Tết ở Hà Nội

Đậm đà nét văn hóa cổ truyền

Đậm đà nét văn hóa cổ truyền

Xuân Ất Dậu tràn về trùng với năm cả nước đón chào kỷ niệm nhiều sự kiện lớn. Vì thế, những ngày qua trên địa bàn Hà Nội cũng tưng bừng trong các hoạt động văn hóa. Lần đầu tiên một triển lãm với tên gọi “Một nét xuân Hà Nội” được tổ chức khá đậm đặc chất văn hóa ngay trên tuyến phố cổ Mã Mây với các hoạt động như: trưng bày cây cảnh, cây thế, chim cảnh, cá cảnh, giới thiệu các nghề thủ công truyền thống, biểu diễn thư pháp...

Hội chợ xuân cũng được tổ chức tưng bừng tại Khu LHTT Mỹ Đình, tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ. Trung tâm triển lãm văn hóa-nghệ thuật Vân Hồ lại tưng bừng trong lễ hội “Gốm Bát Tràng” với những hoạt động dân gian truyền thống của làng xã xưa. Cung Văn hóa hữu nghị Việt-Xô, Trung tâm hội chợ nông nghiệp trên đường Hoàng Quốc Việt cũng phát huy “truyền thống” của mình là nơi trưng bày và bán các loại hoa, cây cảnh. Các tuyến đê Yên Phụ, Âu Cơ những ngày qua ngập tràn sắc hồng của đào, sắc vàng của quất, của hoa mai và trăm hồng ngàn tía các loài hoa khác. Chợ hoa trên phố cổ Hàng Lược năm nay vẫn đông đúc như xưa. Sau nhiều ngày phấp phỏm, thị trường hoa đào hai ngày qua khá ổn định.

Đậm đà nét văn hóa cổ truyền ảnh 1

Mua đồ cổ ở phố Hàng Mã ngày xuân.

Một nét văn hóa khác khá độc đáo của riêng Hà Nội là trưng bày và bán đồ gốm, sứ, đồng giả cổ ở phố Hàng Rươi, cuối Hàng Mã. Đồ giả cổ đặc biệt được người cao tuổi quan tâm. Chỉ cần 100.000 đồng là có thể mua được một thứ đồ giả cổ lạ mắt và độc đáo như: bình vôi gốm, bát, đĩa gốm, tiền xu, đèn sứ... Đáng chú ý là tại đây có rất nhiều đồ cổ ở các thời Lý, Trần, Lê được bày bán với giá lên tới hàng chục triệu đồng.

Mức tiền thưởng Tết của nhiều doanh nghiệp “ăn nên làm ra” của Hà Nội bình quân khoảng 1.500.000 –2.000.000 đồng/người. Khối cán bộ hưởng lương hành chính cũng được thành phố cho tạm ứng tiền lương mới. Vì thế, sức mua của người dân thủ đô Tết này tăng hơn; đặc biệt là cách sắm Tết cũng đỡ vất vả hơn. Thay vì kéo nhau ra chợ, năm nay người dân Hà Nội sắm Tết ở các siêu thị – vừa không sợ bị ảnh hưởng bởi mưa ướt và không sợ hàng giả, hàng kém chất lượng.

Chính vì thế, liên tiếp trong những ngày gần đây, một lọat siêu thị ở Hà Nội đã rơi vào tình trạng quá tải. Nhiều siêu thị lớn của Hà Nội như Metro, Big C, Vienaconex... khách hàng đông đến nỗi có lúc hệ thống thanh toán không thể phục vụ được hết lượng khách tới mua hàng. Nhiều khách hàng đã phải trả lại hàng hóa vì không thanh toán được. Trong những ngày giáp Tết, lượng khách vào mua hàng tại các siêu thị tăng gấp 2 – 3 lần so với ngày thường (Siêu thị Big C có trên 100.000 lượt người vào mua/ngày).

Sức mua tăng đột biến vào dịp cuối năm khiến giá cả nhiều mặt hàng, dịch vụ tăng vọt. Giá các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết tăng khoảng 20%-30%. Đáng chú ý là giá dịch vụ cho thuê ôtô trong dịp Tết tăng đến 50%, có loại tăng đến 100% (dịch vụ cho thuê ôtô tự lái). Thông thường, một chuyến xe 4 chỗ đi 2 chiều quãng đường 50km có giá khoảng 280.000 – 300.000 đồng, thì nay giá là 450.000 đồng.

Trong 3 ngày cuối năm, các bến xe khách ở Hà Nội trở nên vô cùng náo nhiệt. Ở Bến xe phía Nam, ước tính lượng khách năm nay tăng khoảng 28.000 người vào dịp giáp Tết. Đáp ứng nhu cầu của hành khách, bến xe đã tăng thêm hơn 100 xe để vận chuyển khách, nâng tổng số xe phục vụ tại bến dịp Tết khoảng 900 lượt xe/ngày. Vì thế, dù lượng khách tăng lên, nhưng bến không bị quá tải nghiêm trọng như các năm trước.

HÀ – YÊN - HẢI - TRỌNG

Tin cùng chuyên mục