Đảm bảo nguồn cấp nước cho ĐBSCL: Cần giải pháp căn cơ

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước ngày một gia tăng... ảnh hưởng nhiều đến việc cung cấp nước sạch cho khu vực này. Làm sao để hài hòa được tỷ lệ cung - cầu nguồn nước cho người dân ở vùng ĐBSCL đang là một bài toán khó.
Người dân khu vực ĐBSCL luôn đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt. Trong ảnh: Một đợt hỗ trợ nước ngọt cho người dân ĐBSCL vào tháng 3-2020
Người dân khu vực ĐBSCL luôn đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt. Trong ảnh: Một đợt hỗ trợ nước ngọt cho người dân ĐBSCL vào tháng 3-2020

Còn những bất cập

Theo Hội Cấp nước Việt Nam, ĐBSCL có mạng lưới sông, kênh rạch chằng chịt dài khoảng 6.700km. Tuy nhiên, không phải bất kỳ đâu cũng có thể sử dụng nguồn nước mặt để phục vụ cho sinh hoạt được bởi 2 trở ngại lớn là nhiễm mặn và nhiễm phèn. Nhiễm mặn đã vào sâu 45-50km trên sông Hậu; 70km trên sông Tiền với độ mặn từ 1-9g/lít. Trong khi đó, nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức. Nạn khai thác nước ngầm quá mức đã và đang gây lún, sụt và ô nhiễm các tầng nước. Vùng ĐBSCL hiện có khoảng 360-400 nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung với tổng công suất chỉ 1,1 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu sử dụng rất cao. Đặc biệt, tỷ lệ thất thoát nước còn khá cao, khoảng 22,5-25%. Theo Bộ Xây dựng, tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại ĐBSCL là phổ biến bởi BĐKH, thiếu nguồn lực, do thói quen tự khai thác... và quan trọng là do thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước quy mô liên tỉnh; thiếu phối hợp giữa các địa phương để giải quyết mang tính liên kết vùng.

Theo TS Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cấp nước Việt Nam, ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, biểu hiện rõ nhất là trong mùa hạn mặn năm 2016. Nguyên nhân do các công trình cấp nước tập trung bị nước mặn xâm nhập sâu; nguồn nước mặt bị nhiễm mặn, nguồn nước ngầm suy giảm. Vấn đề thiếu hụt nguồn nước ngọt đã tác động hết sức tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội ở khu vực này. Trong khi đó, ĐBSCL lại đang đối mặt với những thách thức về giải pháp quy hoạch cấp nước vùng, chẳng hạn như chưa có quy định pháp lý với quản lý mô hình cấp nước vùng, hiện chỉ quản lý theo địa giới hành chính. Ngoài ra, công tác quản lý về cấp nước cũng chỉ giới hạn theo địa giới hành chính, giá nước, chất lượng nước hay phân vùng cấp nước đều theo địa phương quy định, không có tính liên vùng.

Đẩy mạnh đầu tư nhà máy cấp nước tập trung

Một số ý kiến cho rằng, để có thể triển khai các kế hoạch, dự án cấp nước bền vững cho khu vực ĐBSCL, quy hoạch cấp nước thuộc quy hoạch xây dựng đô thị cần phải được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tế về chỉ tiêu cấp nước, dự báo nhu cầu. Bên cạnh đó, cần rà soát kỹ về mạng lưới đường ống, kế hoạch cấp nước hàng năm và dài hạn, vị trí, quy mô, diện tích, công suất các công trình đầu mối. Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, ĐBSCL cần hoàn chỉnh các quy định về quản lý, đầu tư thống nhất đối với mô hình cấp nước liên vùng (không giới hạn trong ranh giới hành chính); xem xét đưa vào danh mục đầu tư công đối với các tuyến truyền tải nước liên tỉnh, liên vùng. Chính phủ có cơ chế giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương khi giải pháp quy hoạch cấp nước được phê duyệt bao gồm cả nguồn lực thực hiện; trách nhiệm phối hợp với các nước trong lưu vực sông Mê Công về an ninh nguồn nước. Bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), cho biết tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại ĐBSCL đang rất phức tạp, do những tác động từ BĐKH. Trong khi đó, công tác quy hoạch, đầu tư các công trình cấp nước còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bộ Xây dựng đang phối hợp với các tổ chức lên kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước tập trung liên vùng để hỗ trợ nguồn cấp nước cho vùng ĐBSCL.

Dự báo, năm 2030, dân số ở ĐBSCL khoảng 18-19 triệu người, trong đó dân số đô thị 6,5-7,5 triệu người. Tổng nhu cầu sử dụng nước khoảng 3,27 triệu m³/ngày (đô thị 1,89 triệu m³/ngày, nông thôn 0,75 triệu m³/ngày, khu công nghiệp 0,63 triệu m³/ngày). Để giải bài toán nguồn cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt ở ĐBSCL, Chính phủ đã định hướng xây dựng 5 nhà máy cấp nước sạch vùng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, các nhà máy nước vùng: sông Tiền 1 (Tiền Giang) với công suất 300.000m³/ngày; sông Tiền 2 (Vĩnh Long) 300.000m³/ngày và cụm Nhà máy nước sông Hậu 1 (Cần Thơ, Hậu Giang) công suất 600.000m³/ngày; sông Hậu 2, 3 (An Giang) 450.000m³/ngày.

Tin cùng chuyên mục