Đà Nẵng: Zalo tổ dân phố - hotline giúp dân

Bão tan nhưng mưa không ngớt. Nhiều khu vực tại TP Đà Nẵng bị ngập lụt. Giờ đây, vừa chống dịch lại vừa chống lụt, cuộc sống của người dân có nhiều đảo lộn. Kênh thông tin tổ dân phố tiếp nhận, hỗ trợ “nóng” người dân. Thật ấm lòng biết bao, giữa thời điểm cam go dịch bệnh, lũ bão vẫn luôn có sự sẻ chia, cứu trợ kịp thời.

Nhiều nơi ở TP Đà Nẵng ngập lụt sâu do mưa lớn liên tục
Nhiều nơi ở TP Đà Nẵng ngập lụt sâu do mưa lớn liên tục

Ngập lụt ở khu trung tâm

Hai ngày qua, nhiều hộ dân ở khu vực Khe Cạn (tổ 26, 27 phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) phải sống trong cảnh nước ngập sâu vào nhà. Trong đó, tổ 26 có hơn 70 hộ dân nhưng có đến 37 hộ bị ngập nước, nhiều nhà ngập sâu.  

Ông Huỳnh Tấn Đức, người dân trú tổ 26 phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết, dù bão suy yếu lại không đổ bộ trực tiếp, nhưng ở chỗ ông sống cứ mưa trút xuống vài giờ là ngập hơn 10 năm nay. Cứ đến hẹn lại ngập, mưa nhỏ thì ngập đường, nước tràn vào gần hiên nhà, mưa lớn thì nước ngập vào nhà, có nhà dâng lên hơn 1m, nhất là gần khu vực Khe Cạn. Trong sáng 12-9, dù mưa đã có phần ngớt đi nhưng một số nhà dân vẫn còn ngập hơn nửa mét.

Đường vào khu dân cư Khe Cạn bị ngập nước sáng 12-9

“Đồ đạc giá trị đã được hàng xóm phụ kê lên cao từ mấy ngày trước. Chỉ đêm qua, sợ nước lên cao quá, mấy người lớn thức trắng đêm, vừa tát nước vừa lo cho đứa nhỏ đến lúc dứt. Sáng sớm, mưa lớn trở lại, nước dâng mấp mé, tiếp tục tràn vào nhà lần nữa”, ông Đức nói.

Theo ông Hồ Thuyên, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, phường đã có phương án sơ tán dân ở khu vực Khe Cạn nếu mưa to kéo dài, ngập sâu. Trước đây, quận bố trí Trường Tiểu học Lê Văn Tám (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) làm nơi sơ tán cho bà con Khe Cạn nếu ngập nước sâu. Hiện, trường đang được trưng dụng làm khu cách ly, vì vậy, địa phương đã bố trí Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) làm nơi sơ tán.

Nhà của chị Nguyễn Thị Thu Hương ở tổ 27, phường Thanh Khê Tây bị ngập nước, chỗ khô ráo nhất trong nhà là khu vệ sinh ở phía sau

Trung úy Nguyễn Thế Vĩnh, cảnh sát khu vực khu dân cư Khe Cạn (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) cho biết, lực lượng luôn hỗ trợ bà con dọn dẹp nhà cửa, nhất là sơ tán khu vực nguy hiểm. Trong sáng 12-9, có 25 hộ với khoảng 100 nhân khẩu đã sơ tán.   

An tâm ở yên

Khi Đà Nẵng thực hiện phương châm “ai ở đâu thì ở đó”, các nhóm Zalo hỗ trợ, đội phản ứng nhanh xuất hiện với mục đích tiếp nhận thông tin, hỗ trợ kịp thời. Mùa bão cũng như mùa dịch, người dân phải ở yên trong nhà.

Để tiện cho việc xây nhà mới, ông M.H. (66 tuổi, trú đường An Hải 5, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chủ động thuê một căn nhà cấp 4 chật chội, chưa đầy 150m² là chỗ ở của 7 người, 3 thế hệ.

2 ngày qua, mưa không ngớt, gia đình ông H. cũng dầm mình tát nước, dọn dẹp đồ đạc. Mái tôn xuống cấp, chảy dột khắp nơi. Trước ngày bão đến, ông nhờ mấy thanh niên bắc thang kiểm tra, thuận tiện sửa chữa nhưng mà càng sửa lại càng nát.

Mặc dù, dự định ban đầu của ông H. chỉ thuê trọ trong 6 tháng hè, nhưng do dịch bệnh, các hoạt động cũng ngưng theo. 7 người gồm người già lẫn trẻ con tiếp tục gồng mình trong mùa mưa bão.

Đà Nẵng: Zalo tổ dân phố - hotline giúp dân ảnh 3 Đội hỗ trợ lần lượt có mặt chưa đầy 2 phút 

Mưa lớn kéo dài, nước ngập nhà nặng. Con gái ông H. soạn tin nhắn "Hiện giờ nhà em đang ngập nước, em đang cần đội thanh niên hỗ trợ thoát ống nước” gửi lên nhóm Zalo tổ dân phố 43.

Đà Nẵng: Zalo tổ dân phố - hotline giúp dân ảnh 4 Lời nhắn của con gái ông H.

Chưa đầy 2 phút, 4 người đàn ông mặc áo mưa và đeo khẩu trang y tế, mang theo những dụng cụ, thiết bị giúp nhà ông H. sửa chữa, bơm nước chống ngập. Những thanh niên khác hỗ trợ che chắn đường dây điện để không chập chạm, rò rỉ điện. 

Hỗ trợ người dân bơm nước chống ngập

TP Đà Nẵng gồng mình trong dịch bệnh và lụt bão, đời sống người dân đảo lộn vì không được ra đường. Bà con chỉ biết nhờ vả kênh Zalo tổ dân phố - cầu nối giúp đỡ nhau hiệu quả, từ mua thức ăn mùa dịch cho đến hỗ trợ nhau chống bão. Ngày thường, ai cũng có công việc bận rộn, đến chào nhau cũng không kịp, Giờ đây, mùa dịch rồi đến bão lụt, họ lại thành chỗ dựa cho nhau.

Tin cùng chuyên mục