sản phẩm hiệu quả nhất từ những công ty hàng đầu trên thế giới về e-learning. Người học được cấp chứng chỉ sau khóa học nhưng những chứng chỉ này hiện chỉ được xem là “hỗ trợ thêm” cho đơn xin việc. Chúng tôi đã liên kết với Đại học Quốc gia Hà Nội để cung cấp loại đào tạo này, các sinh viên muốn ra trường phải hoàn tất các khóa học của chúng tôi theo quy định, như vậy giá trị pháp lý của chứng chỉ sẽ cao hơn”.
Sự kỳ vọng vào loại hình đào tạo này là có cơ sở, bởi Việt Nam hiện đã có đầy đủ các điều kiện để e-learning phát triển. Đây sẽ là loại hình đào tạo phổ biến tại Việt Nam trong tương lai gần, ông Hùng cho biết thêm.
TƯỜNG HÂN