Kỷ nguyên người già
Theo số liệu của Liên hợp quốc, trong hơn 4 thập niên qua, số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) đã tăng gấp 3 lần, từ khoảng 260 triệu năm 1980 lên 761 triệu năm 2021. Theo số liệu của cơ quan thống kê Statista (Đức) năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) là khu vực có dân số già nhất thế giới với tỷ lệ người cao tuổi chiếm 21%; tiếp sau là khu vực Bắc Mỹ (17%), châu Đại Dương (13%), châu Á (10%), khu vực Mỹ Latinh và Caribe (8%); châu Phi là nơi có tuổi thọ trung bình thấp nhất, chỉ 4%.
Xét theo quốc gia, Nhật Bản hiện có tỷ lệ dân số trên 65 tuổi cao nhất thế giới (chiếm 29,9% tổng dân số), tiếp đó là Italy (24,1%), Phần Lan (23,3%). Tại Việt Nam, tính đến năm 2021, số người trên 65 tuổi chiếm 8,3%.
Người cao tuổi ở Ba Lan và Phần Lan được hỗ trợ tiếp cận dịch vụ kỹ thuật số |
Ước tính đến năm 2050, số người cao tuổi trên thế giới có thể tăng hơn gấp đôi so với hiện nay, lên 1,6 tỷ người, tức là cứ 6 người thì có một người từ 65 tuổi trở lên, chiếm khoảng 16%-17% dân số toàn cầu. Riêng tại EU, vào giữa thế kỷ này, khoảng 30% dân số sẽ thuộc lớp người được gọi là “thế hệ cũ”. Tại châu Á, khoảng 40% dân số của Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ từ 65 tuổi trở lên. Những con số trên cho thấy già hóa dân số là xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược và có thể trở thành một trong những thay đổi về mặt xã hội quan trọng nhất của thế kỷ 21 này, tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế xã hội.
Cần biện pháp bền vững
Giới chuyên gia cho rằng các xã hội có dân số già nên thực hiện các bước điều chỉnh chính sách công phù hợp với tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng, như cải thiện tính bền vững của hệ thống lương hưu và an sinh xã hội; thiết lập các hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân và chăm sóc dài hạn.
Trước những thách thức to lớn do vấn đề già hóa dân số đặt ra, các nước trên thế giới đã triển khai các biện pháp nhằm thích ứng với tình trạng này. Nhật Bản đang khuyến khích các doanh nghiệp tạo điều kiện cho những người cao tuổi vẫn còn đủ sức khỏe làm việc.
Trung Quốc cũng lên kế hoạch tuyển dụng lại những giáo viên đã nghỉ hưu dưới 70 tuổi nhằm bù đắp cho số lượng nhân viên ngành giáo dục về hưu hàng loạt, đồng thời tận dụng kinh nghiệm và chuyên môn của họ. Hàn Quốc đang tăng cường đầu tư cho hệ thống phúc lợi người cao tuổi như cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc tại nhà, viện dưỡng lão, cơ quan hỗ trợ việc làm người cao tuổi.
Ở châu Âu, ngoài biện pháp mở rộng cánh cửa chào đón thêm người lao động nhập cư như Đức, các nước cũng đang tiếp tục điều chỉnh các chính sách nhằm tạo cơ hội làm việc tốt hơn cho lực lượng dân số già bên cạnh việc tăng cường hệ thống an sinh, phúc lợi cho người cao tuổi.