
Đầm Ô Loan (huyện Tuy An, Phú Yên) được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia năm 1996. Gần 10 năm là khoảng thời gian để tỉnh Phú Yên thực hiện bảo vệ, quảng bá, tôn tạo, phát huy tiềm năng sẵn có này. Ngược lại, cũng chừng ấy năm, đầm Ô Loan đã nhiều lần bị ô nhiễm môi trường, bị xé nát mặt nước làm hồ tôm, lấn chiếm bờ đầm cất nhà trái phép…
- Hồ tôm xé nát đầm

Thắng cảnh cấp quốc gia Ô Loan đang bị xé nát bởi các hồ tôm.
Nằm giữa khu vực giáp ranh 5 xã An Hòa, An Cư, An Hiệp, An Hải và An Ninh Đông (huyện Tuy An), đầm Ô Loan có tổng diện tích 1.200 ha mặt nước. Những năm 1995-1996, thời điểm phong trào nuôi tôm đem lại lợi nhuận kếch xù cũng là lúc mặt nước đầm Ô Loan bị hàng ngàn hộ dân ven đầm cùng với một số người ở tỉnh, huyện đổ về lấn chiếm, đắp đập, be bờ, giăng đăng, lưới để nuôi tôm.
Nhiều sản vật đặc biệt ở đầm Ô Loan như sò huyết, hàu, tôm, mực… có giá trị kinh tế cao lần lượt bị... vét sạch. Từ việc nuôi tôm tự phát, tràn lan, không có hệ thống xử lý nước thải nên vào năm 1998 nguồn nước đầm Ô Loan bị ô nhiễm nặng làm những sinh vật có nguồn gốc từ biển như mực, cá đuối, tôm hùm mất trắng.
Đã có những “động thái” xử lý từ chính quyền tỉnh Phú Yên, nhưng thực tế mặt nước đầm Ô Loan vẫn đang chịu cảnh “băm vằm”.

Đắp bờ ngăn đầm (?!)
Trong Quyết định số 2410-QĐ/VH của Bộ Văn hóa-Thông tin ngày 27-9-1996 công nhận đầm Ô Loan là di tích danh thắng cấp quốc gia ghi rõ: “Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng khai thác trong những khu vực của di tích đã khoanh vùng.
Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được phép của Bộ VH-TT”.
Tương tự, biên bản quy định khu vực bảo vệ được ký bởi ngành VHTT và UBND tỉnh Phú Yên tháng 7-1996 cũng đã ghi: “Khu vực 1, phải được bảo vệ nguyên trạng gồm toàn bộ diện tích 1.200 ha mặt nước đầm Ô Loan, bờ đầm tính từ mép nước lên 100 m không cho bất cứ công trình xây dựng nào; các hoạt động nuôi trồng, khai thác đánh bắt hải sản ở Đầm Ô Loan phải được ngành hải sản và UBND tỉnh cho phép”.
Nhưng, đến thời điểm hiện tại, hơn 1.200 ha mặt nước đầm Ô Loan đang bị các hộ dân ven đầm ngang nhiên xâm hại; khoảng 1/3 diện tích mặt nước của đầm bị các hộ dân này tự thỏa thuận với nhau quy hoạch thành các hồ tôm.
Trong số 324,91 ha mặt nước đã xây dựng các hồ tôm thì chỉ có 66 ha là có quyết định giao mặt nước của UBND huyện Tuy An (?).

Những căn chòi trông coi hồ tôm được dựng ven bờ đầm.
Còn lại, hơn 250 ha xây dựng tự phát (chiếm 80% diện tích); hơn 5 ha diện tích đất ven đầm đã chuyển mục đích sản xuất chưa được phép của chính quyền các cấp, còn có 18 căn nhà xây dựng trái phép lấn chiếm lòng đầm.
Đại bộ phận các hồ được quyết định giao mặt nước hầu hết đều lấn, vượt diện tích cho phép 30-200 m tính từ đất liền ra mặt nước; lấn 20-60m rừng phòng hộ Phú Sơn để làm hồ nuôi và làm hồ nước ngọt. Các khu vực dọc theo mép đầm đã trở thành bãi đăng, bến ghe, mương thoát nước…
- Buông lỏng quản lý
Tình trạng người dân ồ ạt lấn chiếm lòng đầm xây dựng hồ tôm làm ô nhiễm trầm trọng nguồn nước và dùng các biện pháp trái phép khai thác sản vật đã một vài lần được tỉnh Phú Yên cùng các sở, ban ngành liên quan xử lý nhưng chỉ phạt hành chính mà không buộc tháo dỡ nên vẫn không ngăn chặn được việc ngư dân cơi nới, lấn chiếm lòng đầm để sản xuất.
Trong chuyến thực tế của chúng tôi vào những ngày cuối tháng 2-2005, ở ven đầm Ô Loan, những hồ tôm tiếp tục được dựng lên dày đặc, chòi gác tôm mọc trên mặt hồ như nấm sau mưa. 18 căn nhà xây dựng trái phép ven đầm, chỉ bị phạt hành chính cao nhất là 5 triệu đồng, hiện vẫn tồn tại kiên cố.

Tập kết đá chuẩn bị lấn lòng đầm Ô Loan.
Được biết, tình trạng trên vẫn diễn ra là do khâu quản lý của chính quyền cơ sở lỏng lẻo; quá trình thực hiện chuyển dịch trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản chưa chặt chẽ, thiếu chủ động, thiếu quy hoạch, có chỉ đạo nhưng thiếu kiểm tra.
Không những vậy, có xã tự quy hoạch phát triển diện tích nuôi trồng trên đầm 35 ha và thu phí đối với người được giao đất 500.000 đồng/500m2 vào nghị quyết HĐND!
Việc xử lý không cương quyết của các cấp chính quyền đã khiến cho các hộ dân tự xây dựng hồ tôm không theo một quy chế nào. Hồ kín, hồ hở, hồ chìm, hồ đắp nổi, hồ chắn đăng… mặc sức bung ra, gây ô nhiễm môi trường. Một nguyên nhân nữa, trong số các hồ tôm đang ngang nhiên tồn tại có cả các hồ tôm của cán bộ xã, huyện và tỉnh nên rất khó tháo dỡ.
Mặt khác, nếu tiến hành thu hồi và trả lại nguyên trạng mặt nước cho đầm Ô Loan thì không biết hàng ngàn hộ dân lâu nay chủ yếu sống dựa vào nghề nuôi tôm, đánh bắt hải sản sẽ chuyển đổi ngành nghề sản xuất như thế nào?
Tương truyền, mặt đầm Ô Loan ngày xưa là nơi đậu của phượng hoàng đen và đi trên quốc lộ 1A đoạn qua đỉnh đèo Quán Cau nhìn xuống đầm Ô Loan trông như chim phượng hoàng.
Vì vậy, đầm Ô Loan được đánh giá là một thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú vào bậc nhất của tỉnh Phú Yên. Thắng cảnh “phượng hoàng” này đang oằn mình... kêu cứu.
HÀ MINH