
Sáng 22-9, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2022.
57.906 hộ nghèo thoát nghèo
Tại hội nghị, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, công tác bảo đảm an sinh xã hội ở TP Đà Nẵng đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo dấu ấn riêng biệt.
Trong đó, về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hàng năm ngân sách TP Đà Nẵng chi trên 356 tỷ đồng cho hơn 18.400 lượt đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng; chi gần 30 tỷ đồng tặng quà cho gần 50.000 lượt đối tượng, gia đình chính sách vào dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Đến nay, không còn hộ người có công với cách mạng ở nhà tạm, nhà dột nát; 100% hộ gia đình chính sách có mức sống từ trung bình trở lên so với dân cư nơi cư trú; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được nhận phụng dưỡng hàng tháng với mức 1 triệu đồng trở lên.

Về lĩnh vực việc làm, từ năm 2012-2022, bình quân mỗi năm, thành phố đã giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 3,2% ở cuối năm 2020.
Với chính sách Giảm nghèo, Đà Nẵng ban hành các Đề án giảm nghèo theo từng giai đoạn với chuẩn nghèo riêng của thành phố. Qua đó, giúp đỡ cho 57.906 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm từ 2% trở lên.
Trong công tác trợ giúp xã hội thường xuyên, trợ giúp xã hội đột xuất, Đà Nẵng hiện có 13 cơ sở trợ giúp xã hội, đang nuôi dưỡng, chăm sóc trên 1.800 đối tượng, trong đó có 613 người ngoài tỉnh.

Tuy vậy, quá trình thực hiện cũng còn tồn tại, thách thức. Cụ thể, mức trợ cấp thường xuyên cho đối tượng bảo trợ xã hội còn thấp so với mức sống của người dân; chính sách hỗ trợ hộ nghèo còn mang tính bao cấp, dàn trải nên chưa tác động và khơi dậy nỗ lực vươn lên của hộ nghèo; chính sách phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS và PTTH vào học nghề còn hạn chế...
Kế thừa, nâng cấp chính sách xã hội
Theo bà Trần Thị Thu Hạnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN TP Đà Nẵng, để các chính sách thực hiện hiệu quả, ngoài việc cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, các chính sách phải có sự gắn kết thành một thể thống nhất, minh bạch tránh chồng chéo, phân tán. Điển hình như chính sách tín dụng phải gắn với tạo việc làm, dạy nghề gắn với nhu cầu việc làm. Đồng thời, kịp thời tôn vinh những cá nhân, tổ chức trong công tác an sinh xã hội, giảm nghèo để tạo sức lan tỏa trong công đồng.

Còn ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng cho rằng, cần chú trọng đầu tư xây dựng mô hình phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho hộ nghèo, hỗ trợ sinh kế, tăng cường ủy thác vốn vay cho hộ nghèo, cận nghèo, có mức sống trung bình, vốn giải quyết việc làm cho người dân; phát triển hệ thống dịch vụ trợ giúp xã hội theo hướng toàn diện, bền vững.

Kết luận hội nghị, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch HĐNĐ TP Đà Nẵng cho rằng, chính sách xã hội là vấn đề quan trọng, là mục tiêu, động lực để phát triển xã hội, đồng thời thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ, địa phương. Vì vậy, thường xuyên rà soát bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách xã hội hiện có trên cơ sở kế thừa, phát triển theo hướng “xây dựng và thực hiện chính sách xã hội bao trùm, toàn diện, bền vững; bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của người dân, nhất là đối tượng người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế”. Quan tâm giáo dục hòa nhập đối với trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, không được để xảy ra trường hợp học sinh không được đi học vì lý do kinh tế. Nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình....
Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, cần nghiên cứu xây dựng sàn an sinh xã hội dựa trên những quy chuẩn nhằm phát triển mạng lưới an sinh xã hội đa tầng, toàn diện, phổ cập và hiện đại, bảo đảm không để ai bỏ lại phía sau. Xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội linh hoạt, thích ứng với các rủi ro; đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn lực thực hiện trợ giúp xã hội, nhất là trợ giúp khẩn cấp thiên tai, lụt bão... Địa phương cần ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, hoạch định, giám sát thực hiện, hạn chế sai sót, thất thoát, lãng phí.