Đà Nẵng: Hơn 2.200 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động

Ngày 14-4, UBND TP Đà Nẵng tổ chức họp báo quý I-2023. Trong đó, nhiều vấn đề được quan tâm, như hơn 2.200 doanh nghiệp TP Đà Nẵng tạm dừng hoạt động, doanh nghiệp nợ lương nợ bảo hiểm xã hội nhiều năm.
Cuộc họp báo quý I-2023 có sự chủ trì của Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

Cuộc họp báo quý I-2023 có sự chủ trì của Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

Doanh nghiệp bị "bào mòn" sau dịch

Theo báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh TP Đà Nẵng trong quý I-2023, UBND TP Đà Nẵng cho biết GRDP trên địa bàn trong quý tăng 7,12% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 11,5%, khu vực công nghiệp – xây dựng giảm 4,7%, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,01%.

Hoạt động du lịch khôi phục tích cực giúp kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng tốt, dẫn đầu vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong quý I-2023, TP Đà Nẵng đón hơn 1,4 triệu lượt khách, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu ăn uống, dịch vụ lữ hành đạt 5.897 tỷ đồng, tăng 89,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu Đà Nẵng quý I-2023 vẫn duy trì xuất siêu khoảng 193,2 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu phần mềm tăng trưởng tốt ước đạt 36,5 triệu USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, đà phục hồi kinh tế từ cuối năm 2021 đến nay có xu hướng chững lại, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 42,2% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng 47% (khoảng 2.231 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm dừng hoạt động).

Ông Lê Minh Tường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Đà Nẵng thông tin tại họp báo
Ông Lê Minh Tường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Đà Nẵng thông tin tại họp báo

Theo ông Lê Minh Tường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Đà Nẵng, sau đại dịch, khả năng chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn tạm dừng hoạt động hoặc giải thể; số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng gia tăng.

Các doanh nghiệp rút khỏi thị trường chủ yếu là quy mô nhỏ, số lượng lao động từ 5 – 30 người, không kham nổi chi phí thuê mặt bằng và trả lương nhân viên. Lĩnh vực tạm ngừng hoạt động, giải thể chủ yếu tập trung ở buôn bán, bán lẻ, xây dựng, công nghiệp chế tạo chế biến nhỏ, dịch vụ lưu trú, ăn uống tư vấn thiết kế, quảng cáo…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền, dòng vốn cạn kiệt cũng tiếp cận nguồn vốn ngày càng hạn chế, lãi suất cho vay tăng và sức ép lạm phát làm tăng chi phí sản xuất. Ngoài ra, nguồn cung khan hiếm, nguồn cầu sụt giảm làm doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, nhất là doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu hoặc nhập khẩu nguyên liệu.

Kết quả công bố Chỉ số PCI 2022, TP Đà Nẵng xếp thứ 9 toàn quốc, với 68,52/100 điểm. Cụ thể là, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự 7,58; chi phí thời gian 7,48; chi phí không chính thức 7,21; tính năng động của chính quyền tỉnh 6,96; đào tạo lao động 6,8; gia nhập thị trường 6,73; tính minh bạch 6,72; tiếp cận đất đai 6,61; cạnh tranh bình đẳng 6,42; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp 6,26.

Như vậy, so với PCI 2021, TP Đà Nẵng tụt 5 hạng và là địa phương đứng thứ 2 khu vực Duyên hải miền Trung. Nhiều năm trước, gần nhất là năm 2018, 2019, 2020, Đà Nẵng luôn đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng PCI.

Kết quả Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022 cũng cho thấy, Đà Nẵng tụt xuống nhóm có vị trí trung bình sau nhiều năm đứng ở top đầu.

Đề cập nguyên nhân tụt hạng này, ông Lê Minh Tường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Đà Nẵng cho biết, nhiều năm qua TP Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn nhất định. Nguồn lực của TP Đà Nẵng được khơi thông, khiến việc thu hút đầu tư, triển khai các dự án hạn chế, nhất là các dự án có liên quan đến các kết luận thanh tra.

Hiện TP Đà Nẵng đã báo cáo Trung ương xem xét, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, các sở ngành cũng đang triển khai quyết liệt các giải pháp để thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp. TP sẽ rà soát từng chỉ số thành phần, từ đó các ngành sẽ rút kinh nghiệm để đẩy nhanh hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Doanh nghiệp chây ì nộp phạt

Tại họp báo, ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở LĐTB-XH TP Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, Đà Nẵng có Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 (đơn vị vận hành hệ thống xe buýt tại TP Đà Nẵng) và Công ty TNHH Emprie Hospitality (chủ đầu tư dự án Cocobay) thường xuyên xảy ra tình trạng nợ Bảo hiểm xã hội của người lao động. Trước tình trạng trên, sở đã xử phạt nhưng một số doanh nghiệp vẫn chây ì trong việc nộp tiền xử phạt.

Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở LĐ-TBXH TP Đà Nẵng phản hồi thông tin

Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở LĐ-TBXH TP Đà Nẵng phản hồi thông tin

Theo ông Hoàng, rất khó thực hiện việc cưỡng chế các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội dù đơn vị được giao trách nhiệm chủ trì việc cưỡng chế.

"Cưỡng chế tài khoản ngân hàng thì được, còn cưỡng chế tài sản thì không được. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội thì không đăng ký hoạt động trên địa bàn nên khó thực hiện", ông Hoàng cho hay.

Theo ông Hoàng, Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 liên tục nợ bảo hiểm xã hội nhiều năm nay. Hiện TP Đà Nẵng đang trợ giá cho hệ thống xe buýt nên mức lương của người lao động khi làm việc cho Quảng An 1 là cao, với 8 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, dù biết đơn vị này nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội nhưng người lao động vẫn làm. Về giải pháp, ông đề nghị Sở GTVT có sự tính toán lại hệ thống xe buýt.

Đến nay chỉ còn 7 tuyến xe buýt hoạt động

Đến nay chỉ còn 7 tuyến xe buýt hoạt động

TP Đà Nẵng bắt đầu tổ chức các tuyến xe buýt trợ giá và đi vào hoạt động từ năm 2017. Thời gian đầu tổ chức, toàn TP có tổng cộng 12 tuyến xe. Đến hiện tại chỉ còn 7 tuyến xe hoạt động, trong đó có 5 tuyến trợ giá. Từ khi triển khai đến nay, hầu hết các tuyến xe buýt trên địa bàn đều rơi vào tình trạng ế ẩm. Trong khi đó, đơn vị vận hành các tuyến xe buýt là Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 liên tục nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động.

Tin cùng chuyên mục