Dài hơi với xe quá tải

Các địa phương Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... đang tiến hành các biện pháp hạn chế xe quá tải trên quốc lộ (QL), tỉnh lộ bằng tổ liên ngành, cân lưu động. Tuy nhiên, đến nay việc xử lý còn hạn chế, hàng loạt xe quá tải, xe tự cơi nới vẫn ngang nhiên hoạt động. Đặc biệt, trên tuyến QL1A, QL12C (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), QL12A, QL9B (Quảng Bình), QL9 (Quảng Trị) và tỉnh lộ của các địa phương trên, xe quá tải đang băm nát mặt đường rất đáng báo động.
Dài hơi với xe quá tải

Các địa phương Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... đang tiến hành các biện pháp hạn chế xe quá tải trên quốc lộ (QL), tỉnh lộ bằng tổ liên ngành, cân lưu động. Tuy nhiên, đến nay việc xử lý còn hạn chế, hàng loạt xe quá tải, xe tự cơi nới vẫn ngang nhiên hoạt động. Đặc biệt, trên tuyến QL1A, QL12C (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), QL12A, QL9B (Quảng Bình), QL9 (Quảng Trị) và tỉnh lộ của các địa phương trên, xe quá tải đang băm nát mặt đường rất đáng báo động.

“Hổ vồ” mặt đường

Dọc QL12C đoạn qua huyện Kỳ Anh, hàng loạt xe tải mang BKS 37C, 38C, 75C, 90C… được cơi nới thùng xe nối đuôi nhau chở hàng trăm tấn đất, đá, cát chạy ầm ầm từ khu vực mỏ phía Tây huyện Kỳ Anh về phục vụ cho các nhà thầu xây dựng siêu dự án Khu liên hợp gang thép, cảng biển nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa (Đài Loan) và một số công trình khác ở Khu kinh tế Vũng Áng, dự án nâng cấp tuyến QL1 đoạn từ huyện Cẩm Xuyên vào Kỳ Anh…Đặc biệt, trong đó có đoàn xe “siêu khủng” Howo (còn gọi xe “hổ vồ” nhập khẩu từ Trung Quốc, thiết kế quy định chỉ chở từ 20 - 30 tấn) nhưng hầu hết chủ xe tự ý cơi nới nâng thùng lên 50 - 60cm, vượt kích cỡ quy định gấp 3 - 4 lần để chở 60 - 80 tấn. Ông Nguyễn Văn Th. (65 tuổi, ở thị trấn Kỳ Anh) bức xúc: “Ngày nào dân cũng chứng kiến hàng trăm xe “hổ vồ” quá tải chở đầy đất đá chạy bạt mạng nhưng không thấy cơ quan chức năng kiểm tra xử lý, nên mặt đường, cầu trên QL12C bị sụp lún, hư hỏng nặng”.

Quốc lộ 9B (Quảng Bình) đoạn từ Quán Hàu (Quảng Ninh) lên nhánh Đông đường Hồ Chí Minh có trọng tải cầu 13 tấn nhưng mỗi ngày vẫn gánh rất nhiều chuyến xe hàng chục tấn chở vật liệu đi qua. Cũng con đường này, đoạn từ Vạn Ninh đi Ngân Thủy (Lệ Thủy) xe quá tải chạy rầm rập khiến mặt đường nhiều nơi bể nát. Trong khi đó, tuyến đường Hồ Chí Minh ở Đông Trường Sơn chúng tôi quan sát từ Đồng Hới đi Lệ Thủy, mỗi ngày cũng có hàng trăm xe siêu trường siêu trọng chở các loại vật liệu cho Nhà máy xi măng Áng Sơn, Hải Vân và làm đường QL1A khiến nhiều đoạn hằn vết lồi lõm, mặt đường bong tróc. Ở Quảng Trị, các tuyến tỉnh lộ, QL9, đường Hồ Chí Minh tuyến Đông Trường Sơn cũng gặp các tình huống tương tự. Còn ở Bắc Quảng Bình, QL12A, đường Hồ Chí Minh phải “cõng” các loại xe siêu hạng của doanh nghiệp Hoành Sơn (Hà Tĩnh) chở vật liệu thô từ Lào về Vũng Áng khiến mặt đường nhiều nơi hằn lún.

Xe “hổ vồ” hơn 60 tấn, cày đường 13 tấn ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Ảnh: MINH PHONG

Xe “hổ vồ” hơn 60 tấn, cày đường 13 tấn ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Ảnh: MINH PHONG

Nhiều thủ đoạn đối phó

Quảng Bình là một trong 10 địa phương đầu tiên được Bộ GTVT áp dụng trạm cân trọng tải lưu động từ cuối năm 2013. Theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình: “Qua triển khai nhiều tháng, thời gian đầu lượng xe quá tải vi phạm rất nhiều, nhưng đến nay đã giảm hơn 60%. Đa phần các tài xế ý thức việc cân tải trọng và biết về tác hại khi chở quá tải”, nhưng chỉ giảm ở nơi đặt cân lưu động như QL1A, còn đường Hồ Chí Minh, QL12A, QL9B không có cân lưu động, mặt đường bị thả nổi cho xe siêu nặng tự cơi nới tàn phá.

Còn tại Hà Tĩnh, tình trạng ô tô tải nối đuôi nhau dừng đậu lại bên lề QL1A đoạn từ huyện Can Lộc ra thị xã Hồng Lĩnh để né trạm cân vẫn tái diễn, gây cản trở và mất an toàn giao thông. Mặt khác, cánh tài xế trước khi vào trạm cân đã thuê người dân địa phương bốc dỡ hàng hóa xuống xe nhỏ để giảm tải qua trạm, sau đó lại thuê bốc hàng lên xe trở lại tiếp tục hành trình. Ngoài ra, tình trạng các nhà xe chở vật liệu trên địa bàn Hà Tĩnh cũng manh động khi gặp cơ quan chức năng. Thường là bất hợp tác, khóa xe đi uống nước. Cò xe dắt mối né trạm cũng xuất hiện ở gần trạm cân để dò la và “bán” thông tin giờ giấc cân xe cho cánh tài xế lấy tiền.

Tại Quảng Bình, Quảng Trị, tình trạng cơi nới nâng thùng cũng diễn ra tương tự sau khi đưa xe đi đăng kiểm. Cá biệt có Công ty Thành Lợi (Quảng Ninh) ngang nhiên cho lưu thông đầu và đuôi xe mang BKS 73C-02909 còn thân xe mang BKS 43X-3519. Xe này trọng tải hơn 50 tấn nhưng thường chạy tỉnh lộ 13 tấn, lại be thành xe cao hơn để chở quá tải. Nhiều lần thanh tra giao thông bắt gặp nhưng tài xế Võ Phi Long bất hợp tác.

Thiếu giải pháp

Tìm hiểu của PV Báo SGGP tại Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh có một số khó khăn về mặt kỹ thuật cần được khắc phục sớm để trạm cân lưu động ngày mỗi chuyên nghiệp, ổn định hơn. Phần mềm bộ cân có những lúc bị lỗi, camera có lúc không chụp được biển số xe và không tự động nhận diện biển số xe. Độ chính xác của bộ cân có lúc vượt quá sai số cho phép sau nhiều lần cân lại, trong khi nhà thầu cung cấp thiết bị ở xa địa bàn nên việc xử lý khắc phục sự cố chưa kịp thời.

Các địa phương chưa bố trí được bãi hạ tải, lực lượng làm nhiệm vụ còn mỏng, không có nơi nghỉ thay ca, hoặc khu vực ăn uống sinh hoạt thường nhật. Máy móc chỉ hoạt động lúc nắng ráo, trời mưa đành phải nghỉ vì đồ điện tử thấm nước sẽ hỏng. Ông Lương Phan Kỳ, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh, cho biết chỉ còn cách vừa làm vừa nghe ngóng giải pháp từ Bộ GTVT hoặc học tập cách làm hay của địa phương khác. Bởi ngay cả phát hiện xe quá tải, lực lượng chức năng tại trạm cũng chỉ có thể xử phạt hành chính, việc buộc hạ tải là điều không thể. Vì trạm cân còn thiếu từ máy nâng tải, hạ tải đến bãi hạ tải.

Tại hiện trường thị sát ở Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị của bộ phối hợp với địa phương và đơn vị quản lý đường bộ thực hiện kiểm tra xe chở quá tải ngay từ công trường thi công, đồng thời thông báo các trường hợp vi phạm để Bộ GTVT có biện pháp xử lý.

Trong khi đó, để đối phó với vấn nạn xe quá tải chạy các tuyến nội tỉnh ở Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh thì các cơ quan chức năng lập tổ tuần tra kiểm soát liên ngành ở những chốt nóng. Tuy nhiên, hiện “cuộc chiến” này vẫn chưa đủ căn cơ bởi nhiều nơi còn “du di” cho các nhà thầu chở quá tải để thi công QL1A, khiến các cung đường tiếp tục oằn mình cho xe vài chục tấn cày nát.

MINH PHONG - DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục