Sáng 10-7, Kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX tiếp tục với phiên thảo luận tại hội trường. Các đại biểu (ĐB) góp ý, đưa ra những giải pháp hỗ trợ thật sự hiệu quả cho việc khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, du lịch sau dịch bệnh; hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2020 và chạy nước rút hoàn thành nhiệm vụ 2016-2020.
Giải pháp không nên chung chung như khẩu hiệu
Thảo luận tại hội trường, ĐB Võ Thị Ngọc Thúy nêu tình trạng doanh nghiệp đang khao khát vốn để có sức sống trở lại sau dịch Covid-19. Trong khi đó, báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 của UBND TPHCM lại chưa đánh giá đậm nét về những việc TPHCM đã làm được cho doanh nghiệp phục hồi.
ĐB Võ Thị Ngọc Thúy đề xuất, 6 tháng cuối năm 2020, cần có gói kích cầu chung của TP cho doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực; trong đó tập trung vào ngành có tính lan tỏa như dịch vụ, du lịch, từ đó sẽ kéo theo sản xuất phát triển. TPHCM cần kích cầu từng ngành và đẩy mạnh liên kết vùng để giải quyết bài toán về tiêu thụ nội địa, thương mại, du lịch…
Phân tích nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, giờ đây, Việt Nam đã khống chế được dịch Covid-19, nhưng tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, tác động đến việc phát triển của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt ra vấn đề đối với TPHCM - là đầu tàu kinh tế của cả nước - nên suy nghĩ như thế nào để đồng hành cùng với đất nước? Theo chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội thì TPHCM phải nỗ lực rất nhiều để đóng góp lớn hơn, góp phần khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm phân tích, vai trò của TPHCM như vậy, nhưng những tháng vừa qua, tăng trưởng ở TPHCM rất thấp. Trong đóng góp vào GDP chung của cả nước thì sự đóng góp của TPHCM có dấu hiệu cho thấy khả năng sụt giảm còn tiếp tục. Do đó, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị các ngành và UBND TP cần rà lại một cách rất chi tiết, xem dư địa phát triển của TPHCM đang ở đâu?
“Không thể cào bằng, không thể có giải pháp chung chung như một khẩu hiệu, mà cần chỉ ra dư địa phát triển của TP đang nằm ở đâu, cần giải pháp gì, hỗ trợ gì, cú hích gì từ thành phố, từ Trung ương?”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm góp ý.
Trả lời câu hỏi “doanh nghiệp đang cần gì”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị TPHCM cần phân loại ngành nghề nào cần hỗ trợ; loại ngành nghề nào có thể vực dậy nhanh được và cần hỗ trợ vài điểm, còn ngành nào khó khăn và cần hỗ trợ dài dài. Hộ kinh doanh nhỏ lẻ thì cần hỗ trợ sao?
“Đây là vấn đề khó chứ không phải dễ, nhưng hãy nghĩ đến vai trò đầu tàu kinh tế TPHCM, phải làm cái gì để góp phần cho đất nước trong giai đoạn khó khăn này, tạo nhiều việc làm cho người lao động, để cho người dân TP sống được” - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị.
Trong đầu tư phát triển, ĐB Võ Thị Ngọc Thúy góp ý, khi TPHCM lựa chọn đầu tư, thực hiện công trình nào thì cần tính đến đa mục tiêu để đầu tư. Chẳng hạn, thực hiện dự án đường Vành đai 2, Vành đai 3 thì không chỉ phát triển giao thông, mà còn là chỉnh trang đô thị. Hay việc làm các bờ kè, không chỉ cho mục tiêu chỉnh trang đô thị, mà chú ý cả việc phát triển giao thông đường thủy. Theo ĐB Võ Thị Ngọc Thúy, cần tính đến nhiều mục tiêu của công trình, để đạt hiệu quả cao, có tính lan tỏa.
Tiếp để giải quyết chứ không phải tiếp để ghi nhận
Góp ý về giám sát việc thực hiện giải quyết khiếu nại, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận xét, hiện nay, giải quyết khiếu nại chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Giải quyết khiếu nại phải ra được quyết định giải quyết khiếu nại nhưng hiện nay lại chỉ ra thông báo trả lời. Với các kiến nghị của người dân, thường được trả lời là đã tiếp thu ý kiến và đang xem xét; nhưng việc xem xét kéo dài bao lâu? ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, HĐND TPHCM giao tổ đại biểu giám sát việc tập trung giải quyết khiếu nại là chưa đủ, mà các Ban, Thường trực HĐND TPHCM cần tập trung giám sát việc này.
“Làm sao cho 100% kiến nghị và khiếu nại của người dân đều được giải quyết. Tiếp để giải quyết chứ không phải tiếp để ghi nhận”- ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nhắn nhủ.
Tại hội trường, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ: “ĐB tiếp xúc cử tri đau lòng với việc tình trạng buông lỏng trong công tác quản lý, để đầu nậu tích trữ đất, thu gom đất làm dự án bán lại cho người dân”.
Theo ĐB, ở đây có nhiều nguyên nhân, đó là người dân không nắm được quy định pháp luật, nhu cầu nhà ở của người dân không được đáp ứng, cũng có thể do người dân ham rẻ. Có nhiều lý do, nhưng vấn đề ở chỗ là chúng ta cưỡng chế ai? Và thực tế thường cưỡng chế người dân, chứ đầu nậu lại không xử lý được.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm mong muốn TPHCM tính toán lại chương trình nhà ở. Khi cưỡng chế những trường hợp này thì tính toán cho người dân ở đâu. Bởi vì, người dân cũng khó khăn, gom góp ít tiền mua miếng đất, cất cái nhà lấy chỗ chui ra chui vô. Theo quy định pháp luật, họ sai thì sai rồi, nhưng trách nhiệm của chính quyền đến đâu trong việc lo chỗ ở của người dân?
Xây nhà cao tầng, cần nộp phí chống ngập ĐB Trần Quang Thắng đề nghị, các nhà đầu tư nào có ý định xây nhà cao tầng, cần đóng thêm phí để chống ngập. ĐB dẫn chứng đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), ngập nhiều, có máy bơm tăng cường nhưng đây chỉ là tạm thời. Còn giải pháp khác nữa đang triển khai là nâng đường, dự kiến tốn phí lên đến 500 tỷ đồng. ĐB phân tích tiền tốn kém đó thực ra là tiền của nhân dân TPHCM. Vì thế, TPHCM cần tính phí đối với chủ đầu tư nào làm dự án xây nhà cao tầng, cần có phí dự phòng cho chống ngập. |