Đại học Quốc gia TPHCM: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, xếp hạng quốc tế

PGS-TS Vũ Hải Quân, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết, việc chuẩn hóa CTĐT theo chuẩn quốc tế là yếu tố nền tảng, mục tiêu đầu ra là những lao động với kiến thức, kỹ năng đáp ứng thị trường lao động quốc tế.
Sinh viên ngành Công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) thực hành tại phòng thí nghiệm
Sinh viên ngành Công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) thực hành tại phòng thí nghiệm

Từ nay đến năm 2025, Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM tập trung đổi mới và phát triển chương trình đào tạo (CTĐT) nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường lao động quốc tế mang bản sắc riêng của ĐH Quốc gia TPHCM, tiếp cận trình độ các trường ĐH nghiên cứu ở khu vực châu Á. Trong đó, xác lập mục tiêu chuẩn đầu ra đạt trình độ tiên tiến, đẩy mạnh đào tạo sau ĐH; thành lập các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, nghiên cứu mũi nhọn và cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng ĐH uy tín của thế giới.

Chú trọng đào tạo sau đại học, nghiên cứu đỉnh cao

PGS-TS Vũ Hải Quân, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết, việc chuẩn hóa CTĐT theo chuẩn quốc tế là yếu tố nền tảng, mục tiêu đầu ra là những lao động với kiến thức, kỹ năng đáp ứng thị trường lao động quốc tế. Để tiếp tục chuẩn hóa CTĐT, ĐH Quốc gia TPHCM đã phê duyệt và triển khai đề án Chương trình tài năng giai đoạn 2018-2022 cho các chương trình được phép đào tạo tài năng giai đoạn trước, ngành đạt chuẩn kiểm định quốc tế như AUN-QA, ABET..., ưu tiên ngành đào tạo theo hướng nghiên cứu. Số lượng Chương trình tài năng của 5 trường thành viên và Khoa Y tăng dần. Dự kiến năm 2022, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ có 45 chương trình quy mô 1.350 sinh viên, trong đó 25 chương trình được hỗ trợ kinh phí.

Để xây dựng và phát triển chương trình đào tạo sau đại học (SĐH) theo hướng tiên tiến, ĐH Quốc gia TPHCM đã triển khai thêm 12 ngành đào tạo thạc sĩ và 3 ngành đào tạo tiến sĩ, nâng số ngành SĐH lên 89 ngành tiến sĩ, 130 ngành thạc sĩ ở các lĩnh vực quan trọng và thiết yếu. Số lượng ngành đào tạo ĐH từ 107 tăng lên 165 ngành ở 20 lĩnh vực.

Song song đó, đơn vị cũng sắp xếp lại các chuyên ngành đào tạo, theo hướng đào tạo mũi nhọn, thí điểm ngành mới có tính đa ngành và xuyên ngành như: Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Thương mại điện tử, Quản lý công, Khoa học vật liệu, Kỹ thuật y sinh, Đô thị học, Tâm lý học lâm sàng; đã và đang triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ chất lượng cao ở 4 ngành: Kỹ thuật dầu khí, Kỹ thuật viễn thông, Kỹ thuật khoa học máy tính và Quản lý xây dựng; 16 ngành liên kết đào tạo SĐH với các trường ĐH danh tiếng thế giới, với 441 học viên SĐH.

Đặc biệt, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học xuất sắc; phát huy sức mạnh hệ thống, phát triển nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, liên ngành phục vụ CMCN 4.0; nâng cao vai trò KHCN trong phục vụ cộng đồng; vai trò quan trọng trong công tác tư vấn chính sách, phản biện xã hội cho khu vực và đất nước; đưa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào CTĐT, nâng cấp trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành nhân tố quan trọng tại Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông của thành phố; đầu tư phục vụ nghiên cứu đỉnh cao, chú trọng lĩnh vực tiên tiến, liên ngành phục vụ CMCN 4.0.

Nâng cao uy tín quốc tế

Xếp hạng quốc tế hiện nay là xu thế tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa về giáo dục ĐH. Muốn cạnh tranh và hội nhập với giáo dục ĐH của khu vực, châu lục và thế giới, phải có chất lượng. Muốn thế giới công nhận thì ngoài việc được đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế còn phải có vị trí trên các bảng xếp hạng quốc tế.

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, xếp hạng ĐH là vấn đề lớn, đòi hỏi phải có chiến lược từ cấp quốc gia. Hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia… đều đã có chiến lược xếp hạng ĐH và đạt thành tựu quan trọng. Xếp hạng ĐH được thực hiện dựa trên hệ thống tiêu chí định lượng cụ thể, chủ yếu liên quan đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Đó có thể là mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng, là tỷ lệ giảng viên/sinh viên, tỷ lệ giảng viên có bằng tiến sĩ, tỷ lệ giảng viên, sinh viên quốc tế. Đó cũng là đánh giá của giới học thuật, số lượng bài báo, lượt trích dẫn trong danh mục Scopus, tỷ lệ đào tạo SĐH… Hiện tại, các chỉ số này của ĐH Quốc gia TPHCM còn khiêm tốn, tăng nhẹ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, chưa có cơ chế chính sách để khai thác hết tài sản trí tuệ.

Bên cạnh đó, ĐH Quốc gia TPHCM còn có những chính sách hướng tới cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng như thực hiện CTĐT mới và xây dựng đề án tăng cường năng lực công bố khoa học. Chẳng hạn CTĐT song bằng vừa gia tăng tính kết nối hệ thống vừa lợi ích cho người học. ĐH Quốc gia TPHCM cũng xây dựng Đề án tăng cường năng lực công bố Scopus, tăng năng lực công bố khoa học trong ĐH Quốc gia TPHCM qua chính sách đào tạo, hỗ trợ, khen thưởng. Đề án đề xuất cách ghi tên bài báo khoa học đủ tên ĐH Quốc gia TPHCM và tên đơn vị thành viên để phục vụ cho việc xếp hạng trường thành viên.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TPHCM, từ năm 2018 đến nay, vị trí và uy tín quốc tế của ĐH Quốc gia TPHCM ngày càng được nâng lên. ĐH Quốc gia TPHCM là cơ sở đào tạo có CTĐT đạt chuẩn kiểm định quốc tế nhiều nhất cả nước. 2 năm gần đây, đơn vị liên tục xuất hiện trên các tổ chức xếp hạng uy tín nhất thế giới như tổ chức Quacquarelli Symonds (QS), Times Higher Education (THE). Cụ thể, tốp 701-750 trong bảng xếp hạng QS World năm 2019, tốp 101-150 bảng xếp hạng các trường ĐH trẻ dưới 50 tuổi (THE), tốp 301-500 ĐH có tỷ lệ sinh viên có việc làm tốt nhất thế giới năm 2020, tốp 500 ĐH hàng đầu ở các nền kinh tế mới nổi năm 2020 do THE công bố, tốp 143 của QS ASIA năm 2020.

Đặc biệt, năm 2020 vào tốp 1001+ các trường ĐH theo xếp hạng của THE - là lần đầu tiên Việt Nam có một ĐH được xếp hạng của THE. Năm 2021 có 5 nhóm ngành thuộc tốp 601-800 thế giới theo xếp hạng của QS, tháng 6-2021 được THE xếp hạng tốp 401+ các ĐH trẻ tốt nhất thế giới… 

Tin cùng chuyên mục