
(SGGP 12G).- Dưới tên gọi là “củi”, gỗ cũng được bày bán công khai. Và chính từ đây, hàng ngàn héc ta rừng tan hoang nhưng ngành chức năng tỉnh Đắc Nông xem như chẳng thấy gì?
- Tan hoang rừng Krông Nô
Trước đây, con đường từ huyện Cư Jút vào Krông Nô thường khiến người qua lại phải “rợn tóc gáy” vì đường âm u, tối om như mực, tiếng thú át cả tiếng người. Vậy mà hôm nay, mỗi khi qua đây người ta phải ngạc nhiên vì rừng xưa không còn nữa, tiếng xe chở gỗ đã “đuổi” tiếng thú đi mất. Những cánh rừng rậm năm xưa chỉ còn lại những mẩu than cháy, những đồi đất trắng không bóng cây rừng.
Chúng tôi đến huyện Krông Nô, cảnh tượng đầu tiên chính là những xe ngang nhiên chở gỗ từ hướng khu du lịch sinh thái Dray Sáp đi ra hướng quốc lộ 14. Hỏi ra, đây chính là những chiếc xe chở gỗ đi bán cho các lò gạch ở gần đó.

Trong vai một tay “cò” mối tiêu thụ gỗ, chúng tôi đến tìm hiểu “thị trường” ở các lò gạch nằm giữa ranh giới hai huyện Cư Jút - Krông Nô. Nơi đây có gần 30 lò gạch đang hoạt động. Khi biết chúng tôi đang chào hàng một lượng gỗ lớn cần tiêu thụ trong thời gian dài, cũng như muốn có một đại diện cho thị trường tiêu thụ lâu dài ở đây, không ngần ngại anh chàng tự xưng là Sơn chộp ngay: Các anh cứ chở ra đây, em tiêu thụ cho, bao nhiêu cũng chiều… Miễn sao các anh lo cho em cái đường từ huyện ra đây là được! Bao nhiêu khối em cũng OK cho các anh, em chỉ làm lấy công thôi. “Thế công anh một ngày là bao nhiêu?”, tôi hỏi. Sơn cười có vẻ đắc chí: “Kiếm năm, bảy trăm để chè thuốc thôi anh ơi”. “Thế các tay trực tiếp bán gỗ cho các lò gạch thì ngày công bao nhiêu?”, tôi hỏi tiếp. “Khá nhất là tay Cường ở xã Đắc Sô! Em nghe nói, tay này gom khi nào đủ 20 triệu đồng nó mới nhận một lần. Bình quân mỗi ngày tay này đi 2 chuyến, mỗi xe càng chở khoảng 1,5 khối. Các anh yên chí đi, lò gạch ở đây vào mùa mưa này “khát” củi lắm, có nhiều tay gom vài chục hoặc vài trăm khối và chờ đúng thời điểm mới xuất kho”, Sơn khẳng định với giọng chắc nịch.
- “Nghệ thuật” phá rừng…
Dọc tuyến đường vào trung tâm huyện Krông Nô, đoạn qua khu du lịch Dray Sáp và xã Đắc Sô, hai bên đường có đến hàng trăm điểm tập kết gỗ, có đống lên đến vài chục khối. Ghé thăm nhà một đầu nậu gỗ có tên là Hải Đắc Sô, anh này chẳng những không ngần ngại mà còn khoe: Anh có mối nào chỉ cho em tiêu thụ với, bây giờ nhiều quá em muốn “xuất” một lần cho khỏe, chứ bán cho lò gạch mất công và phải “lo đường”, lắt nhắt phiền hà lắm! Người bạn đồng nghiệp đi cùng tôi hỏi khéo: “Anh có đủ hàng cho em chở xe to không, nhà em có lò sấy bắp, gần đến mùa nên cần số lượng lớn”. Hải Đắc Sô cười lớn: “Anh nhìn đống gỗ mà xem, chừng đó có đến 2 xe IFA gỗ đấy chứ. Mà lo gì, em còn một điểm tập kết gỗ gần đây mà, ngoài ra mỗi ngày nhà em có hai xe càng đi làm, chỉ một tuần là đầy xe 20 khối nếu anh yêu cầu”.
Qua tìm hiểu một số người dân nơi đây, chúng tôi được biết lâm tặc rất tinh vi trong việc khai thác và phá rừng. Trước đây, rừng Krông Nô bạt ngàn cây gỗ to, gỗ quý, sau khi khai thác hết họ lại quay qua đốt rừng; khi rừng cháy, những cây gỗ lớn nhỏ đều có màu đen ở ngoài vỏ. Nhiều người thấy ngày nào cũng có vài chục xe ngang nhiên chở gỗ về, thắc mắc hỏi thì nhận được câu trả lời là: Gỗ do đồng bào dân tộc thiểu số đốt làm nương rẫy, nay cắt về làm củi. Vậy là gỗ rừng được “hóa phép” để đi về ngang nhiên qua các trạm kiểm lâm và trước mặt các cơ quan chức năng huyện Krông Nô. Điệp khúc đổ lỗi cho đồng bào dân tộc thiểu số đã quá nhàm tai nhưng vẫn “che” được chính quyền nơi đây. Một số người dân cho biết thêm, trong những chuyến xe chở “củi” ấy thì các loại gỗ quý như hương, căm xe, muồng đen… cũng bám theo đó mà về.
- Cơ quan chức năng làm ngơ?
Chị Hạnh, một người dân sống gần khu vực này bức xúc: “Chuyện gì chứ việc phá rừng ở huyện này thì nhiều vô kể, lâm tặc nó chạy công khai mà có ai làm gì nó đâu? Ngày nào tôi cũng thấy kiểm lâm địa bàn xã về đây, nhưng về ngồi ở quán nước và có lúc ngồi với cả lâm tặc cười nói hả hê. Chú không tin thì cứ vào địa phận xã ĐắcDrô mà xem, con đường nhựa mới làm hơn 3 năm nay nhưng bị xe chở gỗ phá nát hết rồi. Tiền tỷ của nhà nước, của dân xem như “phục vụ” cho một số kẻ phá rừng để làm giàu!”.
Tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi được ông Trần Văn Giảng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Nô cho biết: “Từ đầu năm đến nay, hạt đã phát hiện 179 vụ phá rừng, với 85ha bị phá. Hầu hết các vụ phá rừng đều bị phát hiện và bắt tại chỗ, còn chuyện bày bán khắp nơi chỉ là những đống “củi” được người dân tận dụng và vận chuyển về để đốt trong mùa nông sản”.
Củi rừng hay gỗ rừng? Câu hỏi sẽ có lời đáp nếu ai có dịp qua huyện Krông Nô đều sẽ rõ. Bấy lâu nay, những cánh rừng Krông Nô bị tàn phá một cách trắng trợn mà các cơ quan hữu trách ở tỉnh Đắc Nông xem như không hay biết gì. Với cách trả lời của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Nô - đơn vị trực tiếp quản lý bảo vệ rừng - thì có lẽ gỗ rừng đã “biến” thành củi hết rồi! Phải chăng gỗ rừng đốt lem nhem cho đen để “ngụy trang” thì có thể ngang nhiên về phố một cách hợp pháp?
Hoàng Trung Ngọc