Gạo xuất khẩu:

Đã mạnh về lượng và sẽ mạnh cả về chất

Đã mạnh về lượng và sẽ mạnh cả về chất

Đã gần hết tháng 2-2006 song ngành nông nghiệp cùng nhiều địa phương vùng trọng điểm lúa gạo nói chung và bà con nông dân vẫn tiếp tục phấn khởi về thành tựu xuất khẩu gạo năm 2005 và có thêm nhiều triển vọng mới. Năm ngoái, cả nước đạt mức kỷ lục xuất khẩu gạo sau 17 năm tham gia thị trường thế giới.

Đã mạnh về lượng và sẽ mạnh cả về chất ảnh 1

5 năm trước, phẩm cấp lẫn giá xuất khẩu gạo của ta lẹt đẹt đứng sau trên thị trường thế giới, cùng loại như nhau nhưng giá thấp hơn đến 20 USD thậm chí 40 USD / tấn so gạo xuất khẩu của Thái Lan. Nhưng cũng chính từ năm rồi, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam đã có cú bứt phá được xem là khá ngoạn mục khi rút ngắn khoảng cách với các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan, khi cùng phẩm cấp gạo, giá chỉ còn thấp hơn bình quân khoảng 4 USD/ tấn.

Ngoài các giống lúa cho gạo chất lượng cao xuất khẩu có những ký hiệu đầu như OM, OMCS, IR, VNĐ, MTL…, đã có thêm nhiều loại gạo và cả nếp đặc sản địa phương, như Nàng thơm Chợ Đào, Nàng Nhen, Phú Tân,.… Ngay cả loại gạo lức, vốn lâu nay kén người ăn, thường được biết khi cần trị bệnh bằng phương thức “gạo lức muối mè” hoặc chế biến thành “bột gạo lức Bích Chi”, nay cũng đã dần được xuất khẩu kha khá sang… Nhật.

Từ năm 1999, Nhà nước bắt đầu tập trung đầu tư triển khai chương trình mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao, trong đó các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhận 1 triệu héc ta. Các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu gắn bó bấy lâu với đồng ruộng lần lượt tung ra hàng loạt giống lúa mới, các địa phương hè nhau cùng bà con nông dân và doanh nghiệp chế biến bàn chuyện làm ăn lớn, nhiều bộ ngành tất tả chạy lo thị trường, cuối năm rồi các “nhà” còn họp bàn rốt ráo chuyện xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam,.…

Đã qua nhiều vụ lúa, có nhiều thuận lợi và cũng lắm khó khăn, diện tích trồng lúa chất lượng cao dần tăng lên, dù chưa đạt lắm so với mong muốn. Và đến đầu vụ đông xuân năm nay, tỷ lệ gieo trồng từ các giống lúa xác nhận để có thể thu hoạch và chế biến gạo chất lượng cao đã chiếm 30% – 40 % diện tích, so cả năm ngoái tính chung chỉ độ khoảng 24%.

Cần Thơ đã “lên” thành phố nhưng năm nay đề ra mức phấn đấu xuất khẩu khoảng 300 ngàn tấn gạo cao cấp, tăng gần gấp đôi so với năm trước, ngoài ra các doanh nghiệp chế biến ở đây cũng đã thỏa thuận xong việc hợp đồng với bà con nông dân bao tiêu khoảng 40 ngàn héc ta lúa chất lượng cao; đồng thời tiếp tục đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng cấp dây chuyền xay xát, đánh bóng, đóng gói…

Còn ở An Giang, đến nay đã có trên 2.000 hộ nông dân tham gia nhân các loại giống lúa “xịn” trên diện tích hàng ngàn héc ta; ngoài ra nếp Phú Tân đặc sản ở đây cũng lên thương hiệu và mở ra triển vọng tăng diện tích trồng lên vài chục ngàn héc ta.

Đạt được thành tựu thì rất đáng mừng, nhưng bên cạnh cái mừng, càng phải thấy hết thách thức mới trong thời hội nhập kinh tế và nhất là thời điểm WTO khá cận kề. Bởi, trong cái ta đang mạnh vẫn còn nhiều cái yếu khi tính đến tỷ lệ gạo chất lượng thấp và trung bình xuất khẩu vẫn còn khá cao; tuy đứng hàng thứ hai về sản lượng xuất nhưng lại đứng hàng thứ ba, thứ tư về giá trị kim ngạch, về đầu tư các khâu còn chưa đồng bộ, về thị trường, về thương hiệu còn yếu…

ĐĨNH CHI

Tin cùng chuyên mục