Đà Nẵng phát triển đòi hỏi số lượng và chất lượng lao động ngày càng được nâng cao. Để đáp ứng nhu cầu hiện nay, hầu hết sinh viên khi đến học tại Đà Nẵng có xu hướng chọn ngành nghề “tiêu điểm” tại các trường thuộc đại học Đà Nẵng.
Với ước muốn được học ngành du lịch, em Đỗ Phương Ái Ái, sinh viên năm nhất khoa Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho hay, đây là ngành em có đam mê vừa là ngành giàu tiềm năng tại Đà Nẵng - Thành phố Du lịch. Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là một ngành “tiêu điểm” của Trường Đại học kinh tế Đà Nẵng. Mặc dù là ngành đam mê nhưng em Ái cảm thấy áp lực khi thi vào một ngành có tỷ lệ chọi cao (1/11,8).
Vừa qua, Đại học Đà Nẵng đã công bố điểm trúng tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học thành viên và đơn vị trực thuộc. Các ngành mũi nhọn theo nghị quyết số 43/NQ-TW và cách mạng 4.0 đều có điểm trúng tuyển cao, như: Kinh doanh quốc tế (24 điểm); Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (22,25 điểm); Công nghệ thông tin (chất lượng cao, ngoại ngữ tiếng Nhật là 23,5 điểm); Công nghệ thông tin (đặc thù, hợp tác doanh nghiệp là 23 điểm)... Điều này cho thấy, xu hướng lựa chọn của thí sinh trước nhu cầu nhân lực của khu vực cũng như của thành phố Đà Nẵng. Chất lượng sinh viên Đà Nẵng khi thi vào ngành trọng điểm ngày càng được quan tâm đánh giá cao.
Đại học Đà Nẵng không ngừng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tài nguyên học liệu để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của các trường khoa viện phân hiệu trực thuộc. Đại học Đà Nẵng có trên 1.500 cán bộ giảng viên trong đó có 500 giảng viên có trình độ học hàm giáo sư phó giáo sư và học vị tiến sĩ giàu tâm huyết và kinh nghiệm. “Đây là thuận lợi nhằm khẳng định uy tín, là học hiệu đem lại sự tin tưởng lựa chọn của thí sinh đối với Đại học Đà Nẵng” - PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng chia sẻ.
Nghị quyết 43-NQ/TW xác định rõ ràng 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng: (1) Du lịch, dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng (không phải du lịch nói chung); (2) Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; (3) Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo khởi nghiệp; (4) Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông gắn với kinh tế số; (5) Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp. |