Đại học Quốc gia TPHCM: Hướng đến tốp đầu châu Á

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Đại học Quốc gia TPHCM có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự phát triển của Đại học Quốc gia TPHCM.
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) sẽ được xây dựng tại Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) sẽ được xây dựng tại Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM

Ngày 3-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký thay Thủ tướng Chính phủ Quyết định số 790/QĐ-TTg phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Đại học Quốc gia TPHCM trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 được phê duyệt ngày 21-3-2014. Để hiểu rõ thêm về quyết định này cũng như kế hoạch triển khai đồ án quy hoạch, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM.

- PHÓNG VIÊN: Trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chi tiết của Đại học Quốc gia TPHCM có những điểm mới nào đáng chú ý, thưa ông?

- PGS-TS VŨ HẢI QUÂN, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM: Việc điều chỉnh quy hoạch nhằm mục đích sau: Thứ nhất là đáp ứng mục tiêu yêu cầu đào tạo và nhu cầu phát triển, kế hoạch chiến lược của Đại học Quốc gia TPHCM, phù hợp với quy hoạch đô thị của hai địa bàn giáp ranh là thành phố Thủ Đức, TPHCM và thành phố Dĩ An của tỉnh Bình Dương; thứ hai hướng đến mục tiêu xây dựng Đại học Quốc gia TPHCM trở thành hạt nhân của khu sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM.

Có thể khái quát một số điều chỉnh mới đáng chú ý như sau: Bổ sung khu tái định cư 10,03ha trên địa bàn phường Linh Xuân, TP Thủ Đức để tổ chức tái định cư cho các hộ dân nằm trong khu quy hoạch Đại học Quốc gia TPHCM thuộc địa bàn TPHCM; Tăng chỉ tiêu diện tích sàn trên sinh viên theo quy hoạch năm 2014 từ 15m2-18m2 sàn/sinh viên lên thành 20m2 sàn/sinh viên để hướng đến xây dựng một hệ thống đại học trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ của khoa học, công nghệ, văn hóa và tri thức Việt Nam.

Theo đó, các trường đại học thành viên và các khoa trực thuộc Đại học Quốc gia TPHCM đều tăng tổng diện tích sàn so với quy hoạch năm 2014 đã được duyệt. Ngoài tăng diện tích sàn, các chỉ số khác cũng tăng theo như hệ số sử dụng đất, tầng cao công trình, mật độ xây dựng... Cập nhật hạ tầng kỹ thuật các tuyến đường phù hợp với quy hoạch và các dự án đang triển khai của thành phố Dĩ An tỉnh Bình Dương, điều chỉnh một số công trình hạ tầng để đảm bảo phù hợp với việc bố trí khu tái định cư, cập nhật hạ tầng ngầm hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, xử lý nước thải. Quy định rõ các khu vực có bố trí các loại công trình ngầm đảm bảo việc triển khai thực hiện các dự án về sau được thuận lợi, đồng bộ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và quy định về công trình ngầm.

Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ giao rõ trách nhiệm cho các đơn vị có liên quan như: Đại học Quốc gia TPHCM, UBND TPHCM, tỉnh Bình Dương và Bộ Xây dựng. Cụ thể, đối với UBND TPHCM yêu cầu thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng; lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết; tổ chức đầu tư xây dựng; quản lý đất đai và khu tái định cư các hộ dân thuộc khu quy hoạch Đại học Quốc gia TPHCM theo quy định pháp luật. Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án thành phần thuộc phạm vi quản lý của Đại học Quốc gia TPHCM.

- Những điều chỉnh này mang lại những thuận lợi gì cho sự phát triển của Đại học Quốc gia TPHCM trong giai đoạn sắp tới?

- Việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Đại học Quốc gia TPHCM có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự phát triển của Đại học Quốc gia TPHCM. Đây là tiền đề để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bố trí tái định cư, giúp Đại học Quốc gia TPHCM sớm có quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án cũng như tổ chức quản lý, đảm bảo an ninh, trật tự và tạo lập môi trường nghiên cứu, đào tạo hiệu quả, chất lượng. Việc nâng cao chỉ tiêu diện tích sàn/sinh viên và điều chỉnh các hệ số trong quy hoạch tạo cơ sở, điều kiện bước đầu để Đại học Quốc gia TPHCM triển khai đầu tư xây dựng các dự án, công trình theo chuẩn mới, quy mô mới, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về cơ sở vật chất phục vụ cho mục tiêu hướng đến xây dựng Đại học Quốc gia TPHCM trong tốp đầu châu Á.

- Để thực hiện điều chỉnh này, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ tiến hành thực hiện như thế nào? Phối hợp và cần sự hỗ trợ gì từ chính quyền các địa phương?

- Trên cơ sở Quy hoạch phân khu điều chỉnh, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ tiếp tục tổ chức triển khai lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và trình Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt. Sau khi hồ sơ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được phê duyệt, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ căn cứ hồ sơ quy hoạch này, tiến hành rà soát nhu cầu đầu tư của các đơn vị, các trường thành viên và khoa trực thuộc theo định hướng, chu kỳ, sự phát triển từng giai đoạn của đơn vị, tập trung đầu tư xây dựng các dự án, công trình theo kế hoạch. Đối với hai địa phương giáp ranh là TPHCM và tỉnh Bình Dương, cần quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng hỗ trợ Đại học Quốc gia TPHCM, đảm bảo mặt bằng cho các dự án, công trình khi triển khai thi công nhanh chóng được đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.

- Sự điều chỉnh quy hoạch lần này tạo thuận lợi như thế nào cho việc triển khai các dự án thành phần của Đại học Quốc gia TPHCM?

- Sự điều chỉnh lần này đảm bảo củng cố chặt chẽ tính pháp lý trong quy hoạch và triển khai thực hiện các dự án. Đặc biệt là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ được đẩy nhanh tạo điều kiện thuận lợi để Đại học Quốc gia TPHCM triển khai xây dựng các dự án mới. Việc xây dựng Đại học Quốc gia TPHCM trở thành hạt nhân của khu sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác, phối hợp, đầu tư, gia tăng và đa dạng hóa việc huy động các nguồn vốn, đặc biệt là tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ địa phương, nhất là Đại học Quốc gia TPHCM.

Tin cùng chuyên mục